TPHCM luôn chủ động, sáng tạo và quyết liệt cải cách hành chính

|

Sáng 30-10, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết chương trình cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020, chương trình hành động số 18-CTrHĐ/TU của Thành ủy TPHCM và phương hướng, nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2021-2030.\r\n

Tới dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo CCHC Chính phủ; Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC Chính Phủ; đồng chí Ngô Minh Châu, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC TPHCM…

Trung bình 16 triệu hồ sơ/năm

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Ngô Thị Hoàng Các cho biết, trong 10 năm thực hiện chương trình CCHC (2011-2020), TPHCM đã đạt nhiều kết quả tích cực trong cải cách thể chế hành chính; cải cách thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính.

Trong đó, từ năm 2015-2019, các sở ban ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã tiếp nhận hơn 84 triệu hồ sơ, trung bình hơn 16 triệu hồ sơ/năm. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt từ 97,52% đến 99,99%.

Về tinh giản biên chế, giai đoạn 2011-2015, TPHCM tăng hơn 2.700 biên chế do thành lập mới các đơn vị. Từ năm 2015 đến nay, TP thực hiện các giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy để giảm biên chế, tự cân đối biên chế khi thành lập tổ chức mới không tăng biên chế. TP giao biên chế năm 2020 giảm hơn 1.900 người so với biên chế giao năm 2015.

UBND TPHCM đánh giá, hoạt động chỉ đạo điều hành về CCHC đã đi vào nền nếp, đạt những kết quả tích cực. Công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tạo sự đột phá trong hoàn thiện cơ sở dữ liệu, chuẩn hóa quy trình thủ tục, minh bạch công khai thông tin thủ tục hành chính.

Nhiều giải pháp, mô hình hiệu quả, sáng kiến rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, tiết liệm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh… Cách thức thực hiện thủ tục được đa đạng hóa để người dân, doanh nghiệp lựa chọn, như nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa điện tử, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính…

Thực hiện Chương trình hành động số 18-CTrHĐ/TU của Thành ủy TPHCM về Chương trình CCHC giai đoạn 2016-2020 (viết tắt là Chương trình hành động số 18), kết quả đạt được trong 5 năm cho thấy các lĩnh vực cải cách, đổi mới đều có chuyển biến tích cực.

Tính đến quý I-2020, TP cung cấp 668 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Về xây dựng chính quyền điện tử, so với nhiệm kỳ trước có sự chuyển biến rõ rệt trong sử dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính và giải quyết thủ tục hành chính/cung cấp dịch vụ công. Năm 2019, 100% UBND quận, huyện có hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt trên 30%; tiếp nhận 62.815 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng trên tổng số 72.088 hồ sơ (đạt tỷ lệ 87,14%, vượt so với mục tiêu đề ra). Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, thời gian giải quyết hồ sơ giảm từ 30%-50%, đảm bảo hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99%.

Công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân được chú trọng thực hiện. Tỷ lệ hài lòng của người dân bước đầu đạt 80%.

Dù khối lượng công việc của TP rất lớn, tính chất công việc ngày càng phức tạp, song TP luôn quán triệt và thực hiện chủ trương sử dụng biên chế theo tinh thần tiết kiệm. Theo đó, số biên chế công chức và viên chức được giao và số lượng công chức, viên chức có mặt thực tế giảm dần qua các năm.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu tặng bằng khen cho các quận, huyện làm tốt công tác cải cách hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG
TPHCM cải cách, tác động đến cả nước

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đánh giá, những năm qua TPHCM đã hết sức coi trọng vấn đề CCHC, qua đó tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo đồng chí, TPHCM hiện có đóng góp rất lớn, là đầu tàu kinh tế của cả nước nên việc CCHC không chỉ là câu chuyện riêng của TPHCM mà còn có tác động đến sự phát triển chung của cả nước.

Đồng chí đánh giá TPHCM là địa phương luôn chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong CCHC với nhiều điểm sáng. TP là một trong số ít địa phương có chương trình hành động của Thành ủy (Chương trình hành động số 18). TPHCM cũng có một số mô hình mà Bộ Nội vụ đánh giá là có thể nhân rộng ra cả nước, như Bình Thạnh trực tuyến, phòng họp không giấy, liên thông điện tử trong lĩnh vực đất đai… Bên cạnh đó, TPHCM cũng là một trong những địa phương đầu tiên triển khai xây dựng đô thị thông minh.

