Trên hành trình định vị cảm xúc

|

Lằn ranh giữa mạng xã hội và đời thường ngày càng bị lu mờ, tạo nên nhiều thay đổi cho đáp án của câu hỏi: Làm thế nào để hạnh phúc? PGS, TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong cuộc trò chuyện với Nhân Dân cuối tuần, đưa ra những kiến giải rất đáng chú ý.

Hạnh phúc thực và ảo

- Xin được bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi ngắn gọn. Theo ông, hạnh phúc là gì?

- Hạnh phúc là khái niệm trừu tượng. Nhưng về cơ bản, sau khi xem xét nhiều định nghĩa, lắng nghe nhiều chia sẻ, cũng như tích lũy từ chính trải nghiệm bản thân, tôi cho rằng hạnh phúc là chuyện con người được sống một cuộc đời mà họ cảm thấy thỏa mãn. Đó là cảm xúc tích cực, sự hài lòng với bản thân, với mọi người, với thế giới chung quanh. Là khi chúng ta không cảm thấy mình bắt buộc phải làm bất cứ điều gì chỉ để làm hài lòng người khác.

Nghiên cứu kéo dài 75 năm của Giáo sư Tâm lý học Robert Waldinger (Đại học Harvard), về cuộc đời 724 người, chỉ ra: Hạnh phúc không liên quan đến tiền bạc hay địa vị xã hội. Niềm hạnh phúc phụ thuộc rất lớn vào các mối quan hệ ý nghĩa, tin tưởng mà con người có thể tạo lập được trong cuộc đời.

Điều đáng buồn là hiện nay, giới trẻ đang phải sống trong một xã hội ẩn tàng nhiều nguy cơ khiến họ khó có thể hạnh phúc.

- Vì sao ông lại đánh giá như vậy?

- Nhiều nghiên cứu xã hội đã gọi thế hệ trẻ hiện nay bằng cái tên viết tắt: PAID - "Thế hệ trả giá".

Chữ P đại diện cho Pressure (Áp lực). Áp lực đối với giới trẻ ngày một lớn. Khi tham gia thị trường lao động, để bảo đảm chất lượng cuộc sống, các bạn trẻ không thể chỉ làm việc 40 giờ/tuần, mà luôn phải tăng ca liên tục, hoặc làm nhiều công việc một lúc.

Chữ A viết tắt của Always On (luôn luôn trực tuyến). Giới trẻ ngày nay không thể rời tay khỏi điện thoại thông minh. Họ luôn luôn phải giữ bản thân trực tuyến, luôn luôn sẵn sàng cho công việc và do đó khó có thời gian cho riêng mình. Những kết nối 24/7 kéo theo một hội chứng tâm lý mới mang tên FOMO (Hội chứng sợ bị bỏ lỡ). Họ không muốn bỏ lỡ bất cứ một thông tin nào, luôn muốn bản thân nắm bắt được mọi xu hướng, không chấp nhận nằm ngoài các cuộc trò chuyện, bàn luận.

I là viết tắt của Information Overload (Quá tải thông tin). Với nhiều nền tảng mạng xã hội như hiện nay, chỉ mất khoảng năm đến bảy phút sẽ có một thông tin mới được cập nhật. Cộng thêm hội chứng FOMO, các bạn trẻ phải đối diện với áp lực xử lý một lượng thông tin khổng lồ. Bên cạnh đó, họ còn mất thời gian "bàn tán" và xem xét lại thông tin đó nhiều lần.

Cuối cùng, chữ D - Distracted (sao lãng, phân tâm). Thế hệ trẻ năng động thường làm nhiều việc một lúc để tối đa hóa thời gian, dẫn đến hệ quả là khó có thể thật sự tập trung vào bất cứ một việc nào, dẫn đến dễ dàng sai sót, hoặc bỏ qua các khía cạnh cảm xúc của người khác.

Thêm một điều nữa: Các bạn trẻ đang sống trong thế giới mà mọi thứ đều được chia sẻ lên mạng xã hội, do đó sản sinh ra một loại áp lực mới – Flex (khoe) cuộc sống trên mạng ảo. Mỗi cá nhân đều có một "cái Tôi" đời thực, và một "cái Tôi ảo". Họ muốn truyền cảm hứng cho người khác, muốn được tán dương, tung hô. Và rồi, họ không thể ngừng tô vẽ thêm cho phiên bản online của bản thân, từ đó hai phiên bản thực tế và online ngày càng khác xa nhau. Khi ấy, những niềm hạnh phúc các bạn đạt được cũng chỉ là hạnh phúc ảo.

