Đất chè shan tuyết Suối Giàng

|

NDO - Ở độ cao gần 1.400m, khí hậu Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái) cũng tương tự như Sa Pa, Đà Lạt. Nhưng đến Suối Giàng, điều đầu tiên được quan tâm không phải là khí hậu mát lành mà là những sườn núi cheo leo với những thân chè cổ thụ trắng mốc. Thủy thổ và con người ở đây đã làm nên một sản phẩm nổi danh cùng với một cảnh quan độc đáo.  

Vòng quanh các vách đá kỳ thú, các trảng rừng nguyên sinh, 12 cây số đường mới mở sẽ đưa du khách đến trung tâm Suối Giàng. Ngước mắt lên nhìn sườn núi, nền lá chè xanh ngắt được “chấm” thêm những điểm mầu tươi rói từ trang phục của những cô gái, chàng trai Mông trong sương mờ giăng giăng càng thêm độ huyền ảo mà sinh động của vườn chè cổ thụ. Du khách đến đây không chỉ được phiêu du dưới tán rừng nguyên sinh với phong cảnh kỳ thú mà còn có thể cùng hái chè, sao chè rồi uống chè với những cô gái Mông mến khách. Tự mình trèo lên những cây chè cổ thụ hái những búp chè xanh non, tự pha và nếm hương vị tươi của loại chè shan có một không hai, du khách không chỉ được thưởng thức một loại đồ uống độc đáo, mà còn được hòa vào không gian văn hóa, lối sống của bản Mông còn tinh khiết, hoang sơ. Giữa không gian Suối Giàng bốn mùa bồng bềnh mây trắng có tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi cùng lời hát trao tình của các chàng trai, cô gái Mông.

Shan tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp hàng “đầu bảng” các loại chè. Mọi người vẫn bảo đây là loại chè “năm cực”. “Cực khổ” - khi trồng và thu hái; “cực sạch” - vì những điều kiện khí hậu, môi trường và cả công chăm giữ của người trồng; “cực hiếm” - vì sản lượng ít (đến nay, dù đã tăng thêm diện tích trồng nhưng mỗi năm nhiều lắm cũng chỉ mới thu hái được chừng 200 tấn chè búp); “cực ngon” - với đủ các phẩm chất đỉnh cao mà mỗi chén trà phải có như hương thơm, vị đậm, nước xanh. Và vì cả bốn “cực” trên nên đương nhiên, có thêm “cực đắt”. Vì “cực hiếm” và “cực đắt” nên có người còn nghĩ ra thêm “hai không” cho chè Suối Giàng: Người mua (thường) “không uống” (mà chỉ để biếu) và người uống (nhiều khi) “không (phải) mua” (!).

Búp non trên thân chè.

Chẳng ai biết chính xác từ khi nào, cây chè đã đến, bén rễ, trưởng thành rồi trở thành cổ thụ trên sườn núi cao Suối Giàng. Cây tuổi ít cũng trên trăm năm, cây nhiều tuổi tới hơn ba trăm năm. Búp non vẫn lên xanh trên những thân chè xù xì trắng mốc, bám chắc rễ trên sườn núi cheo leo, làm nên cảnh sắc vườn chè cổ thụ độc đáo không thể quên.

Chè được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông. Búp chè shan mầu trắng xám, bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết nên được gọi là chè shan tuyết. Để hái được những búp chè non nhiều khi phải trèo lên cành cao của cây chè cổ thụ. Mùa đông ở Suối Giàng thường chẳng thấy mặt trời. Còn buổi sáng mùa hè, búp chè ngậm sương, hái vẫn lạnh buốt tay. Chè hái về rồi vẫn phải chọn kỹ lại những búp chè không bị sâu, không quá già, sau đó mới sao trong chảo gang. Củi dùng sao chè phải thật khô, cháy đượm. Lửa sao chè phải giữ liu riu thật đều nhưng vẫn phải luôn hơ tay trần trên chảo để biết “cữ” nóng của chè. Sao rồi phải vò chè bằng tay thật khéo sao cho những búp chè săn lại bằng hạt đỗ, phủ phấn tuyết trắng, cuộn hương tinh khiết thanh cao của mây gió núi ngàn vào trong.

Trong mây núi Suối Giàng, nhấp chén trà sóng sánh như mật ong, dư vị ngọt đượm tan lâu, cảm giác lâng lâng khó tả làm cho con người như tan chảy trong cảnh sắc núi rừng thiên nhiên.

Sao chè shan tuyết là bí quyết của người Mông ở Suối Giàng chẳng dễ gì mà học được. Vào vụ hái chè, cả bản Mông Suối Giàng thơm ngào ngạt. Vị chè chan chát, đặc quánh tưởng như có thể xắt ra mà nếm trên đầu lưỡi, quyến rũ lan tỏa trong không gian, nồng nàn đến mức có cảm giác chẳng uống mà cũng thấy say say.

Để pha trà shan tuyết, phải dùng nước nguồn trên núi chảy về thì chén trà mới có hương vị đậm đà và mầu sắc tươi hơn. Nước đã sôi già, tráng qua một lượt để cánh chè giãn ra, loại bỏ chút bụi còn vương lại. Chế nước sôi đầy ấm đến mức bọt trào ra ngoài rồi mới đậy nắp chờ vài phút. Ấm pha trà chọn loại sứ nung già lửa sẽ có hương thơm đúng vị. Trong mây núi Suối Giàng, nhấp chén trà sóng sánh như mật ong, dư vị ngọt đượm tan lâu, cảm giác lâng lâng khó tả làm cho con người như tan chảy trong cảnh sắc núi rừng thiên nhiên.

Người Mông ở Suối Giàng quý cây chè của mình lắm. Ở đây, trong lễ cúng “ma nhà” (mỗi năm, mỗi nhà người Mông chỉ cúng “ma nhà” một lần), cùng với con gà trống mà người Mông thờ cúng thiêng liêng, luôn có cành chè mới hái trên sườn núi và ấm chè do đích thân người chủ gia đình mới pha. Cùng với lời khấn cầu về sức khỏe và sự tiến bộ cho mỗi người trong nhà, là lời khấn cầu cho cây chè của mình luôn xanh tốt và cho nhiều búp non. Nguyện ước về tương lai giản dị đó cũng giống như nguyện ước của đồng bào ở các thôn, bản dân tộc khác về sự ấm no, an bình sẽ đi cùng với những gì cha ông đã trao truyền lại.

Quá trình phát triển của mỗi dân tộc luôn hòa đồng và cùng thúc đẩy (lẫn nhau) sự phát triển của các dân tộc khác để cả đất nước cùng đi lên. Đó cũng là định hướng chung cho sự phát triển bền vững mà không đánh mất bản sắc văn hóa. Mỗi người dân cũng dần ý thức được những gì cần giữ như vốn quý của mình. Họ đã dần hiểu và bảo nhau cùng hiểu rằng: Những nét đặc sắc văn hóa cũng chính là “vốn” để phát triển tương lai của mình. Anh Vàng A Hồ - trưởng thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng - nói với chúng tôi: “Nếu bón phân hóa học cho chè thì được sản lượng tăng ngay nhưng búp chè sao sẽ bị mất tuyết, không bán được giá. Chúng tôi luôn nhắc nhau và đã ra quy định là không được dùng phân hóa học...”.

Ảnh trong bài: Tư liệu.