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị Ban Chỉ đạo CCHC của TPHCM sớm tham mưu cho Thành ủy, HĐND có một chương trình thay thế chương trình hành động số 18 cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Đồng thời, sớm kiện toàn Ban chỉ đạo, trong đó lưu ý mời cả chuyên gia để tham gia góp ý, phản biện.

Đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Ban CCHC tiếp thu các ý kiến chỉ đạo này. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC, khắc phục tồn tại, đồng chí Ngô Minh Châu đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các giải pháp để hoàn thành mục tiêu của chương trình CCHC TP.

Theo đồng chí, Công tác CCHC phải gắn với các giải pháp cụ thể, có tính nhân rộng, áp dụng lâu dài, ứng dụng hiệu quả CNTT; tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân tham mưu bổ sung, điều chỉnh các giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

“Cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị phải kịp thời nắm rõ nguyên nhân không hài lòng của cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính để chấn chỉnh khắc phục”, đồng chí Ngô Minh Châu nhấn mạnh.

Cũng theo đồng chí Ngô Minh Châu, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải là một “đại sứ” CCHC, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, nhiệt tình, thân thiện, vui vẻ khi tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân…

* Trình bày tham luận tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Nam Bình cho biết, đến ngày 31-12-2019, đã có 250.000 doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng, đạt tỷ lệ 99,99% doanh nghiệp đang hoạt động. Trên 216.000 doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử tại cổng thông tin cục Thuế, trên 204.000 doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử tại Ngân hàng thương mại… Đến nay, bình quân 40% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Ngoài ra, Cục Thuế TPHCM cũng mở trang thông tin điện tử để cảnh báo, phòng chống rủi ro cho doanh nghiệp từ năm 2011. Triển khai ứng dụng quản lý thuế thu nhập cá nhân từ năm 2012; thực hiện ủy nhiệm thu thuế qua ngân hàng thương mại, triển khai mở rộng từ năm 2014. Nhờ đó, phương thức nộp thuế điện tử đã được trên 94% doanh nghiệp lựa chọn sử dụng…

* Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết, Quận 12 là một trong ba đơn vị được UBND TP chọn thực hiện thí điểm đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Đến nay, UBND quận đã trang bị 5 máy chủ tại trụ sở UBND quận, 9 máy chủ tại Công viên phần mềm Quang Trung, thiết lập tổng đài điện thoại tập trung tại UBND quận, lắp đặt 21 trạm phát sóng wifi miễn phí; thu thập thông tin hơn 622.000 người về dân cư, lao động, doanh nghiệp, giáo dục y tế. Quận cũng thực hiện dịch vụ công trực tuyến 1.700 hồ sơ; sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ hành chính mới, ứng dụng ảnh viễn thám trong công tác quản lý đô thị. Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, phần mềm tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến, phần mềm tư vấn trực tuyến về pháp luật miễn phí, sổ liên lạc điện tử… Quận thiết lập nhiều kênh tương tác với người dân, với hàng ngàn lượt phản ánh qua facebook, trang thông tin điện tử, zalo…

* Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, chỉ tính riêng năm 2019, Công an TPHCM đã tiếp nhận và giải quyết 1.789.906 hồ sơ thủ tục hành chính (chiếm 14,6% tổng số hồ sơ thủ tục hành chính mà TP tiếp nhận và giải quyết). Trước áp lực số lượng hồ sơ thủ tục hành chính tăng nhanh hàng năm và yêu cầu sắp xếp bộ máy tổ chức tinh gọn, Công an TPHCM đã xác định ứng dụng CNTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể, Công an TP ứng dụng CNTT triệt để trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh như mô hình “Tờ khai điện tử”, hệ thống “Xếp hàng lấy số thứ tự thông minh”, “Thông báo kết quả giải quyết hồ sơ”, phần mềm “Cấp biển số tự động”… Cùng với đó, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 12 thủ tục trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh và quản lý hành chính về trật tự - xã hội, giúp giảm thời gian xử lý hồ sơ, giảm áp lực và tăng hiệu suất làm việc của cán bộ, chiến sĩ.

