Tấn công tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự dịp cuối năm

|

Sau 15 ngày ra quân tấn công trấn áp tội phạm (từ 15 đến 31-12-2023), Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TPHCM đã triệt phá 11 chuyên án, bắt 38 đối tượng chuyên hành nghề cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt và cướp tài sản, góp phần giữ cuộc sống bình yên cho người dân.

Phá nhiều vụ án

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an TPHCM về thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen và cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Phòng PC02 đã triển khai nhiều kế hoạch đồng bộ kết hợp nguồn tin từ quần chúng nhân dân, phá nhiều vụ án.

Điển hình, ngày 31-12-2023, Nguyễn Quốc Cường (sinh năm 1984, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) đã tới trụ sở Phòng PC02, Công an TPHCM đầu thú vì liên quan đến tín dụng đen. Cường cho biết, bản thân chuyên cho vay nặng lãi ở khu vực TP Thủ Đức với mức lãi suất 480%/năm và thu lợi hàng trăm triệu đồng từ năm 2021 tới nay.

Gần đây, do lực lượng công an truy xét “rát”, Cường lo sợ sẽ bị bắt nên bỏ trốn. Thời gian này, Cường sống trong tâm lý lo sợ. Dưới sự vận động của cơ quan chức năng và người thân, Cường đã tới công an đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Trong số các chuyên án được triệt phá, có băng nhóm là người ở các tỉnh phía Bắc vào TPHCM để hành nghề tín dụng đen. Phần lớn các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự và sẵn sàng dùng “hàng nóng” để trấn áp, uy hiếp người vay tiền, người thân và bạn bè của con nợ yêu cầu trả nợ.

Trong ngày 15-12-2023, Phòng PC02 đã triệt phá 3 băng nhóm hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, trong đó có nhóm của Nguyễn Kim Kỳ (ngụ quận 7, TPHCM, cầm đầu). Hơn 10 đối tượng trong nhóm này phân chia vai trò, tổ chức cho vay với lãi suất lên đến 75%/tháng, tương đương 900%/năm. Ngoài những băng nhóm trên, còn có những người là nhân viên tín dụng của các ngân hàng, kế toán của trường mầm non cũng tham gia cấu kết với đối tượng phạm tội để cho người dân vay tiền.

Cụ thể, Văn Thị Thanh Đào (là kế toán trường mầm non) vì ham lợi nên đã cho ông T. vay tiền với lãi suất 1.440%/năm. Khi ông T. không có tiền trả, Đào tìm tới nhà ông đe dọa đòi nợ. Thậm chí, Đào còn chặn đường đánh, lấy tài sản của ông T. để buộc ông trả nợ.

Hay trường hợp vợ chồng Ngô Đại Thắng - Nguyễn Như Hà (đều là nhân viên tín dụng của ngân hàng) bị bắt về tội cho vay lãi nặng. Cả 2 làm việc ở ngân hàng, thấy có nhiều khách hàng cần đáo hạn nên đứng ra cho khách vay với lãi suất 180%/năm, thu lợi 5 tỷ đồng.

Một băng nhóm tín dụng đen bị Công an TPHCM bắt trong đợt cao điểm tấn công tội phạm

Mới đây, công an bắt giữ Nguyễn Thị Ngọc Yến và Tiêu Trần Quốc Huy về tội cho vay nặng lãi. Yến vốn là nhân viên tín dụng của ngân hàng. Biết bà H. (chủ doanh nghiệp) đang cần tiền đáo hạn nên Yến cùng Huy cho bà H. vay tiền với lãi suất 1.800%/năm, thu lợi 3 tỷ đồng.

Cẩn trọng với hành vi lừa đảo

Bên cạnh việc triệt phá các băng nhóm và đối tượng cho vay lãi nặng, Phòng PC02, Công an TPHCM cũng tuyên truyền tới người dân về việc tham gia tố giác các loại tội phạm, đặc biệt là tín dụng đen trong đời sống xã hội. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán là dịp nhiều người tăng cường mua sắm, chuyển tiền hoặc tìm kiếm việc làm thêm. Đây cũng là cơ hội để những kẻ lừa đảo tung ra những “chiêu lừa” hết sức tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản hoặc thông tin cá nhân của những người nhẹ dạ, cả tin.

Các thủ đoạn lừa đảo nhắm vào lòng tham thường gặp là: giới thiệu việc nhẹ lương cao để lừa đảo mua bán người; thanh toán đơn hàng ảo để hưởng hoa hồng 10%-15%; thông báo trúng thưởng và yêu cầu đóng phí nhận thưởng; giả Việt kiều gửi quà, gửi tiền và yêu cầu đóng phí để nhận; giả danh nhân viên điện lực thông báo hoàn trả phần tiền điện tính sai; giả mạo tuyển thí sinh (chủ yếu là phụ nữ) tham gia lễ hội áo dài Xuân Giáp Thìn 2024; giả nhân viên dụ dỗ đầu tư chứng khoán trực tuyến…

Tội phạm nhắm vào sự mất bình tĩnh của người dân như: giả công an, tòa án, viện kiểm sát gọi điện yêu cầu hợp tác điều tra để được hỗ trợ “chạy án”, tránh mất tài sản; giả giáo viên gọi điện yêu cầu chuyển tiền để cấp cứu con em bị tai nạn; gọi điện dọa khóa sim vì chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao...

Tội phạm nhắm vào sự thiếu hiểu biết: giả công an gọi điện hỗ trợ đăng ký tài khoản định danh điện tử, giả nhân viên nhà mạng điện thoại gọi điện hỗ trợ nâng cấp sim nhằm chiếm đoạt sim, tài khoản mạng xã hội nhắn tin mượn tiền; lừa đảo thông qua giả giọng, ghép mặt (deep fake) gọi điện mượn tiền; lừa đảo thông qua dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook bị hack...

Tội phạm nhắm vào người tìm việc: gọi điện giả làm doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước tuyển dụng việc làm để lừa đảo người xin việc; mạo danh nghệ sĩ nổi tiếng để lừa đảo; giả mạo luật sư, chuyên gia và cam kết hỗ trợ lấy lại tiền cho những người dân bị lừa; giả nhân viên ngân hàng tiếp cận khách hàng, chào mời dịch vụ thẻ tín dụng, hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ tín dụng hoặc hoàn phí tham gia bảo hiểm... nhưng thực chất là lừa đảo.

Công an TPHCM khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo, mỗi người dân cần luôn nâng cao tinh thần cảnh giác và thường xuyên theo dõi các khuyến cáo của cơ quan chức năng. Nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ, cần báo ngay với công an biết để kịp thời vào cuộc xác minh, xử lý.

Cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh Tết Giáp Thìn 2024