Thị trấn Đồng Văn nằm nép mình dưới những dãy núi đá sừng sững chạy thành hình vòng cung. Khu phố cổ thuộc diện bảo tồn, đến nay, chỉ còn khoảng 40 căn nhà san sát, khiêm nhường khuất sau chợ Đồng Văn. Tuy vậy, chỉ cần thả hồn ngắm nhìn những mái ngói âm dương, cột đá, tường trình... đã bao phủ bởi rêu phong, người giàu trí tưởng tượng vẫn có thể hình dung ra một thời kỳ hưng thịnh, náo nhiệt.
Những năm 80 của thế kỷ 19, người Pháp đặt chân đến đồn trú, bắt đầu mở đường, xây nhà ép sát chân núi. Dần dần, cả một cộng đồng dân cư được hình thành với các gia đình người Mông, người Tày, người Hoa... sinh sống bằng nghề trồng trọt, săn bắt. Hầu hết nhà mang kết cấu đặc trưng của cư dân biên cương (trình tường, cột kiên cố, ít cửa sổ), đồng thời pha trộn với kiến trúc cổ phía nam Trung Hoa (có mái đao, gỗ chạm trổ) và mang cả dấu ấn kiến trúc Pháp (với bếp lò và ống khói). Sự kết hợp nhiều nền văn hóa, trải qua thời gian thích ứng với khí hậu và nguồn nguyên liệu bản địa đã tạo nên một khu phố cổ độc đáo hiếm có.
Buổi sáng, phố cổ đẹp bình yên như bức tranh với hai tông mầu chính: mầu vàng rực của nắng chiếu lên sắc xám xanh cổ kính của những mái nhà cổ. Nếu đến đúng vào cuối tuần, chợ phiên Đồng Văn họp ngay đầu phố là nơi không thể bỏ qua. Chợ chả thiếu gì, nhưng cái hay ho, thú vị không hoàn toàn là việc mua bán. Mà là hàng trăm, hàng nghìn đồng bào thuộc các dân tộc khác nhau, từ khắp các xã, huyện lân cận cũng kéo về. Là những cuộc chuyện trò râm ran không dứt từ sáng đến tối bên nồi thắng cố, chén rượu ngô. Là đám trẻ con theo cha mẹ đi chợ, đến chơi với nhau rất tự nhiên đủ trò, miệng nói mắt cười... Buổi tối, chỉ cần mặt trời vừa xuống núi là lập tức cái lạnh se sắt bao trùm lên thị trấn nằm ở độ cao hơn một nghìn mét so với mực nước biển. Trời lạnh, nên ở đây các quán nướng, lẩu rất nhiều và đông khách. Khuya hơn một chút, khu phố mới thật sự chìm vào bóng đêm tĩnh mịch, lạnh giá. Chỉ còn ánh sáng dìu dịu tỏa ra từ những chiếc đèn lồng đỏ treo trước hiên mỗi nhà, vừa để soi sáng, vừa như sưởi ấm lòng người.
Một số ít nhà cổ Đồng Văn đang được sử dụng để kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay, nơi quý khách “tây có, ta có” sẽ được trải nghiệm sinh hoạt cùng gia chủ. Ngôi nhà nổi tiếng nhất thị trấn chính là quán cà-phê hai tầng mang tên “Phố cổ”. Nếu ở tầng một là một không gian có phần ồn ã, đông đúc với những chiếc bàn ngồi chật khách du lịch; thì chỉ cần lên đến tầng hai, người yêu thích sự yên tĩnh sẽ tìm được khoảng lặng để thư giãn và ngắm nhìn kiến trúc ngôi nhà. Thỉnh thoảng, chủ quán mời các đội văn nghệ ở bản về hát, múa những bài dân ca, dân vũ của dân tộc Mông, Tày, Dao, Lô Lô... như một cách để vừa hút khách, vừa bảo tồn vốn quý văn hóa.
Có người cảm thán: Quán xá bây giờ mọc lên san sát, nhuốm màu xô bồ rồi, nhạc xập xình, đèn xanh đỏ, còn đâu nét duyên xưa! Nhưng cũng có người chỉ đơn giản nghĩ: Có cầu thì có cung, nhu cầu giải trí buổi đêm của du khách là chính đáng, chẳng qua là chưa được chính quyền địa phương quan tâm, định hướng nên mới thành ra tự phát.
Dẫu vậy, phố núi trăm năm vẫn là một nơi đáng ghé chân!