Hơi nhiều rồi, nhưng tôi vẫn muốn nhắc đến một hội chứng khác: Hội chứng con vịt. Trên mặt nước, trông vịt bơi rất thảnh thơi. Nhưng dưới mặt nước, hai chân của chúng phải không ngừng quẫy đạp. Và không ít người trong giới trẻ hiện nay chính là như vậy, "trong đã héo nhưng ngoài vẫn phải tươi", phải đeo những chiếc mặt nạ vui vẻ, tích cực, năng lượng để đạt được chuẩn mực mà xã hội đặt ra, nhất là các định kiến về thành tích. Bạn lo lắng, sẽ bị cho là thiếu ý chí. Bạn mệt mỏi, xuống tinh thần, có thể bị cho là viện cớ để lười nhác.

Tất cả những điều ấy tạo thành một thế hệ cô đơn và thiếu hạnh phúc.

Hạnh phúc cũng cần có kỹ năng

- Vậy thì, dường như việc đạt được hạnh phúc đã trở nên khó khăn quá…

- Có thể nghe sẽ khá lạ lẫm, nhưng ngày nay, để có thể hạnh phúc cũng cần có… kỹ năng. Trước tiên, đương nhiên phải là kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe tinh thần. Phải dành thời gian đối thoại với cảm xúc của bản thân một cách thẳng thắn và chân thật nhất. Phải tập tạo dựng niềm tin vào bản thân, đừng vội so sánh mình với người khác để rồi thoái chí, mất phương hướng. Và để tinh thần luôn sảng khoái, cơ thể cũng không thể ốm yếu. Tập thể thao cũng là một trong những liệu pháp rất tốt để chăm sóc sức khỏe tinh thần. Và hãy trân trọng những giấc ngủ có chất lượng.

Một mẹo nhỏ nữa để cổ vũ chính mình, đó là hãy chọn lấy một điều vừa sức để cống hiến cho xã hội, thí dụ làm thiện nguyện. Đôi khi bạn sẽ bất ngờ với những gì bản thân có thể nhận lại khi cho đi đấy!

Đó là về cách chúng ta đối xử với chính mình. Bên cạnh đó, hãy luôn nhớ đặt ra mục tiêu về các mối quan hệ. Bạn cần và có thể làm gì để có thêm các mối quan hệ mới? Ta có thể làm gì để gắn kết thêm các mối quan hệ sẵn có? Hay cuối cùng, ta có thể làm gì để hóa giải hiểu lầm, xây dựng lại những mối quan hệ ý nghĩa đã đánh mất?

- Ông có nói về gắn kết lại các mối quan hệ chất lượng, liệu đó có phải nguyên do mỗi năm, cứ dịp Tết đến thì mỗi chúng ta lại cảm thấy hạnh phúc hơn?

- Điều ấy là tất nhiên! Khi phải sống trong một thế giới quá bận rộn, những kỳ nghỉ như thế này quả thật rất đáng trân trọng. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán luôn rất khác biệt, là thời điểm giàu tính gắn kết nhất trong năm. Những người con, anh, em, họ hàng xa, cả năm do quá bận rộn mà không gặp nhau được mấy lần, cứ Tết đến lại có "cớ" để sum họp. Đây cũng là thời điểm mà chúng ta nhớ đến, tri ân những người đã giúp ta được như ngày hôm nay.

Nếu bạn không thể tới thăm từng người, đây chính là lúc điện thoại thông minh thể hiện sự hữu dụng đích thực của chúng. Dù là trực tiếp hay trực tuyến, quan trọng là những kết nối đó mang lại cảm xúc tích cực, để ta có thêm động lực cho năm mới. Sau đó, hãy tận dụng kỳ nghỉ để nạp lại năng lượng cho bản thân, hoạch định năm mới. Hãy đầu tư thời gian suy nghĩ lại về mục tiêu trong tương lai. Lập một danh sách ước nguyện bản thân có thể chinh phục được, có thể mang lại cảm xúc tích cực và dọn dẹp những độc hại.

Có thể nuông chiều những sở thích không lành mạnh lắm, như một phần thưởng cho chính mình, chẳng hạn ăn những món ăn nằm ngoài chế độ ăn kiêng. Nhưng hãy nhớ rằng: Chúng ta cũng cần phải "cài chế độ" sẵn sàng cho bản thân để quay trở lại với công việc. Bạn có thể chuẩn bị trước cho ngày đầu quay lại nơi làm việc, bằng cách chia sẻ với mọi người những câu chuyện vui hay kỷ niệm ý nghĩa đã có trong kỳ nghỉ. Hoặc cũng có thể dành thời gian chuẩn bị những món quà nhỏ và lời chúc năm mới dành cho đồng nghiệp. Hãy cố gắng tạo ra bầu không khí nhiều năng lượng tươi mới, cho bản thân và cả mọi người!

- Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ ý nghĩa của ông!