Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi cho người dân, doanh nghiệp

|

Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã làm rõ những giải pháp giải tỏa rủi ro nợ xấu, kiềm chế lạm phát.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: QUANG PHÚC

Nợ xấu là rủi ro hiện hữu

Trả lời đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của cơn bão số 3, đặc biệt là khách hàng và người dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi cơn bão số 3 xảy ra và có tác động nghiêm trọng với doanh nghiệp và người dân ở 26 tỉnh, thành phố, NHNN đã cử lãnh đạo của NHNN trực tiếp đi khảo sát ở tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh, là 2 tỉnh chịu sự tác động mạnh mẽ của cơn bão số 3 và xác định, dư nợ của 2 tỉnh này chịu tác động của cơn bão số 3 là khoảng 12.000 tỷ đồng.

Theo Thống đốc, tại 26 tỉnh, thành, số dư nợ bị thiệt hại khoảng 190.000 tỷ đồng. Nhiều khách hàng khó khăn từ dịch Covid-19, mới khôi phục lại sản xuất kinh doanh do được áp dụng các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới, nay lại tiếp tục thiệt hại do cơn bão số 3 nên hầu như không có khả năng khắc phục, không đáp ứng các điều kiện vay mới, dẫn tới nguy cơ nợ xấu gia tăng. Từ đó, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản vay và miễn, giảm lãi cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động.

Cùng với đó, hệ thống ngân hàng tham gia các công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi khoảng 40.000 tỷ đồng.

Quang cảnh hội trường Diên Hồng. Ảnh: QUANG PHÚC

“Tính tới ngày 31-10, các ngân hàng đã cho vay mới theo chương trình ưu đãi khoảng 27.000 tỷ đồng, dư nợ được giảm lãi suất khoảng 82.000 tỷ đồng. Các nhà băng cũng thực hiện mọi giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông thôn chịu thiệt hại do bão số 3”, bà Nguyễn Thị Hồng cung cấp thông tin.

Tập trung vào rủi ro nợ xấu tăng cao, ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đề nghị làm rõ các giải pháp. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55% - gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với năm 2022. Đây là một thực tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc trả nợ càng khó khăn hơn.

“Để kiểm soát nợ xấu, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Còn đối với các nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản bảo đảm... NHNN cũng đã hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu”, người đứng đầu NHNN giải trình.

Trong trường hợp nợ xấu tăng cao, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân.

ĐB Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang). Ảnh: QUANG PHÚC

Không chủ quan với lạm phát

Giải đáp vấn đề ĐB Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) nêu về ảnh hưởng của chính sách tiền tệ trong việc hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%-7,5% và khả năng kiểm soát lạm phát, bà Nguyễn Thị Hồng nhận định, điều hành chính sách tiền tệ chính là góp phần ổn định giá trị đồng tiền. Biểu hiện của chính sách này thể hiện qua chỉ tiêu lạm phát.

Vì vậy, khi thực hiện chính sách tiền tệ, NHNN hướng đến đảm bảo lạm phát mục tiêu. "Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đương nhiên phải có sự phối hợp giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác như đầu tư, thương mại", bà nói.

"Trong quá trình triển khai, việc điều hành về lãi suất, tín dụng và công vụ khác cũng được NHNN theo dõi. Nếu thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát như Quốc hội đề ra thì NHNN sẵn sàng có giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như đã làm thời gian qua", bà Nguyễn Thị Hồng cho biết và nêu ví dụ là gói cho vay 145.000 tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà, hỗ trợ 60.000 tỷ đồng ngành thủy sản...

"Tuy nhiên, không thể chủ quan với lạm phát. Nếu lạm phát quay trở lại thì chúng tôi sẽ điều chỉnh để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô", Thống đốc nhấn mạnh.

Hiện nay, Việt Nam ưu tiên tăng trưởng kinh tế nên chính sách tài khóa mở rộng sẽ có trọng tâm, trọng điểm. Hiện chỉ số nợ nước ngoài, nợ công, thâm hụt ngân sách dưới ngưỡng cho phép khá nhiều. Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu mở rộng chính sách tài khóa hợp lý để tránh phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ. Bởi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ sẽ tiềm ẩn rủi ro với các ngân hàng.

Theo bà Hồng, hiện nay quy mô dư nợ tín dụng trên GDP Việt Nam là 120%, ở mức cao trong số các nước và Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo. Vì vậy, dư địa chính sách tiền tệ là khá hẹp. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm thúc đẩy các phân khúc khác của thị trường tài chính như thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm giải quyết vốn dài hạn cho doanh nghiệp và người dân.

ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

Chưa an tâm với giải thích của Thống đốc, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) muốn biết giải pháp của NHNN nhằm hạn chế tác động của lạm phát nhập khẩu. “Việt Nam có nên tiếp tục điều chỉnh lãi suất hay có các chính sách can thiệp khác để hạn chế tác động của lạm phát nhập khẩu không? NHNN có nên thay đổi chính sách dự trữ ngoại hối để đối phó với biến động tỷ giá khi tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay?”, ĐB chất vấn.

Trả lời ĐB, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói, mục tiêu chính sách tiền tệ là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối. Còn việc có tiếp tục giảm lãi suất hay không phụ thuộc vào diễn biến kinh tế trong nước và thế giới, thanh khoản, tình trạng hệ thống ngân hàng.

Theo Thống đốc, thời gian vừa qua, mặt bằng lãi suất Việt Nam đã giảm khá nhiều so với các nước, NHNN tiếp tục theo dõi sát sao. Về dự trữ ngoại hối, bà Hồng nói nguyên tắc là phải đảm bảo an toàn về thanh khoản để kịp thời can thiệp khi đất nước gặp khó khăn.

“Có 3 nguyên tắc về dự trữ ngoại hối là an toàn, thanh khoản và sinh lãi. Hiện, NHNN thực hiện dự trữ ngoại hối theo hướng an toàn, thanh khoản là chủ yếu. Còn sinh lãi, chúng tôi sẽ tính toán sao cho đầu tư ngoại hối có lợi nhất cho đất nước”, Thống đốc giải thích.

35 ngân hàng đã cam kết hỗ trợ 405.000 tỷ đồng