Đề xuất nghiên cứu sửa đổi các hình phạt với tội phạm tham nhũng

|

“Chúng ta quyết liệt rồi nhưng tội phạm vẫn tăng thì phải xem lại thể chế pháp luật”, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) trăn trở. Cùng nhiều ĐB khác, ông Dương Khắc Mai đề xuất nghiên cứu sửa đổi hình phạt với tội phạm tham nhũng.

Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình phòng, chống tội phạm tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp ngày 6-9, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) ghi nhận, năm 2023, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, nỗ lực cố gắng trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhưng nhìn tổng thể, tội phạm vẫn tăng về số vụ, số người chết; thiệt hại về tài sản vẫn rất lớn.

Đặc biệt, ĐB nhấn mạnh, tội phạm tham nhũng tiếp tục tăng. Đây là vấn đề rất nhức nhối. “Vấn đề đặt ra là tại sao những năm qua, Đảng, Nhà nước kiên quyết với tội phạm tham nhũng, đưa ra nhiều quyết sách và xử lý rất mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ nhưng tội phạm tham nhũng vẫn tăng. Vấn đề đặt ra là tội phạm tham nhũng không sợ, nhờn pháp luật? Hay các chế tài, hình phạt của chúng ta chưa đủ mạnh? Nếu như thế phải nghiên cứu sửa luật liên quan, các hình phạt với tội phạm này”, ĐB Dương Khắc Mai trăn trở.

Theo ĐB, “chúng ta quyết liệt rồi nhưng tội phạm vẫn tăng thì phải xem lại thể chế pháp luật”.

Các đại biểu dự họp

Cùng quan điểm, ĐB Vũ Trọng Kim (Nam Định) nhìn nhận, mặc dù cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cố gắng rất nhiều, có những việc đã nỗ lực vượt bậc, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm không ngừng tăng, gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… Dẫn lại các con số tại báo cáo Chính phủ về tội giết người tăng hơn 20%, cướp tài sản tăng hơn 50%, cướp giật tăng hơn 23%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng hơn 57%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng hơn 92%..., ĐB nhìn nhận, tình trạng này gây bất an trong dư luận và nhân dân.

ĐB Vũ Trọng Kim đề nghị xem lại toàn bộ chính sách kinh tế, xã hội và những biện pháp khác trong bảo vệ pháp luật

“Mổ xẻ” nguyên nhân, ĐB Vũ Trọng Kim cho rằng “phần chủ quan là chính”. Trước hết, cần xem lại toàn bộ chính sách kinh tế, xã hội và những biện pháp khác trong bảo vệ pháp luật. “Có thể sau Covid-19, kinh tế chưa phục hồi nhanh được, khiến cho một bộ phận dân cư thiếu việc làm, mất việc làm, thu nhập kém… Tại sao phải vay nặng lãi nhưng vẫn phải vay? Nhiều vụ việc làm liều đến mức mình không tưởng tượng được...”, ĐB Vũ Trọng Kim bày tỏ đau xót.

Trước đó, trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị, trước tình trạng gia tăng của tội phạm và dự báo tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới còn nhiều khó khăn, Chính phủ cần tích cực chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan đưa ra những giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; khẩn trương tiến hành tổng kết 12 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, sớm trình bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.

Xử lý 54 cán bộ không trung thực trong kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm