Đổi mới tư duy có ý nghĩa quyết định
Bộ trưởng đã ví hình ảnh trận đánh lớn để nói về lần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục?
Tôi có dùng hình ảnh “một trận đánh lớn” để nói đến lực lượng gồm nhiều binh chủng phối hợp, nhiều chiến dịch, giải quyết nhiều mục tiêu khác nhau trong từng thời gian cụ thể.
Giáo dục cũng vậy. Mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để thực hiện mục tiêu này phải triển khai từng bước. Chúng tôi đã thảo luận và đi đến thống nhất sẽ bắt đầu từ những khâu xung yếu nhất, ở đó không cần phải đầu tư nhiều kinh phí mà vẫn có thể bảo đảm được yếu tố chắc thắng nếu chuẩn bị chu đáo, để từ đó lan tỏa và làm lay chuyển các khâu khác. Đối tượng của giáo dục là con người, không có chỗ cho thử nghiệm, mà phải chắc thắng.
Thưa Bộ trưởng, “trận đánh lớn” sẽ bắt đầu từ đâu?
Để thực hiện thành công đổi mới giáo dục lần này, chúng tôi cho rằng đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức là khâu khởi đầu và có ý nghĩa quyết định. Bởi vì nếu không có nhận thức mới, không có tư duy phù hợp thì không thể có chương trình, kế hoạch chuẩn xác, càng không có hành động đúng để đạt kết quả mong đợi.
Chúng tôi xác định đổi mới quản lý là giải pháp then chốt. Đổi mới giáo dục và đào tạo không phải là việc của riêng Bộ GD và ĐT hay Bộ trưởng, mà là của gần hai triệu thầy, cô giáo, của 20 triệu học sinh, sinh viên. Mà cũng không phải chỉ có 22 triệu thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên ngành giáo dục triển khai đổi mới, mà các ngành, các cấp và cả xã hội sẽ cùng với chúng tôi thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục. Công việc liên quan đến nhiều người, nhiều gia đình, nhiều ngành và lĩnh vực như vậy đòi hỏi phải được chỉ đạo, điều hành, phối kết hợp rất tốt.
Riêng trong ngành giáo dục, chúng tôi xác định đổi mới thi cử là khâu có ý nghĩa đột phá vì các lý do sau:
Thứ nhất, có hai vế của một vấn đề: Đối với thầy, cô giáo thì cần phải nhớ: học gì thi nấy. Thầy, cô giáo và các cơ quan quản lý giáo dục không thể “bắt” học sinh làm bài thi ở phần chưa được học. Đối với học sinh: “thi gì học nấy”, thi thế nào thì học như thế. Do vậy, đổi mới thi cử sẽ dẫn ngay đến đổi mới trong nội dung, phương pháp học và dạy. Đổi mới thi cử không phải là mục tiêu cuối cùng, nhưng nếu làm tốt sẽ làm lay chuyển các khâu xung yếu khác, dẫn đến sự thay đổi trong cả hệ thống và sẽ tạo ra những thay đổi về chất.
Thứ hai, thi cử đang là một khâu gây nhiều bức xúc, được cả xã hội quan tâm và mong muốn đổi mới.
Thứ ba, như tôi đã nói lúc trước, nếu chuẩn bị chu đáo thì chúng ta có thể thực hiện được ngay việc đổi mới thi cử, bảo đảm được yếu tố chắc thắng mà không cần phải đầu tư nhiều kinh phí, cơ sở vật chất... Thực tế đối với công tác giảng dạy, học tập và thi cử trong thời gian từ năm 2011 đến 2014 đã minh chứng điều này.
Trong lần đổi mới này có một vấn đề hết sức quan trọng đang được dư luận quan tâm là đổi mới chương trình sách giáo khoa, xin Bộ trưởng cho biết, nguyên tắc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông như thế nào để phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục như Nghị quyết 29 của Đảng đã nêu?
Nguyên tắc đầu tiên của biên soạn chương trình và sách giáo khoa là quán triệt đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 29-NQ/TW và các nghị quyết khác của Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời tuân thủ nghiêm túc các quy định của Hiến pháp (Điều 61) và của Luật Giáo dục.
Chúng ta phải kế thừa và phát huy những thành tựu và kinh nghiệm thành công của nền giáo dục Việt Nam, đồng thời tham khảo, học hỏi một cách có chọn lọc và có hệ thống kinh nghiệm, thành tựu giáo dục của nước ngoài, nhất là các nước có nền giáo dục phát triển và có điều kiện tương đồng với Việt Nam.
Sẽ tinh giản chương trình giáo dục phổ thông
Vậy chương trình giáo dục phổ thông sẽ được đổi mới như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Chương trình giáo dục phổ thông sẽ được xây dựng theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi và trình độ học sinh; tăng cường các hoạt động thực hành, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên, bảo đảm tiếp nối, liên thông giữa chương trình cấp học và lớp học, giữa các môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng thành một chỉnh thể nhất quán từ lớp một đến lớp 12, tương ứng với hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông).
