Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Những năm vừa qua, các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh đã dành một khoản kinh phí không nhỏ để xây dựng hàng chục cầu vượt, hầm chui dành cho người đi bộ nhằm bảo đảm ATGT, giảm ùn tắc. Tuy nhiên, trên thực tế, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người đi bộ vẫn khá cao, chiếm tỷ lệ đáng lo ngại trong số những vụ TNGT nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trung bình mỗi năm có khoảng gần 9.000 người chết vì TNGT, trong đó có đến hơn 15% là người đi bộ, phần lớn do người đi bộ tùy tiện băng qua đường, làm người điều khiển phương tiện khác không kịp xử lý, hoặc tránh người đi bộ nên gây ra tai nạn với các phương tiện khác cùng lưu thông.
Hình ảnh người đi bộ “vô tư” sang đường không đúng nơi quy định, thậm chí vượt rào chắn, dải phân cách, luồn lách mình qua dòng xe,... để sang đường diễn ra thường xuyên. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay phía trên hầm dành cho người đi bộ tại Ngã Tư Sở (Hà Nội), dải phân cách cứng không thể ngăn được dòng người đi bộ trèo qua, mặc dù hai bên đường các phương tiện giao thông hoạt động rất nhiều. Biện minh cho hành vi của mình, nhiều người đi bộ cho rằng do cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập như: Nút giao thông cách xa, cầu vượt đi bộ cách xa điểm cần đến,... Tuy nhiên, lý do mà phần lớn người đi bộ đưa ra là: Đi như vậy cho nhanh và tiện hơn việc phải chờ đèn tín hiệu hoặc đi xuống hầm dành cho người đi bộ.
Ghi nhận tại đường Chùa Bộc (Hà Nội), khu vực điểm trung chuyển xe buýt gần Học viện Ngân hàng, nơi luôn có lưu lượng người đi bộ và phương tiện tham gia giao thông lớn, sau một giờ quan sát, chúng tôi nhận rất nhiều nhóm sinh viên đi cắt ngang đầu dòng xe đang chạy để băng qua đường. Những lúc xe quá đông, nhiều người đi bộ tụ lại thành nhóm để sang đường khiến giao thông trở nên hỗn loạn. Trong số đó, có cả hành khách của nhiều xe buýt, do xuống xe ở giữa lòng đường cho nên phải xách hành lý băng qua đường để vào lề.
Dù đã có các quy định khá rõ ràng về việc xử phạt người đi bộ từ 60 đến 120 nghìn đồng nếu đi sai quy định, nhưng hiện nay, phần lớn người đi bộ sai quy định vẫn chưa bị xử lý, dẫn đến hiện tượng “nhờn luật” và trở thành thói quen khó bỏ. Chính vì thói quen này đã khiến nhiều cầu vượt, hầm chui dành cho người đi bộ gần như không phát huy được tác dụng, gây lãng phí lớn.
Nâng cao công tác tuyên truyền
Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Uông Việt Dũng cho rằng, việc sang đường bừa bãi của người đi bộ tưởng chừng chỉ là một hành động nhỏ, vô hại nhưng lại là nguyên nhân của nhiều vụ TNGT thương tâm, làm cản trở người và các phương tiện tham gia giao thông khác. Việc người dân không mặn mà với cầu vượt, hầm đi bộ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, phần lớn là do ý thức của người dân chưa cao. Mặt khác, người dân chưa hiểu rõ về quy định xử phạt hành vi đi bộ sai quy định, mức phạt chưa đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn phổ biến, khiến số vụ TNGT đối với người đi bộ chưa giảm, thậm chí có chiều hướng tăng cao.
Vì vậy, để giảm TNGT cho người đi bộ, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo. Các hoạt động tuyên truyền liên quan cần hướng vào việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT đường bộ cho người đi bộ; cảnh báo các nguy cơ gây TNGT và biện pháp phòng tránh tai nạn khi đi bộ. Đồng thời, kêu gọi người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ chủ động giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ; tạo các điều kiện tốt nhất về hạ tầng giao thông để bảo đảm an toàn cho người đi bộ. Lực lượng chức năng cần thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại những điểm tập trung đông người đi bộ, cầu vượt, các trường học, điểm vạch kẻ sang đường; nhắc nhở người đi bộ đi đúng nơi quy định và xử phạt những hành vi cố tình vi phạm.
Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, có nhiều nguyên nhân khách quan khiến người đi bộ khó thực hiện đúng luật. Dẫn chứng tại nhiều khu vực nội thành TP Hà Nội, phần lớn vỉa hè đã bị tận dụng làm bãi trông giữ phương tiện, bày bán hàng,... Trên phố Phủ Doãn, luôn có ít nhất hai hàng xe máy được xếp tràn trên vỉa hè từ ngã tư phố Phủ Doãn đến Tràng Thi, qua cổng Bệnh viện Việt Đức, chiếm trọn lối đi của người đi bộ. Người dân, người bệnh đành phải đi xuống lòng đường để qua lại bất chấp nguy hiểm.
Để người dân nhanh chóng thay đổi thói quen là không dễ. Vì vậy, để người đi bộ thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, thiết nghĩ cùng với việc tuyên truyền nhắc nhở, xử phạt để người dân nâng cao ý thức chấp hành, các ngành chức năng cần tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như dẹp bỏ các vi phạm lấn chiếm vỉa hè để trả lại lối đi bộ cho người dân. Ngoài việc xử phạt hành chính bằng tiền, cần tính đến các hình thức xử phạt bổ sung như yêu cầu người vi phạm lao động công ích để tăng tính răn đe. Bên cạnh đó, cần có sự tính toán hợp lý, khảo sát kỹ lưỡng thực tế thói quen, nhu cầu sử dụng của người dân trước khi xây dựng các cầu vượt, hầm chui cho người đi bộ để phát huy hiệu quả, từ đó người đi bộ sẽ có ý thức chấp hành nghiêm các quy định về ATGT.