Hầm gián điệp dưới phố

|

Chẳng cần đến những thiết bị hiện đại, những người lính ở thủ đô Mát-xcơ-va (Moscow) 500 năm về trước vẫn có thể an toàn nghe lén những thông tin tình báo quan trọng của kẻ thù.

Mới đây, một căn phòng gián điệp bí mật đã được tìm thấy bên dưới một con đường ở khu trung tâm Lyubyanka, Moscow. Theo nhà khảo cổ học Leonid Kondrashev, Elena Glinskaya, mẹ của Sa hoàng Ivan Vasilyevich (Ivan Bạo Chúa), người phụ nữ dẫn đầu Nga vào những năm 1530 đã cho xây một bức tường phòng thủ quanh Moscow và hệ thống hầm gián điệp bí mật này.

500 năm trước, thủ đô Moscow vốn chỉ là một khu định cư nhỏ bao gồm điện Kremlin và những ngôi nhà ở chung quanh. Tường thành Kitay Gorod dài 2,5 km với 12 tháp chính là công trình phòng thủ được dựng lên nhằm bảo vệ người dân khỏi những lần ngoại xâm. Và ngay phía dưới chân của Kitay Gorod, các hầm gián điệp bí mật dần được hình thành với mục đích nghe lén những cuộc trò chuyện của chính kẻ thù bên ngoài.

Căn phòng bí mật được phát hiện ở khu Lyubyanka đã tồn tại từ nửa đầu thế kỷ 16. Được thiết kế với tường vòm và các vách đặc biệt nhằm tạo ra hiệu ứng âm thanh thông suốt. Người lính Nga ngồi bên trong, ẩn náu dưới bức tường Kitay Gorod sẽ nghe được rõ ràng tất cả những thông tin phía bên kia tường thành. Từ đó, người Nga sẽ dễ dàng xoay chuyển cuộc chiến theo hướng có lợi hơn cho họ.

Các nhà khảo cổ học tin rằng, căn cứ gián điệp bí mật này đã được sử dụng lần cuối cùng vào thế kỷ 17, trong cuộc chiến chống lại những người Ba Lan, vào thời điểm đó đang chiếm đóng Kitay Gorod, một trong những quận cổ nhất ở Moscow. Đến thời bình, nơi đây lại trở thành kho chứa thực phẩm và rất nhiều vật dụng khác nữa.

Ngày nay, chỉ một đoạn nhỏ của pháo đài cổ xưa và một phần của Kitay Gorod có thể được hé lộ tại Quảng trường Cách mạng. Căn phòng gián điệp chỉ là một trong số những “hiện vật chưa từng thấy” được các nhà khảo cổ học Moscow phát hiện ra trong năm 2017 này. Các hốc tương tự được phát hiện trong quá trình xây dựng hệ thống tàu điện ngầm Moscow từ những năm 1920.

Khoảng 150 hiện vật khác với niên đại từ giữa thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 đã được tìm thấy trong căn phòng. Phần lớn đồ tạo tác là đồ gốm thế kỷ 18-19: những mảnh chậu, bát, thậm chí còn có một cái chén gốm được bảo quản rất tốt. Các chuyên gia Nga hiện vẫn đang phân vân giữa hai phương án giữ nguyên hiện trạng hoặc đưa nó tới cho công chúng chiêm ngưỡng.