Bóng chuyền phía Nam mất dần vị thế: Đau đáu với “căn bệnh” thiếu kinh phí

|

Sự khó khăn về kinh phí, về công tác xã hội hóa nguồn lực tài chính không chỉ khiến các đội bóng TPHCM, mà với cả các đại diện của bóng chuyền miền Tây, miền Đông Nam bộ, lâm vào hoàn cảnh phát triển dở dang, có đội bóng phải giải thể hoặc chuyển giao cho nơi khác.

Quá trình sa sút kéo dài

Việc CLB bóng chuyền nam TPHCM xuống hạng được xem là cái kết được báo trước. Mọi thứ xuất phát từ năm 2022, khi nguồn tài trợ từ các đơn vị đồng hành không còn, và khó khăn về tài chính buộc TPHCM phải chia tay HLV Bùi Huy Châm cùng 8 VĐV trụ cột khác. Họ chính là “công thần” giúp TPHCM vô địch quốc gia 2 năm liên tiếp 2018, 2019, trong đó đa số được tuyển mộ từ địa phương khác, như phụ công Nguyễn Văn Học, Nguyễn Hoàng Thương, Nguyễn Văn Dữ (Vĩnh Long), hay Nguyễn Văn Hạnh (Hà Tĩnh)... Lúc rời khỏi TPHCM để khoác áo Ninh Bình theo diện tự do, Văn Học cùng đồng đội Nguyễn Văn Sang thậm chí còn khiếu nại CLB TPHCM vì chưa trả “phí lót tay”.

Không có tiền thuê VĐV giỏi, CLB TPHCM quay về với những cầu thủ “cây nhà, lá vườn” còn trẻ, cùng HLV kỳ cựu Nguyễn Văn Hòa, từng là VĐV xuất sắc một thời của Dệt Thành Công. Nhưng với thực lực chỉ có vậy, tấm vé xuống hạng đã được xác định từ đầu mùa giải 2023. Với đội nữ, dù nhận khoản tài trợ từ Sacombank đến 6 tỷ đồng để thuê một số VĐV ngoại trong lần trở lại với đỉnh cao, vẫn không đủ, khi nội binh gần như không thể kiếm ra người giỏi trong bối cảnh nhiều CLB nữ khác tại Việt Nam cũng khủng hoảng nhân sự.

Bóng chuyền nam TPHCM từng có giai đoạn thành công nhờ nguồn lực tài chính vững vàng

Câu chuyện tại làng bóng chuyền TPHCM đã phản ảnh đủ bản chất của quá trình sa sút của bóng chuyền phía Nam và đó là vấn đề nảy sinh từ rất lâu. Chỉ tiếc là dù nhận ra và hình dung được viễn cảnh sa sút, nhưng giới làm nghề ở các địa phương lại không có sự hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn kết cục xấu.

Thời huy hoàng, Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT TPHCM có khả năng cung cấp tài năng thượng hạng cho cùng lúc 3 đội bóng hàng đầu quốc gia khi đó là SEAprodex, Dệt Thành Công và Công an TPHCM. Thậm chí, có khi nơi đây còn thừa VĐV để cho đội Quân đoàn 4, Quân khu 7 mượn. Nhưng từ sau lứa Tiến Minh, Hoài Phương chuyển về cho đội Bưu điện đầu những năm 2000, nguồn cung tại chỗ của TPHCM cạn kiệt. Hệ thống tuyển chọn từ các tỉnh miền Tây Nam bộ không còn hoạt động hiệu quả, nên “đầu ra” cũng kém chất lượng. Bóng chuyền TPHCM chuyển sang hình thức thuê VĐV từ các địa phương lân cận nhưng lại đối mặt với bài toán tài chính.

Để có VĐV giỏi, các địa phương cũng phải có các đội bóng chơi ở hạng A hoặc đội mạnh. Giai đoạn 2010-2018, phía Nam có rất nhiều đội bóng chuyền nên nguồn cung cầu thủ cũng tương đối dồi dào nhờ hệ thống đào tạo được chăm lo tốt. Càng về sau, vì vấn đề kinh phí, mọi thứ dần đi vào bế tắc.

