Cho đi là hạnh phúc

|

Với cựu chiến binh, Đại tá Lâm Quang Minh, suốt cuộc đời mình, những lời chỉ dạy của Bác luôn là ngọn lửa ấm áp dẫn đường, chỉ lối, soi rọi trong công tác, làm từ thiện, khuyến học. Ông thấm thía nhất lời dạy của Người: Cán bộ, đảng viên không những là người lãnh đạo quần chúng mà còn phải luôn xác định mình là đày tớ, là công bộc, là người phục vụ lợi ích của nhân dân.

Một tấm lòng thơm thảo

Đại tá Lâm Quang Minh sinh ra và lớn lên ở làng Cẩm Toại, tổng An Phước, nay là xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Mồ côi mẹ từ nhỏ, ông được cha mình, cậu ruột và anh em chòm xóm giúp đỡ rất nhiều để được học hành, thành đạt. Yêu nước, nung nấu ý chí muốn thoát khỏi cảnh lầm than, nô lệ, tháng 8-1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Thừa Thiên-Huế, rồi xung phong vào giải phóng quân, trực tiếp ở đơn vị chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Về hưu năm 1980 với quân hàm đại tá và tích cực tham gia các phong trào địa phương, ông trở thành địa chỉ đỏ thiện nguyện, chăm lo khuyến học, khuyến tài.

Với rất nhiều học sinh nghèo hiếu học, các trẻ em nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại TP Đà Nẵng, cựu chiến binh Lâm Quang Minh, 98 tuổi, trú ở phường Thanh Bình (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là "ông Bụt" giữa đời thường. Số tiền ông vận động từ thiện và khuyến học lên tới hàng tỷ đồng. Ông vận động Hội Nhân đạo Pháp tài trợ hàng trăm triệu đồng để nuôi dạy 43 cháu khuyết tật của Trường tiểu học An Phước (huyện Hòa Vang), bản thân nhiều năm liền trích tiền tiết kiệm trợ cấp cho học sinh nghèo học giỏi. Năm 2015, sau khi vợ mất, ông bàn với các con và người thân bán căn nhà, trích một nửa số tiền trị giá một tỷ đồng để khuyến học. Nhờ vậy, nhiều em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, con em hộ nghèo, hội viên Hội Cựu chiến binh ở Đà Nẵng, Quảng Nam được động viên, giúp đỡ kịp thời. Những cống hiến, đóng góp của ông được ghi nhận, đánh giá cao: hai lần được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tặng bằng khen vinh danh điển hình tiên tiến trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017, 2018. Ông chia sẻ, mình làm không phải để nhận được những lời khen, mà bằng tâm nguyện, tấm lòng, trách nhiệm của một cựu chiến binh, mong sự sẻ chia dù rất nhỏ của mình đến được với những hoàn cảnh cần giúp đỡ, góp phần xua đi nghèo đói, khó khăn, vơi bớt nỗi đau mà các em nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang phải gánh chịu. Không chỉ san sẻ về vật chất, ông còn trao tặng các em một tấm lòng nhân hậu, hướng đến điều thiện của cuộc đời. Khi xưa, ông đã nhận được sự bao bọc của anh em, họ hàng, làng xóm để được học hành đến nơi đến chốn, trưởng thành rồi theo cách mạng, được bà con nơi đóng quân chở che, giúp đỡ lúc vào sinh ra tử giữa bom rơi đạn lạc. Những ân tình đó, như thôi thúc ông trả nghĩa cho đời.

Gần 40 năm nghỉ hưu, cũng chừng đó thời gian ông Minh dồn hết tâm sức tham gia hầu hết các phong trào địa phương, đảm nhiệm nhiều chức vụ như Bí thư chi bộ khu phố, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thanh Bình. Không những thế, ông còn tích cực đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài của xã Hòa Phong quê hương mình. Thấu cảm nỗi đau của những con em đồng đội đang mang trong mình nỗi đau chất độc da cam/dioxin, ông tìm đến từng nhà, từng trung tâm để thăm, tặng quà và vận đồng tiền hỗ trợ nuôi các em trọn đời. "Mình thương con cháu mình một thì thương các em mười". Ông giáo dục con cháu phải hiếu học và nhân hậu, phải biết cho đi chút vật chất dẫu nhỏ bé của mình để người khốn khó hơn thấy được cuộc đời này còn niềm tin yêu, còn hy vọng thắp sáng, còn tình thân ái. "Mình già rồi, ăn uống được nhiêu nữa mà lo. Vui vì được sum vầy cùng con cháu ngày nào mừng ngày đó. Số tiền một tỷ đó giờ đã giúp đỡ hết rồi, hiện nay, hằng tháng tôi lại trích tiền lương hưu để mở sổ tiết kiệm, trao cho hội khuyến học xã, huyện, thành phố, giúp các cháu nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Sống làm điều thiện, việc đức thì khi mất, mọi người nhớ về mình bằng cả tấm lòng trân trọng, vậy mới quý", ông Minh trải lòng.

