Phong trào “tiếp sức đến trường” nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị. Chúng ta xúc động khi hàng trăm giáo viên ở các tỉnh miền núi, như Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La... tổ chức lễ khai trường trong bùn đất. Suốt mấy tuần nay, kể cả ba ngày nghỉ lễ, hàng trăm bộ đội cùng các đội thanh niên tình nguyện bám làng, bản vừa bị lũ quét, làm vệ sinh trường lớp, dựng lại phòng học, đóng thêm bàn ghế do lũ cuốn trôi. Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Trường tiểu học Mường Típ 1, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cùng đồng nghiệp lội bộ 35 km từ huyện lỵ vào ngôi trường mình từng dạy trong tình cảnh “4 không”: không điện, không nước, không đường, không thực phẩm! Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng không vì thế để học sinh mất học! Tình cảm và trách nhiệm người thầy đã tiếp sức mạnh giúp các giáo viên cùng dân bản từng bước vượt qua thách thức, tìm mọi cách để các em sớm có nơi học tập. Chính trong những ngày mưa lũ, hàng nghìn, hàng vạn suất quà của các cơ quan, doanh nghiệp... được chuyển đến tận tay giáo viên, học sinh nơi đang phải gồng mình khắc phục hậu quả thiên tai... Càng xúc động hơn khi biết hàng trăm học sinh vượt qua hoàn cảnh gia đình nghèo khó, và những tình huống không may mắn của bản thân..., vẫn thắp sáng ước mơ được đến lớp cùng bạn bè trang lứa. Câu chuyện em Hà Vi, Trường PTTH Đông Du (TP Buôn Ma Thuột) vượt qua tai nạn bị một bệnh viện chẩn đoán cưa nhầm chân, vẫn ngày đêm miệt mài trang sách. Một năm sau khi bị tai nạn, Vi giành huy chương bạc trong kỳ thi Olympic vật lý của tỉnh. Và năm tiếp theo, Hà Vi trúng tuyển vào Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Yêu thích ngành luật, cô từ bỏ ưu ái của Bộ trưởng Y tế hứa, nếu học y, sau khi ra trường, Bộ sẽ ưu tiên bố trí công ăn việc làm.
Đi đôi niềm vui là sự lo âu của xã hội trước những biểu hiện một số giáo viên ở một số địa phương với những động cơ không trong sáng, đã có hành vi sửa điểm trong kỳ thi đại học vừa qua. Bệnh «chạy theo thành tích» vẫn chưa thuyên giảm. Nạn xuống cấp đạo đức trong học sinh, đang làm phụ huynh phân tâm. Mặc dù ngành giáo dục trong những năm gần đây có nhiều cố gắng đổi mới, cải tiến nội dung dạy và học, nhưng vẫn còn không ít những băn khoăn trong xã hội đối với việc cấu tạo lại chương trình, biên soạn sách giáo khoa. Vấn đề kết hợp giữa trí dục và đức dục, giữa đầu tư Nhà nước với xã hội hóa giáo dục, giữa lý thuyết và thực hành; vấn đề giao quyền tự chủ cho từng trường... còn nhiều bất cập. Lẽ đương nhiên, giải quyết các vấn đề «đại sự» ấy, không thể ngày một, ngày hai; nhưng không vì thế mà chậm xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, bước đi và cách thức tiến hành... để tạo ra bước chuyển căn bản và toàn diện trong giáo dục, đào tạo con người, luôn được Đảng, Nhà nước ta coi là «quốc sách hàng đầu»!
Trong bối cảnh đó, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu / Khó vạn lần dân liệu cũng xong”! Soi vào sự nghiệp “trồng người” - sự nghiệp gắn bó mật thiết với hàng chục triệu gia đình thì lời dạy ấy vẫn là “sợi chỉ đỏ” của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong triển khai nhiệm vụ năm học mới!
Đồng thuận xã hội - nguồn sức mạnh của giáo dục
|