"Một mình em sắm cả ba vai chèo"
- Bà đã bắt đầu hoạt động của Hanoi Studio như thế nào?
- Mọi sự đến theo một cách giản dị lắm. Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tôi được chọn đi du học ở Liên Xô (trước đây). Thời điểm ấy, những chuyển biến xã hội ở đó có lẽ đã tạo cảm hứng cho nghệ sĩ trẻ, dẫn đến sự ra đời của nhiều trào lưu nghệ thuật mới. Hội họa trẻ Liên Xô được các nhà kinh doanh và sưu tập nghệ thuật phương Tây quan tâm nhiều. Các triển lãm diễn ra liên tục, dày đặc ở Thủ đô Moscow và tất nhiên là người trẻ như tôi cũng bị cuốn hút vào không khí nghệ thuật ấy. Về nước, tôi đi làm cho một doanh nghiệp nước ngoài, lại gặp nhiều bạn mới là người nước ngoài và họ chung mối quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam bởi sự mới, lạ, nhiều thứ để khám phá. Các bạn hay kể cho tôi nghe về một số phòng tranh nổi bật ở Hà Nội thời đó, như Mai, Sông Hồng, hỏi tôi có hay đi xem không...
Thế rồi cứ ngày qua ngày, câu chuyện nghệ thuật cuốn tôi đi lúc nào không hay, như là sự trở lại của ký ức hồi du học. Tôi quyết định mở Hanoi Studio với suy nghĩ: giới thiệu những gì bản thân mình thấy thích thú trong nghệ thuật Việt Nam đến công chúng.
- Nhưng dù mơ mộng đến đâu thì vẫn phải đối diện với vấn đề kinh doanh, trong đó tôi cho rằng, việc định giá bán tác phẩm mỹ thuật là công việc khó khăn với một gallery. Bà đã giải quyết vấn đề này như thế nào, từ buổi đầu tiên ấy?
- Hồi đầu, chuyện định giá mỹ thuật ở Việt Nam là theo cách của người nước ngoài, nhất là từ sau khi gallery Lã Vọng ở Hồng Công (Trung Quốc) tổ chức triển lãm mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới đầu tiên trong khu vực (triển lãm Uncorked Soul/ Tâm hồn bộc bạch, năm 1991). Còn tôi thì "nghe bằng cả hai tai"- từ mong muốn của cá nhân từng tác giả tới mặt bằng thị trường chung và mong muốn của người mua tác phẩm để tìm cách cân bằng. Theo thời gian quan sát thị trường, tôi dần tự nhận hiểu được và tự cân nhắc, chủ động cùng tác giả điều chỉnh giá đưa ra ban đầu, có thể cao hơn cả mong muốn của chính tác giả đó, cũng có thể ngược lại.
- Đó là một cách mà bà tự học việc từ chính công việc của mình. Được biết, bà cũng chính là người viết lời giới thiệu triển lãm, tác giả, tác phẩm, kể cả thông cáo báo chí cho các sự kiện triển lãm của Hanoi Studio? Vì bà không tìm được nhân sự thay thế hay bà không muốn?
- Tôi học lý luận phê bình điện ảnh nên viết là việc hằng ngày của tôi. Có thể, những gì tôi viết về nghệ thuật trong các sự kiện triển lãm của Hanoi Studio vẫn chỉ là thể hiện quan điểm cá nhân, chưa ở tầm lý luận hay báo chí chuyên nghiệp nhưng như mục đích ban đầu của Hanoi Studio là giới thiệu nghệ thuật Việt Nam hôm nay qua lăng kính cá nhân tôi đến công chúng, tôi thấy tốt hơn cả là tự mình viết ra điều mình suy nghĩ về nghệ thuật mà mình đã lựa chọn.
- Vậy là bà cùng lúc vừa chọn lựa tác giả, tác phẩm, định giá bán và viết về họ để gửi thông điệp đến công chúng...
- Và cho đến khi đang nói chuyện với bạn đây, trong hơn hai thập niên qua tôi cũng là người kết nối với khách hàng, trò chuyện với họ, truyền cảm hứng yêu thích nghệ thuật Việt Nam hôm nay đến họ và quyết định việc mua-bán tác phẩm. Nói đúng ra, Hanoi Studio chính là tôi... Một mình tôi đóng tất cả các vai...
- Bà chưa khi nào thuê nhân viên?
- Hanoi Studio có thuê nhân viên ngay từ hồi đầu mới thành lập, nhưng lúc đầu chủ yếu là để trông coi phòng tranh, làm một số công việc hành chính. Quá trình để các bạn nhân viên trưởng thành, yêu thích và nắm chắc được cách giới thiệu tác giả, tác phẩm cũng không hề dễ dàng và nhanh chóng.
Trong việc trưng bày tác phẩm, chúng tôi hiểu hơn ai hết không gian của mình nên cùng với sự trợ giúp của các tác giả trong từng sự kiện cụ thể, chúng tôi cố gắng tạo ra đường dẫn tham quan triển lãm ổn nhất có thể.