Giáo dục cơ bản thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học thuộc lĩnh vực khoa học để tạo thành môn học tích hợp và chủ đề liên môn, qua đó chương trình giáo dục giảm được kiến thức hàn lâm và số lượng môn học, tránh được hiện tượng chồng chéo nội dung mà vẫn bảo đảm trang bị tri thức phổ thông nền tảng và đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở.
Giáo dục định hướng nghề nghiệp thực hiện phân hóa mạnh học sinh: Mỗi học sinh chỉ học một số môn học và tham gia một số hoạt động giáo dục bắt buộc và được tự lựa chọn các môn học, chuyên đề học tập khác theo sở trường, nguyện vọng của cá nhân trong khả năng đáp ứng của nhà trường. Các chuyên đề học tập tự chọn nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao hoặc mở rộng kiến thức các môn học, cung cấp những kỹ năng ban đầu của các ngành nghề lao động, qua đó giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông. Hướng tới việc tổ chức dạy học theo tín chỉ để giúp học sinh có thể chuyển đổi giữa các bậc học, các chương trình giáo dục bằng cách tích lũy tín chỉ.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2014, Bộ trưởng muốn gửi Thông điệp gì đến 22 triệu thầy, cô giáo và học sinh cả nước?
Trong thời gian vừa qua, cùng với việc tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai xây dựng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất, bằng sự chủ động, sáng tạo và ý thức trách nhiệm đối với thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta đã triển khai một số công việc liên quan đến việc chấn chỉnh và đổi mới công tác quản lý theo hướng tăng cường kỷ cương kỷ luật đi liền với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo, đổi mới việc dạy và học, kiểm tra đánh giá và thi cử nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, và đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Trong thời gian tới, các công việc đổi mới giáo dục sẽ được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện hơn. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, đội ngũ thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục chúng ta sẽ quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, khắc phục mọi yếu kém và khó khăn thách thức, phát huy truyền thống và sức mạnh của mình để chủ động và sáng tạo tổ chức thực hiện đổi mới hoạt động chuyên môn và công tác quản lý, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng sự mong đợi và xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi kính chúc các thầy giáo, các cô giáo dồi dào sức khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả của mình, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để thực hiện lời dạy của Bác Hồ trong bức thư cuối cùng Người gửi cho ngành: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện này!
Phát biểu tại Kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII, phiên họp thảo luận ở hội trường về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ:
Phương án Chính phủ đề xuất giao cho Bộ GD và ĐT chủ động biên soạn một bộ sách đồng thời khuyến khích việc biên soạn các bộ sách khác là để Chính phủ chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra. Tính toán này là thận trọng và cần thiết trong khi mô hình mới chưa xuất hiện, mới chỉ có trong tính toán thì có nên chăng loại bỏ ngay mô hình đã có, đã được kiểm nghiệm và đã hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ giao. Ở đây tuyệt nhiên không có vấn đề lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Phương án xã hội hóa biên soạn SGK chính là do Bộ GD và ĐT đề xuất và Chính phủ thảo luận, quyết định trình Quốc hội.
Việc Bộ GD và ĐT tổ chức biên soạn sách, thẩm định có dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi hay không? Bộ GD và ĐT trong lịch sử chưa bao giờ trực tiếp viết SGK và cũng sẽ không trực tiếp viết SGK. Việc viết SGK, biên soạn chương trình do các nhà giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia. Bộ GD và ĐT phải tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện lựa chọn nhân sự và tập huấn bổ sung các thông tin kiến thức cần thiết để quyết sách; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ quá trình biên soạn và thẩm định, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho nhóm viết sách; tập huấn, quán triệt, thảo luận...Còn việc thẩm định sách do một Hội đồng thẩm định bao gồm các nhà giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này nhưng không tham gia vào việc quyết sách do nhiều cơ quan hữu quan giới thiệu.
Một số ý kiến cho rằng không nên để Bộ GD và ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách vì không công bằng, vì nhóm này dùng tiền của Nhà nước, còn các nhóm khác không có. Chúng ta cần phải cân nhắc xem xét vấn đề này, tính toán theo hướng để tất cả nhóm biên soạn SGK đều có những điều kiện thuận lợi tương đương trong hoạt động chuyên môn và đều có trách nhiệm như nhau, bao gồm cả trách nhiệm về pháp lý và trách nhiệm về đạo đức khi sử dụng tiền của nhân dân, tiền của ngân sách. Theo tiếp cận của chúng tôi có nhiều cách để bảo đảm sự công bằng này bằng các giải pháp kỹ thuật. Cách đặt vấn đề là để bảo đảm công bằng thì không để thành phần Nhà nước tham gia vào công việc này nữa, nên cân nhắc. Quyết định một vấn đề hệ trọng của giáo dục mà chỉ căn cứ vào sự bình đẳng kinh tế của các nhóm tham gia triển khai là điều cần phải tính toán cho toàn diện.