Ðại tá Lâm Quang Minh.

Học Bác từ việc làm nhỏ nhất

Gần 100 tuổi đời và gần 70 năm tuổi Đảng, ông Minh vẫn tinh anh, nhớ từng chi tiết về những kỷ niệm sâu sắc với Bác Hồ. Đối với vị lãnh tụ kính yêu, ông giữ mãi trong tim niềm xúc động. Bây giờ, mỗi lần nhắc lại những thời khắc đáng trân trọng đó, ông lại xúc động nghẹn lời. Ông nhận mình là người may mắn và hạnh phúc khi được gặp Bác Hồ tám lần. Lần gặp Bác ở Thủ đô kháng chiến Việt Bắc tháng tư năm 1952, ông Minh đang là Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 803, được cử làm Trưởng đoàn cán bộ trung, sơ cấp Liên khu 5 ra Việt Bắc dự lớp chỉnh huấn chính trị. Sau sáu tháng ròng rã hành quân, đoàn đã tới Thủ đô kháng chiến. "Đây là lần gặp Bác mà tôi được gần Bác nhất, được trực tiếp báo cáo với Bác về tình hình ở Liên khu 5 và được cảm nhận bàn tay ấm áp của Người. Bác biểu dương những nỗ lực của Liên khu 5 thực hiện tốt chủ trương tự lực cánh sinh, tự cung tự cấp, tổ chức sản xuất tốt, đã trồng được bông kéo sợi, dệt được vải si-ta, may trang phục thống nhất cho bộ đội...", Đại tá Lâm Quang Minh bồi hồi nhớ lại.

Lần gặp Bác năm 1956 để lại dấu ấn sâu sắc nhất và là niềm hạnh phúc nhất của cả gia đình ông. Năm đó, từ Nghệ An, ông Minh được đơn vị cho về Hà Nội thăm vợ con. Vợ ông mới sinh đôi hai bé gái, đang ở nhờ nhà người cậu là Hiệu trưởng Trường cấp ba Chu Văn An (Hà Nội). Nghe tin Bác Hồ về thăm thầy trò nhà trường, vợ chồng ông, mỗi người bế một đứa con, được bà con cho lên đứng hàng trên cùng, rất gần Bác. Vỡ òa niềm hạnh phúc khi may mắn thêm một lần nữa được gặp vị lãnh tụ kính yêu, ông bà quyết định đặt tên hai con gái sinh đôi là Hạnh - Phúc.

Không phải những năm gần đây khi Đảng phát động phong trào học tập và noi theo gương Bác, ông Minh mới học và làm theo mà bản thân ông luôn dặn lòng ghi nhớ đem hết tâm sức thực hiện những lời dạy trong Di chúc của Người, chú tâm hỗ trợ, giúp đỡ con cháu học hành, đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Ông bảo, chỉ có con đường học tập mới thành công, mới mở mang được kiến thức để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp và tâm nguyện làm việc thiện đến hơi thở cuối cùng. Ông còn cẩn thận dặn dò con cháu, khi nào về với tổ tiên ông bà, đừng làm đám tang kèn nhạc tốn kém và xin bà con thân hữu gần xa, nếu có lòng phúng viếng thì đừng đi vòng hoa, liễn... mà nên quy đổi thành tiền để con cháu ông trao toàn bộ tiền phúng viếng trong lễ tang cho Quỹ khuyến học thành phố, tộc họ và nơi cư trú.

Tôi gặp người cựu chiến binh nhân hậu Lâm Quang Minh đúng dịp thành phố Đà Nẵng kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng. Trên tấm áo lính nhuốm màu thời gian của ông gắn hàng chục tấm huân, huy chương ghi dấu thời trai trẻ can trường xông pha trận mạc. Giờ đây, ông mang niềm hạnh phúc đến cho những mảnh đời bất hạnh, giúp các cháu có thêm điều kiện học hành, đó là nhân thêm niềm hạnh phúc. Vì cho đi khiến tâm hồn thêm rộng lượng, thêm biết ơn cuộc đời.