Môn bóng chuyền Olympic Tokyo 2020 khai mạc vào ngày 25-7
|
Mới đây, Liên đoàn bóng chuyền thế giới (FIVB) đã chính thức chốt lại lịch thi đấu của môn bóng chuyền tại Olympic Tokyo 2020, sau khi chọn ra đủ 12 đội bóng nam và 12 đội bóng nữ ở các châu lục giành quyền tham dự. Ngày 25-7, nội dung nam sẽ khởi tranh, trong khi nội dung nữ diễn ra muộn hơn 1 ngày (bắt đầu từ ngày 26-7).
\r\n
Ở nội dung nam, nhà đương kim vô địch Brazil rơi vào bảng B rất căng thẳng, đụng độ Argentina, Nga, Mỹ, Tunisia và tuyển Pháp. Điều thú vị là 3 nền bóng chuyền hàng đầu thế giới Brazil, Mỹ và Nga đều có cùng 3 lần giành HCV ở đấu trường Olympic trong quá khứ (tuyển Nga trước kia là Liên bang Xô Viết, từng đoạt HCV ở Olympic 1964, 1968 và 1980).
Brazil là đội tuyển gần nhất lên ngôi ở Rio de Janeiro 2016, trong lúc Mỹ và Nga đoạt HCV ở các mùa giải 2012 và 2008. Nhưng chắc chắn, cả Mỹ lẫn Nga đều muốn cải thiện thứ hạng của mình ở Thế vận hội năm nay, không muốn tiếp tục đối đầu với nhau ở trận tranh hạng Ba như vào năm 2016 (khi đó, tuyển Mỹ thắng 3-2 để giành HCĐ).
Theo lịch trình tại bảng B, Brazil sẽ thi đấu trận đầu tiên gặp tuyển Tunisia vào ngày 25-7, trong khi tuyển Mỹ sẽ đụng độ tuyển Pháp và Nga đấu với Argentina. Màn so đọ được trông đội đầu tiên ở bảng đấu này diễn ra vào ngày 27-7, khi Mỹ đấu với Nga.
12 đội tuyển nam dự Olympic Tokyo 2020.
Tại bảng A, đội đương kim Á quân Italy được đánh giá cao, nổi trội hơn các đối thủ cùng bảng như Ba Lan, Nhật Bản, Venezuela, Canada và cả Iran. Đặc biệt, trong nỗ lực biến giấc mơ vô địch Olympic lần đầu tiên thành sự thật, đội bóng đến từ xứ sở hình chiếc ủng sẽ tranh thủ “bào” nhanh vòng đấu bảng để tập trung cho các vòng đấu tiếp theo. Các đối thủ được cho là có thể ngáng đường Italy đến ngôi nhất bảng A là Ba Lan, Canada và đặc biệt là “ẩn số” Nhật Bản, đội chủ nhà của Olympic 2020.
Italy sẽ đấu trận ra quân vào ngày 25-7 gặp tuyển Canada, trong khi Nhật Bản đấu Venezuela, còn Ba Lan đụng độ Iran cùng ngày.
Lịch thi đấu nội dung nam.
Ở nội dung nữ (khởi tranh từ ngày 26-7), giới mộ điệu đặc biệt trông đợi vào bảng A, nơi quy tụ cả ứng cử viên Brazil lẫn 2 nền bóng chuyền từng gây tiếng vang lớn trong lịch sử Olympic là Nhật Bản và Serbia. Chủ nhà Nhật Bản từng 2 lần lên ngôi tại Olympic 1964 và 1976, trong đó có kỳ Thế vận hội đầu tiên 1964 họ thi đấu với vai chủ nhà.
Serbia thì mới đây mới gây ngạc nhiên, đặc biệt là ở Olympic 2016 diễn ra tại Brazil. Đại diện của làng bóng chuyền nữ châu Âu tiến một mạch vào đến trận chung kết, và dù sau đó không đánh bại được tuyển Trung Quốc (Serbia thua 1-3), thì đội bóng này cũng đã viết nên một trang mới đầy thi vị cho bóng chuyền Serbia.
12 đội tuyển nữ dự Olympic Tokyo 2020.
Bảo vệ tấm HCB không hề dễ dàng, nhưng ngôi đương kim vô địch thế giới mà thầy trò HLV Zoran Terzic đang nắm giữ (đoạt được vào năm 2018), đồng thời là danh hiệu vô địch châu Âu 2019, chính là những cơ sở để đội bóng này tiếp tục tin tưởng vào một hành trình tốt đẹp của mình. Ở bảng A này, ngoài bộ ba Serbia, Brazil và Nhật Bản còn có các đội bóng Hàn Quốc, CH Dominica và Kenya.
Tại bảng B, cuộc chiến tranh các thứ hạng dẫn đầu còn khốc liệt hơn, khi nhà đương kim vô địch Trung Quốc sẽ đương đầu với các đối thủ nặng ký: Mỹ, Nga, Italy, trong lúc Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn gây dấu ấn đặc biệt.
Lịch thi đấu nội dung nữ.
HLV Karch Kiraly có một điều thuận lợi khi chuẩn bị kế hoạch triệu tập đội tuyển Mỹ, chính là các học trò của ông đều đã và đang thi đấu ở các giải bóng chuyền hàng đầu thế giới, tại khắp các quốc gia như Brazil, Nhật Bản, Trung Quốc, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga cho nên việc được chơi bóng nhiều và trải nghiệm cùng nhiều đối tượng sẽ giúp đội tuyển Mỹ tự tin hơn trong cuộc đua đến đỉnh cao Olympic Tokyo 2020, đấu trường mà họ vẫn mơ ước nhưng chưa từng đoạt được tấm HCV nào trong suốt chiều dài lịch sử của mình.
Đã 3 lần ở quá khứ, đội tuyển Mỹ đến rất gần chiến thắng, nhưng rốt cuộc đều thất bại trước Trung Quốc (tại Olympic 1984 diễn ra ngay ở Los Angeles) và 2 lần gần đây trước Brazil (tại Olympic Bắc Kinh 2008 và London 2012).