Thêm nhiều thỏa ước nhân văn

|

Thỏa ước lao động tập thể là căn cứ để người lao động và chủ sử dụng lao động hài hòa lợi ích trong sản xuất, kinh doanh, cùng phát triển. Không ít doanh nghiệp đã thực hiện các điều khoản trong Thỏa ước lao động tập thể cao hơn quy định cho thấy sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp nhằm chăm lo tốt hơn cho đời sống của người lao động.

Lựa chọn thời điểm

Nội dung bản Thỏa ước lao động tập thể (Thỏa ước lao động) của Công ty cổ phần In số 7 (Thành phố Hồ Chí Minh) vừa được ký kết giữa Ban Giám đốc Công ty và Ban Chấp hành Công đoàn, áp dụng cho giai đoạn 2023-2025 được hầu hết công nhân lao động phấn khởi đón nhận.

Trong bản Thỏa ước này, có một số điều khoản đã thay đổi, nâng mức kinh phí chăm lo cho người lao động cao hơn so thời điểm trước đó. Chẳng hạn, tặng một suất nghỉ mát bằng ba triệu đồng cho một người đủ 12 tháng làm việc (quy định cũ là 2,5 triệu đồng); trợ cấp một triệu đồng/tháng cho lao động nữ khi nghỉ thai sản (quy định cũ là 700 nghìn đồng/tháng); trợ cấp 300 nghìn đồng/tháng/con cho lao động nữ nuôi con nhỏ từ bảy tháng tuổi đến hết năm tuổi (quy định cũ trợ cấp từ bảy tháng tuổi đến hết ba tuổi); tặng quà trị giá hai triệu đồng cho lao động lập gia đình đúng quy định, có thời gian công tác từ một năm trở lên (quy định cũ là một triệu đồng).

Vui mừng trước sự hỗ trợ từ phía chủ sử dụng lao động, anh Trương Thanh Tâm, công nhân kỹ thuật thuộc bộ phận khâu máy đế vui mừng: "Tôi có 10 năm gắn bó với công ty. Hằng năm, người lao động đều trông chờ vào bản Thỏa ước lao động, vậy nên, khi nhận được sự quan tâm của Ban Giám đốc, chúng tôi mừng lắm. Đặc biệt, điều khoản tạo điều kiện cho công nhân ra nước ngoài học tập, tham quan là việc làm rất thiết thực, tạo động lực cho người lao động". Trên cương vị người lãnh đạo, ông Nguyễn Minh Trung, Giám đốc Công ty cổ phần In số 7 chia sẻ: Quan tâm đến người lao động bằng những phúc lợi cụ thể cũng chính là trân quý sự cống hiến, nỗ lực của họ. Do đó, chúng tôi và Ban Chấp hành Công đoàn cùng nhau thỏa thuận để quyết định những điều khoản tốt nhất, cao hơn quy định của luật để đưa vào Thỏa ước lao động nhằm chăm lo đời sống, tinh thần và lợi ích chính đáng của người lao động, từ đó tạo sự gắn kết, giúp họ yên tâm làm việc lâu dài.

Tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam, Khu công nghệ cao thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) bản Thỏa ước lao động hằng năm đều xây dựng trên tinh thần chăm lo và bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cho biết, dù bị tác động của tình hình kinh tế thế giới, xu hướng bị giảm đơn hàng nhưng đơn vị vẫn bảo đảm thu nhập và phúc lợi cho người lao động. Trong Thỏa ước lao động của năm 2023, công ty tăng tiền trợ cấp nuôi con dưới sáu tuổi cho người lao động. Ngoài ra, để động viên, công ty chi tiền phụ cấp chuyên cần là 300 nghìn đồng/tháng cho người lao động; trợ cấp tiền nhà ở cho người lao động tùy theo thâm niên làm việc (trong đó người làm việc từ 12 tháng trở lên nhận trợ cấp 300 nghìn đồng/tháng)…

Kinh nghiệm quý mà ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn công ty, đúc kết: "Muốn Ban Giám đốc đồng ý với đề xuất của Ban Chấp hành Công đoàn về các chế độ, phúc lợi tốt hơn đối với người lao động, thì phải lựa thời điểm việc kinh doanh thuận lợi để thương lượng. Ngoài ra, Công đoàn Công ty cần tham khảo thông tin các đơn vị cùng địa bàn, cùng ngành nghề để có dữ liệu thương lượng với Ban Giám đốc, từ đó vận dụng, thực hiện nhiều điều khoản chăm lo cho người lao động cao hơn luật định".

Không chỉ ký cho có

Thực tế, ở nhiều doanh nghiệp trong cả nước, vẫn tồn tại tình trạng chỉ ký Thỏa ước cho có, chất lượng thấp, nhất là khi tính toán điều khoản liên quan tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội. Ở không ít doanh nghiệp, chủ tịch công đoàn cơ sở tâm huyết, trách nhiệm, dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động đã bị người sử dụng lao động điều chuyển công việc chuyên môn sang vị trí thu nhập thấp, thậm chí gần như không được sử dụng, khiến họ chán nản, có trường hợp buộc phải xin thôi việc. Từ tâm lý sợ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập nên việc xây dựng dự thảo Thỏa ước của không ít đơn vị chủ yếu lựa theo ý muốn của chủ doanh nghiệp.

Theo Luật sư Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Thỏa ước lao động tập thể là một văn bản pháp luật "thu nhỏ". Chính vì vậy, Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn công ty phải tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng Thỏa ước để người lao động nắm rõ, và bản Thỏa ước lao động phải bảo đảm có nhiều điều khoản cao hơn luật định theo hướng phải có lợi cho người lao động. Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh nhận định, để làm tốt công tác Thỏa ước lao động, cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó thành lập nhóm chuyên gia, tổ tư vấn thương lượng ký kết Thỏa ước; làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động về vai trò, tầm quan trọng của Thỏa ước đối với việc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên và xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Người lao động luôn mong muốn bản Thỏa ước lao động phải cụ thể, rõ ràng, ngày càng được nâng lên về chất, bám sát thực tế đời sống. Họ cũng mong mỏi lãnh đạo doanh nghiệp phải tuân thủ những nội dung mà bản Thỏa ước đã ký kết (như lương, thưởng, phúc lợi, chế độ đãi ngộ…); phối hợp công đoàn cơ sở thực hiện những nội dung đã ký kết. Từ đó đáp ứng được nguyện vọng của công nhân, giúp họ tập trung làm việc, tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia kiến nghị, tổ chức Công đoàn cần tăng cường sự kiểm tra, giám sát việc thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tại cơ sở; định kỳ kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện, bảo đảm quyền lợi tập thể và trách nhiệm giữa các bên, góp phần hài hòa lợi ích, ngăn ngừa mâu thuẫn, xung đột.