Trao đổi ngày 4-9, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Thái Bình – ông Nguyễn Viết Minh cho biết “bóng chuyền nữ của tỉnh Thái Bình là 1 trong 12 môn mà thể thao chúng tôi đăng ký thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc năm nay. Việc đang là đương kim vô địch quốc gia nữ ít nhiều có một áp lực không nhỏ để bóng chuyền nữ tỉnh nhà thi đấu tại Đại hội thể thao toàn quốc. Mục tiêu đề ra của lãnh đạo địa phương là đội bóng cố gắng thi đấu tốt nhất chuyên môn đạt đúng phong độ tại Đại hội năm nay”.
Bốn năm trước tại môn bóng chuyền Đại hội thể thao toàn quốc 8-2018 tại Hà Nội, ở nội dung bóng chuyền nữ, Thái Bình đã lọt vào bán kết nhưng ở trận tranh hạng 3, đội bóng quê lúa để thua nữ Đắk Lắk nên xếp hạng 4 chung cuộc. Ban huấn luyện đội nữ Geleximco Thái Bình cho biết danh sách đăng ký thi đấu đội bóng chuyền nữ tỉnh Thái Bình tại Đại hội thể thao toàn quốc năm nay vẫn là bộ khung những cầu thủ đã thi đấu và đạt tấm HCV vô địch quốc gia 2022 trong tháng 7 vừa qua.
Đại hội thể thao toàn quốc không cho phép các đội bóng sử dụng cầu thủ ngoại. Đội hình của nữ Thái Bình đã đăng quang vô địch quốc gia có các cầu thủ quốc nội gồm Trần Thị Thơm, Bùi Thị Huệ, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Uyên, Hà Thị Thu Thảo, Hà Thị Thu Hiền, Bùi Thị Bích Nga, Lê Thị Mai Xuân, Đinh Thị Trà Giang, Hoàng Hồng Hạnh, Trịnh Thị Khánh, Lê Thị Ánh Nguyệt, Phạm Thị Diệp. Trong số này Hồng Hạnh và Trịnh Thị Khánh là cầu thủ mượn từ đội Hóa chất Đức Giang HN nên nhiều khả năng họ không có tên trong đăng ký thi đấu cùng Thái Bình tại Đại hội thể thao toàn quốc năm nay. Bù lại, cây chuyền 2 Nguyễn Thị Thủy đã đánh thuê cho Hóa chất Đức Giang HN năm qua dự kiến sẽ trở lại để thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc. Nếu có Thủy trong đội hình, sự biến hóa trong các pha phối hợp của đội nữ Thái Bình là đáng kể.
Theo sự chuẩn bị, tỉnh Thái Bình sẽ tổ chức trở lại giải bóng chuyền quên thuộc cúp Bông Lúa để đội bóng thi đấu trước khi dự Đại hội thể thao toàn quốc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Minh cũng chia sẻ thời điểm cụ thể về giải chưa xác định do còn chờ việc nâng cấp sửa chữa nhà thi đấu tỉnh Thái Bình khang trang trở lại.
“Giải cúp Bông Lúa có thể diễn ra trong tháng 10 hoặc tháng 11 tại địa phương, khi có thời điểm cụ thể là chúng tôi công bố rộng rãi để người hâm mộ được biết”, đại diện Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Thái Bình trao đổi thêm.
Sau trận chung kết giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022, HLV Trần Văn Giáp từng cho biết “chúng tôi vẫn còn nhiệm vụ quan trọng là Đại hội thể thao toàn quốc. Ngôi vô địch quốc gia là một động lực lớn để tinh thần và chuyên môn của đội bóng sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất”.
Trong khi nhiều đội bóng gặp khó khăn về nguồn lực và sự đãi ngộ trực tiếp đối với bóng chuyền nói chung thì, Thái Bình là một trong những địa phương có chính sách đãi ngộ tương đối hiệu quả đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao.
Năm ngoái, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND (ngày 10-12-2021) quy định một số chế độ, chính sách đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao trên địa bàn tỉnh. Theo đó, HLV, VĐV đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Bình ngoài việc được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của Trung ương, của tỉnh còn được hỗ trợ thêm bằng tiền mặt hàng tháng nhằm bồi dưỡng tập luyện, thi đấu.
Quy định ghi rõ, VĐV chính thức được hưởng hỗ trợ 9 triệu đồng/tháng, VĐV dự bị là 6 triệu đồng/tháng trong khi VĐV là người tỉnh ngoài, nước ngoài nhận hỗ trợ 20 triệu đồng/tháng. Với thể thao Thái Bình, VĐV hướng chế độ tiền ăn là 190 ngàn đồng/người/ngày trong thời gian tập huấn còn trong thời gian thi đấu là 250 ngàn đồng/người/ngày. Chính sách đãi ngộ thỏa đáng để phát triển tài năng nên đây là một trong những lý do vì sao bóng chuyền nữ Thái Bình luôn giữ được con người lâu dài.