Hình thành chuỗi cung ứng để giảm chi phí trung gian

|

Theo kế hoạch, từ ngày 8-12 đến 10-12, TPHCM sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm tạo không gian trao đổi, hợp tác giữa các nhà sản xuất và phân phối đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của hội nghị, phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM.\r\n

 


 Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM
 Xây dựng sàn kết nối online www.ketnoicungcau.vn

° Phóng viên: Năm 2017 là năm thứ 6, TPHCM tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa. So với những năm trước, hội nghị năm nay có những điểm gì mới, thưa ông?

° Ông Phạm Thành Kiên: TPHCM là thành phố năng động, có truyền thống sáng tạo, liên tục tìm tòi, mạnh dạn áp dụng nhiều giải pháp mới. Với vai trò đầu tàu kinh tế khu vực phía Nam, những giải pháp này luôn có tác động lớn đến các địa phương. Điển hình như chương trình bình ổn thị trường (BOTT), hợp tác thương mại, truy xuất nguồn gốc thực phẩm... luôn được các tỉnh thành quan tâm, chủ động, tích cực phối hợp cùng thực hiện.

Để đáp ứng yêu cầu nhu cầu kết nối giữa các địa phương và doanh nghiệp (DN) ngày càng cao, Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2017 được tổ chức với quy mô lớn hơn, thời gian kéo dài hơn với nhiều điểm khác biệt so với các năm trước. 

Thứ nhất, ngoài việc kết nối hàng nông sản, sản phẩm đặc sản, hàng BOTT, hội nghị năm nay sẽ mở rộng, kết nối các sản phẩm ngành công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh thành. Riêng sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cũng được mở rộng; tuy nhiên, chúng tôi chưa kỳ vọng quá lớn về kết quả kết nối xuất khẩu từ hội nghị năm nay, cho dù có sự tham gia tích cực của các tập đoàn phân phối lớn đang hoạt động như Saigon Co.op, Satra, Centra Group, Lotte, MM Mega Market… và hơn 1.200 DN xuất khẩu lớn của TPHCM. Chúng tôi tin rằng, hội nghị năm nay và các năm sau sẽ là kênh kết nối hữu hiệu để đưa sản phẩm đặc sắc của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Thứ hai, ngoài việc tập trung kết nối các sản phẩm mới, sản phẩm chưa có thị trường tại TPHCM, mục tiêu của hội nghị năm nay còn tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao dịch; qua đó, tăng cường mối liên kết, quan hệ hợp tác đã thiết lập giữa các bên, hướng đến mục tiêu hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu. 

Thứ ba, bên cạnh kết nối nhà cung ứng - nhà phân phối, hội nghị còn kết nối giữa các nhà sản xuất, tổ chức tín dụng với DN sản xuất kinh doanh. Ví dụ, các đơn vị cung ứng nông sản như mè, đậu phộng, hạt sen, trái cây sẽ được kết nối với các DN sản xuất, chế biến bánh kẹo, thực phẩm chế biến; hay các đơn vị sản xuất máy móc, nông cụ có thể kết nối với các hợp tác xã nuôi trồng… 

Thứ tư, ngoài việc tổ chức kết nối trực tiếp theo phương thức truyền thống, chúng tôi đang khẩn trương xây dựng sàn kết nối online www.ketnoicungcau.vn, mở rộng các kênh thông tin để DN chủ động tiếp cận, kết nối với nhau thông website này.

Tại hội nghị năm nay, chúng tôi sẽ hỗ trợ các nhà phân phối thiết lập các trạm thông tin để trao đổi cụ thể với các nhà cung ứng về nhu cầu chất lượng, bao bì, thị hiếu… của người tiêu dùng thành phố; từ đó định hướng sản xuất những sản phẩm thị trường đang có nhu cầu.

° Đến nay, tiến độ thực hiện hội nghị kết nối năm nay được triển khai đến đâu rồi, thưa ông? Hiện đã có bao nhiêu địa phương đăng ký tham gia hội nghị?


° Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã nhận được nhiều đề nghị của các địa phương về việc tổ chức hội nghị, vì vậy ngay sau khi triển khai, các tỉnh thành đã rất tích cực, chủ động phối hợp cùng thành phố trong công tác chuẩn bị. Cập nhật đến nay đã có 32 tỉnh thành tham gia với 517 DN giới thiệu sản phẩm.

Để công tác chuẩn bị chu đáo theo tinh thần chỉ đạo của UBND TPHCM, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các địa phương, lên phương án phối hợp chặt chẽ. Cụ thể, cố gắng hết sức để đáp ứng tối đa yêu cầu của từng địa phương, từng DN với mục tiêu cuối cùng là số lượng, chất lượng hợp đồng.

° Ông có thể đánh giá sơ bộ kết quả từ hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa của những năm trước?