Trước đây, “đầu ra” của đa số VĐV trẻ từ các tỉnh miền Tây là tại TPHCM với số lượng CLB và chế độ đãi ngộ tốt. Nhưng khi “điểm đến” TPHCM rơi vào tình trạng khó khăn, thì mọi thứ cũng biến thiên theo chiều hướng xấu dần, kéo theo công tác đào tạo của các trung tâm “vệ tinh” ở miền Tây cũng nhạt nhòa dần…

Bóng chuyền miền Tây lao đao Đội nam Vĩnh Long từ chỗ giành được HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2014, giờ đây phải bán hết nhân tài, trồi sụt ở giải hạng A. Đội nữ Vĩnh Long năm 2010 từ vô địch lượt đi giải vô địch quốc gia, nhưng đến năm 2021 phải chuyển giao, trở thành đội nữ Ninh Bình hiện nay và cũng bắt đầu từ giải hạng A. Đội nam Long An từng là “vua đấu cúp” giai đoạn 2007-2012, giờ cũng lao đao với mục tiêu trụ hạng ở mỗi mùa giải…

Trong khi đó, hai “lò” từng cung cấp rất nhiều tài năng bóng chuyền cho TPHCM là Bến Tre và Trà Vinh giờ chấp nhận làm “vệ tinh” tuyển mộ tài năng cho các đội bóng phía Bắc. Tài năng Nguyễn Văn Quốc Duy vốn xuất thân từ Trà Vinh, hết cho Ninh Bình mượn giờ đến lượt đầu quân cho Thể Công cũng dưới hình thức cho mượn. Bóng chuyền nam Vĩnh Long từng sở hữu nhiều tay đập từng vô địch quốc gia trong màu áo TPHCM như: Từ Thanh Thuận, Nguyễn Hoàng Thương, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Văn Dữ… Họ phải đi đánh thuê cho nhiều nơi, trong đó có những đội họ vừa đến chơi 1-2 mùa thì xuống hạng hoặc giải thể, thành thử phải… đi tiếp, chưa biết bao giờ mới quay về địa phương.

“Vỡ trận” do thiếu kinh phí

Có thể nhận ra một thực tế là đa số các đội bóng chuyền ở các địa phương đã phát triển không bền vững. Điều này thể hiện qua một số tên tuổi từng được xếp vào diện hàng đầu của bóng chuyền Việt Nam như: VietsovPetro, Truyền hình Vĩnh Long, Hoàng Long Long An, Quân đoàn 4… nhưng về sau hoặc phải giải thể hoặc đã được chuyển giao cho nơi khác. Đội nữ Truyền hình Vĩnh Long được chuyển giao cho Ninh Bình vào năm 2021, sau khi nhà tài trợ tuyên bố rút lui. Từ năm 2011, sau khi tập đoàn Hoàng Long rút, đội nam Long An “sống lay lắt” gần chục năm trời trước khi “sống” lại nhờ bản hợp đồng của Lavie và Hải Sơn từ mùa 2021. Năm 2018, đội nam Quân đoàn 4 giải thể sau khi nguồn tài trợ hàng tỷ đồng từ Becamex kết thúc…

Dù có tiền để duy trì nhưng với việc phải mua cầu thủ từ các lò đào tạo phía Bắc suốt nhiều năm đã khiến cho ngân sách hoạt động của nhiều đội bóng luôn ở mức âm. Đó là một cái vòng luẩn quẩn của bóng chuyền phía Nam: Muốn tồn tại phải mua cầu thủ - muốn mua cầu thủ thì phải có tiền - khi có tài trợ thì buộc phải tập trung mua cầu thủ mà không thể chăm lo cho khâu đào tạo rồi khi hết tiền lại mất đi 70%-80% sức mạnh. Quá trình này kéo dài gần 20 năm qua, và cứ nhìn vào tình trạng của bóng chuyền TPHCM thì biết. Ngay ở thời đỉnh cao, thành phố vẫn không có bóng chuyền nữ đỉnh cao. Ban đầu Trung tâm TDTT quận Tân Bình nhận trách nhiệm phát triển đội bóng chuyền bãi biển nữ chuyển vào thi đấu trong nhà, nhưng cứ vừa lên hạng thì lại xuống. Chủ yếu là nguồn cung cầu thủ tại chỗ không có, do bóng chuyền nữ vốn mạnh tại khu vực phía Bắc.