Không gian nghệ thuật Artigin tại sảnh chính của tòa nhà văn phòng cao cấp Lotte Mall Tây Hồ, khai trương hồi tháng 9/2023. |
Hy vọng sớm có nhân sự và địa chỉ dẫn dắt thị trường
- Từ những chia sẻ nói trên của bà, có thể nói, Hanoi Studio là một mô hình doanh nghiệp nhỏ...
- Nhưng gallery ở Việt Nam mình nhìn chung là vậy: Giám đốc kiêm đủ việc. Ta chưa thể thoát ra tình trạng đó được.
- Nhìn rộng ra bên ngoài gallery của mình, ít nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây, bà nhận thấy nguồn nhân lực trong lĩnh vực mỹ thuật ở nước ta có những chuyển biến nào đáng chú ý?
- Có ba điểm nổi bật: Thứ nhất là có sự trở về của lớp người trẻ du học chuyên ngành nghệ thuật, như giám tuyển, nghiên cứu lịch sử và truyền thông nghệ thuật. Họ tham gia các sự kiện, triển lãm, quản lý và phát triển các bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân, bảo tàng tư nhân, thực hiện những ấn phẩm nghệ thuật mới, tạo ra nhiều ấn tượng trong đời sống nghệ thuật và thu hút sự chú ý của công chúng mới của nghệ thuật. Thứ hai là xuất hiện lớp người trẻ, trong độ tuổi 35-40, thật sự quan tâm đến nghệ thuật và mua để hoặc thỏa mãn sự yêu thích hoặc để vừa thỏa mãn điều đó vừa muốn đầu tư. Họ có tiềm lực tài chính riêng và chọn cách văn minh để sở hữu tác phẩm nghệ thuật, như đọc sách, tìm hiểu kỹ và mua tác phẩm qua những gallery mà họ tin cậy.
Cuối cùng là sự hiện diện và đóng góp một cách bền bỉ của số ít địa chỉ gallery, quỹ nghệ thuật và bộ sưu tập tư nhân, truyền cảm hứng và niềm tin cho các nhân sự làm việc nghiêm túc trong lĩnh vực này vào một tương lai phát triển.
- Liệu đây có phải là nhóm nhân sự đóng vai trò dẫn dắt thị trường mỹ thuật còn sơ khai ở Việt Nam?
- Không. Vai trò này phải là của những nhà đầu tư lớn với nguồn lực tài chính dành riêng cho lĩnh vực này, đồng thời với tầm nhìn chiến lược cho các mô hình kinh doanh mỹ thuật chuyên nghiệp. Vai trò này cũng phải thuộc về những tổ chức công lập như Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, nơi có đủ điều kiện và vị thế tổ chức các cuộc triển lãm giới thiệu những bộ sưu tập mỹ thuật quy mô của nước nhà cũng như thuê, mượn các bộ sưu tập mỹ thuật lớn trên thế giới để đưa về nước trưng bày, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức/kiến thức về nghệ thuật cho cả từ công chúng đến nghệ sĩ và các nhân lực làm việc trong lĩnh vực này... Họ là chất keo gắn kết các phân mảnh nhân lực đầy tiềm năng như tôi đã đề cập, để tạo ra những hoạt động, sự kiện, mô hình đa dạng và lớn mạnh, thúc đẩy phát triển mỹ thuật đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Tiếc là cho đến nay, chúng ta chưa có được những tổ chức/cá nhân làm được như vậy.
- Dù sao chúng ta vẫn cứ hy vọng vào tương lai chứ? Mong muốn hiện nay của bà cho thị trường mỹ thuật nước nhà?
- Tôi hy vọng sớm xuất hiện một nhà đấu giá chuyên nghiệp ở Việt Nam. Đây chính là đầu mối của sự xác tín thật-giả cho tác phẩm mỹ thuật và thúc đẩy giá bán tác phẩm lên các bước mới. Nó như công cụ thước đo trị giá và giá trị của thị trường mỹ thuật và qua đó, điều tiết lại những cách vận hành còn sơ khởi ở Việt Nam lâu nay. Sự xuất hiện này sẽ là kết quả của rất nhiều thay đổi trong cách thức quản lý và kinh doanh mỹ thuật ở nước mình, như việc minh bạch hóa dòng tiền đầu tư vào nghệ thuật, việc đóng thuế của tác giả tranh, việc chuyên nghiệp hóa mọi khâu hoạt động và nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
- Chân thành cảm ơn bà!
Hanoi Studio Gallery hiện là đối tác duy nhất trong chiến lược đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng của tập đoàn Lotte Hàn Quốc, thông qua hợp tác mở địa chỉ nghệ thuật Artigin tại sảnh chính của tòa nhà văn phòng cao cấp mà Lotte mới đưa vào vận hành ở Thủ đô Hà Nội. Bà Dương Thu Hằng còn là cố vấn nghệ thuật của dự án xây dựng Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Ánh Dương tại tỉnh Bắc Ninh.