° Trước đây, hoạt động lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, người sản xuất không có đầu ra sản phẩm ổn định, không mạnh dạn đầu tư nên quy mô nhỏ lẻ, không có thương hiệu; trong khi TPHCM vất vả tìm kiếm nguồn hàng để cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Trước thực trạng trên, thành phố đã mạnh dạn triển khai chương trình hợp tác thương mại với các tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ; trong đó, điểm nhấn là hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa. Mục tiêu ban đầu là tìm đầu ra cho người sản xuất, đồng thời tìm nguồn hàng cho thành phố; đến nay, mục tiêu của chương trình là hình thành chuỗi cung ứng, tiết giảm chi phí trung gian, định hướng đầu tư quy mô lớn, truy xuất nguồn gốc.

Kết quả đến nay cho thấy sự lựa chọn của thành phố là đúng đắn, chương trình đã khẳng định thương hiệu của mình và được các địa phương hết sức quan tâm, đề nghị tiếp tục tổ chức định kỳ, đồng thời tạo được sức lan tỏa lớn, trở thành xu thế chung của các địa phương trong hoạt động hỗ trợ DN.

Không chỉ kết nối tiêu thụ hàng hóa, quan trọng là chúng tôi đã tìm kiếm, chọn lọc được nhiều DN các tỉnh thành tham gia chương trình BOTT. Đến nay, Sở Công thương TPHCM đã xây dựng được hệ thống dữ liệu để hỗ trợ DN kết nối hàng hóa mọi lúc, mọi nơi, không chỉ gói gọn tại hội nghị.

Bên cạnh đó, qua công tác phối hợp tổ chức cũng góp phần xây dựng mối liên kết, phối hợp giữa ngành công thương và nông nghiệp; giữa TPHCM với các tỉnh thành, nhất là phối hợp trong dự báo cung - cầu, BOTT, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc… 
Một trại nuôi gà tại tỉnh Bình Dương cung ứng thịt, trứng cho các tỉnh, thành          Ảnh: CAO THĂNG
 Định hướng sản xuất theo các quy chuẩn an toàn
° Một số ý kiến cho rằng, hội nghị chỉ mới thực hiện được việc kết nối cung - cầu giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, chứ chưa chú trọng đến khâu kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này? ° Như tôi đã nói ở trên, thời gian trước do yêu cầu thị trường và sản xuất, hội nghị chú trọng đẩy mạnh kết nối cung cầu, kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối và chỉ được tổ chức trong một ngày. Đến nay, với yêu cầu phải quảng bá các sản phẩm đến người tiêu dùng, hoạt động trưng bày sản phẩm được kéo dài thời gian tổ chức trong 3 ngày, ngoài mục đích tăng thời gian kết nối giữa nhà cung ứng với nhà phân phối, còn hỗ trợ DN giới thiệu trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng.° Có một thực tế số hợp đồng, bản ghi nhớ hợp tác cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành, giữa DN với DN khá nhiều nhưng số lượng hợp đồng được triển khai chỉ đạt khoảng 2/3. Theo ông, cần làm gì để nâng cao hiệu quả thực thi các hợp đồng, cũng như nâng cao hiệu quả công tác kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành?
° Đúng vậy, vẫn còn một số hợp đồng tiêu thụ đã ký kết nhưng chưa triển khai được. Phần lớn trong số đó là các sản phẩm do DN vừa và nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công; mặc dù chất lượng rất tốt nhưng chưa đáp ứng được các tiêu chí, quy chuẩn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận chất lượng... để tham gia thị trường. Mặt khác, một số DN tham gia kết nối cung - cầu nhưng chưa sẵn sàng cung ứng đủ cho thị trường thành phố. Khi sản phẩm được quan tâm, thu mua lại không đáp ứng được yêu cầu về sản lượng, công tác giao hàng, thanh toán, đổi trả... Để khắc phục những hạn chế trên, Sở Công thương TPHCM và các tỉnh, thành đã tích cực phối hợp, định hướng hoạt động sản xuất theo các quy chuẩn an toàn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng miền. Chúng tôi cũng khuyến khích các DN thành phố thực hiện ứng vốn, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm của các tỉnh thành, thiết lập các chuỗi thực phẩm an toàn. Với sự phối hợp tốt giữa ngành công thương các tỉnh thành trong việc rà soát, lựa chọn DN uy tín và có sự chuẩn bị, sẵn sàng tham gia cung ứng cho thị trường thành phố, tôi tin rằng hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm nay sẽ thành công, tạo ra không gian kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa đa dạng, phong phú với nhiều mặt hàng mới có chất lượng, góp phần tôn vinh hàng Việt, khẳng định chất lượng hàng Việt và đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất, cung ứng và người tiêu dùng.° Xin cảm ơn ông!