Long An là một trường hợp đặc biệt. Khởi phát từ niềm cảm hứng ở đội bóng đá Gạch Đồng Tâm Long An, sự tham gia đầu tư dài hạn của doanh nghiệp Bình Điền và năng lực quản lý khéo léo đã giúp đội bóng chuyền nữ của tỉnh này giữ được sự ổn định, thậm chí còn gián tiếp giúp cho bóng chuyền nam cùng địa phương cũng có chút vai vế trong làng bóng quốc gia. Có điều, bài toán nan giải vẫn luôn ám ảnh giới làm nghề phía Nam là làm sao để phát triển phong trào và xây dựng lại hệ thống đào tạo cầu thủ theo mô hình chuyên nghiệp thực sự.

Ông LÊ TRÍ TRƯỜNG, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam: Bóng chuyền TPHCM đang ở giai đoạn đặc biệt khó khăn

Năm nay giải vô địch quốc gia chứng kiến 2 đội bóng chuyền nam, nữ phải xuống hạng và đây thật sự là điều buồn với chúng tôi bởi dù sao họ là đại diện của khu vực phía Nam nhưng đã không giữ được kết quả tốt nhất. Có nhiều phân tích để nói về sự đi xuống ấy nhưng trên hết chúng tôi thấy đó là vấn đề về nguồn lực, nguồn tài trợ bị ảnh hưởng kéo theo tác động tới công tác chuyên môn. Chúng ta thấy rằng không thể trông chờ chỉ ở nguồn ngân sách của địa phương dành cho thể thao mà môn thể thao cũng cần có nguồn xã hội hóa để phát triển. Thời gian qua, các đội thể thao môn tập thể (trong đó có bóng chuyền) của phía Nam gặp khó về kinh phí nên việc giữ được VĐV rất khó nếu không muốn nói là những cầu thủ giỏi đã phải chia tay vì cuộc sống. Và như vậy, sự ổn định đội hình không có được. Ai cũng đều thấy rằng thấy đội bóng chuyền nam TPHCM không có nhà tài trợ nên nhiều cầu thủ giỏi ra đi, đến với những đội bóng khác và một số người gia nhập đội nam Khánh Hòa tại giải vô địch quốc gia năm nay, giành được ngôi vô địch quốc gia 2023. Đội nữ TPHCM có được tài trợ nhưng lại hơi muộn - bắt đầu từ giai đoạn 2. Trước đó, ở giai đoạn đầu của giải đấu cầu thủ không chơi tốt nên không thể gượng được ở giai đoạn 2. Việc xuống hạng của đội bóng chuyền nữ TPHCM cũng khó tránh khỏi.

Ở góc độ chuyên môn, chắc chắn từng đơn vị, trong đó có thể thao TPHCM, rất quyết tâm đào tạo huấn luyện nhưng các HLV, VĐV của mọi đội bóng chuyền phải thể hiện được bằng thành tích thì mới thành công. Như tôi đã chia sẻ ở trên, quan trọng nhất là cần có nguồn lực đầu tư cộng thêm nguồn tài trợ, xã hội hóa. Khi có được nguồn đó mạnh thì việc tuyển sinh VĐV năng khiếu và đào tạo VĐV cầu thủ trẻ sẽ tốt nhất, từ đó hỗ trợ thêm cho đội bóng tuyến trên. Các đội bóng tuyến trên có nhiệm vụ thi đấu giành kết quả nhưng không thể đứng ngoài sự phát triển của thể thao chuyên nghiệp là phải chuyển nhượng. Đội bóng có tiềm lực sẽ chuyển nhượng được cầu thủ trong nước, cầu thủ nước ngoài phù hợp chuyên môn và thậm chí thuê được HLV tốt nhất.

Hai đội bóng nam, nữ TPHCM sẽ phải thi đấu hạng A ở mùa giải năm nay nhưng nếu được sự chuẩn bị đầy đủ về nguồn kinh phí và có mục tiêu quyết tâm thăng hạng thì họ hoàn toàn đủ cơ hội hiện thực điều này. Tới đây, lộ trình chỉ còn 8 đội nam và 8 đội nữ ở giải vô địch quốc gia sẽ được hoàn thiện vào năm 2025. Khi đó, tính cạnh tranh của các đội bóng là rất quyết liệt.

MINH CHIẾN ghi