Công an TP cũng đã triển khai dự án “Xây dựng mạng truyền dẫn cáp quang Công an TP” với chiều dài 370km, kết nối Công an TP với 29 đơn vị và 23/24 quận, huyện, phục vụ mạng điện thoại nội bộ Công an TP, hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, đường truyền cấp phát thẻ căn cước công dân, quản lý tạm trú người nước ngoài…

* Phó Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng nhấn mạnh những năm qua Sở Y tế TPHCM đã nỗ lực cải thiện cung ứng dịch vụ công trong công tác khám chữa bệnh của ngành y tế, nâng cao sự hài lòng của người dân.

Phó Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng phát biểu về công tác cải cách hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG
Từ đầu năm 2019, ngành y tế TP triển khai mô hình trạm y tế điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại 24 trạm y tế quận, huyện, tiêu biểu như ở Bệnh viện huyện Củ Chi. Các bệnh viện TP đã triển khai mô hình khoa vệ tinh đặt tại bệnh viện quận huyện; triển khai phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận huyện đặt tại trạm y tế, tiêu biểu như Bệnh viện quận Thủ Đức, Tân Phú, quận 2.

Ngành y tế cũng chủ động nắm bắt những ý kiến không hài lòng của người bệnh ngoại trú khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện, bằng cách lắp các kios khảo sát nhanh sự hài lòng của người bệnh. Sau 3 năm, từ phản ánh của người bệnh, các bệnh viện đã cải thiện đáng kể về thủ tục đăng ký khám chữa bệnh, thái độ giao tiếp của nhân viên y tế, bảo hiểm y tế, cải tạo xây mới nhà vệ sinh, mở rộng bãi giữ xe… Với bệnh nhân nội trú, sở cũng khảo sát trải nghiệm của người bệnh qua phần mềm, từ đó thái độ của nhân viên y tế nội trú được cải thiện rõ rệt.

Ngoài ra, ngành y tế TP cũng được đánh giá cao với phần mềm tra cứu nơi khám chữa bệnh, giúp người dân dễ dàng lựa chọn nơi khám chữa bệnh phù hợp khi có nhu cầu; phần mềm trực tuyến tiếp nhận ý kiến người dân ngay khi nghi ngờ hay phát hiện dấu hiệu vi phạm; phát triển mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện…

* Theo bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Phó Chánh Văn phòng UBND TP, trước đây người dân, doanh nghiệp muốn tiếp cận, tìm hiểu quy định về thủ tục hành chính để thực hiện hồ sơ thủ tục hành chính rất khó. Các hình thức công khai, minh bạch chưa nhiều, chưa tiện ích. Còn tình trạng các cơ quan, đơn vị quy định về thủ tục hành chính nên thủ tục hành chính giữa các cơ quan không giống nhau. Từ năm 2016 đến nay, bên cạnh việc khắc phục triệt để tình trạng các cơ quan, đơn vị ban hành thủ tục hành chính, TP đã tập trung thống nhất một đầu mối là UBND TP ban hành thủ tục hành chính và công bố thủ tục hành chính. Đồng thời TP chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu và thực hiện niêm yết, công khai, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính bằng nhiều hình thức đa dạng. Tính đến quý I-2020, TP có 1.789 thủ tục hành chính được niêm yết công khai, giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu thủ tục hành chính dễ dàng hơn trước.

Từ năm 2015 đến nay, TP chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện thủ tục hành chính. Qua đó, TP đã xây dựng Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, nhiều mô hình, giải pháp hiệu quả được áp dụng như mô hình liên thông thuế điện tử, dịch vụ đăng ký hẹn ngày làm chứng minh nhân dân, căn cước công dân qua tổng đài 1800, liên thông điện tử thủ tục cấp phép xây dựng… Đến nay, TP đã cung cấp 802 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia với 26 dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý, giải quyết của 20 đơn vị.