Điều chỉnh chính sách cần mang tính ổn định

|

Tại buổi tọa đàm “Thị trường đồ uống năm 2017 và dự báo xu hướng 2018” do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) vừa tổ chức tại TPHCM, một trong những nội dung nóng được các diễn giả đề cập đó là vấn đề liên quan đến thuế và hải quan. 

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, việc thay đổi trong thời gian ngắn của các chính sách, đặc biệt là chính sách thuế, đang khiến các doanh nghiệp (DN) tốn thêm nhiều chi phí. Chẳng hạn, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, được Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành vào tháng 1-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm bia - rượu tăng từ mức 55% năm 2015, lên mức 60% vào năm 2017 và tiếp tục tăng lên 65% vào năm 2018. “Việc tăng thuế cao trong thời gian ngắn có nguy cơ gây tổn hại đến thị trường. Người tiêu dùng sẽ khó tiếp cận các sản phẩm chính hãng được bán với giá cao do thuế tiêu thụ đặc biệt tăng và đây chính là cơ hội cho hàng gian, hàng giả với giá cả và chất lượng thấp xâm nhập thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Việt khẳng định. 
Theo VBA, trong năm 2017, không ít DN đã giảm sản lượng hơn 10% so với năm 2016. Điều này đồng nghĩa với việc nộp ngân sách sẽ giảm từ 150 - 200 tỷ đồng. Tỷ lệ tồn kho của ngành đồ uống trong 8 tháng đầu năm 2017 cũng tăng 62% so với cùng kỳ 2016.
Ông Shivam Misra, Chủ tịch Tiểu ban Rượu vang - rượu mạnh EuroCham, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Diageo Việt Nam, chia sẻ những quan ngại liên quan đến việc lật lại hồ sơ kiểm toán hải quan để truy thu thuế các DN nhập khẩu. Ông Shivam Misra cho biết, vừa qua Tổng cục Hải quan tiến hành kiểm toán lại hồ sơ khai báo nhập khẩu và ra quyết định phạt nhiều DN. Chẳng hạn, Diageo Việt Nam bị phạt đến hàng triệu USD vì lỗi kê khai về thủ tục hành chính. Điều đáng nói, việc khai sai không làm giảm mức thuế nhập khẩu mà Diageo Việt Nam phải chịu. Số tiền phạt này phát sinh từ lỗi cộng dồn suốt 3 năm qua.
Theo ông Shivam Misra: “Đây hoàn toàn từ lỗi hành chính, chứ không phải chúng tôi cố tình gian lận thuế. Vì các ô để đánh dấu trong tờ khai thuế không phù hợp với đặc điểm của công ty chúng tôi. Chúng tôi nhập khẩu rượu từ công ty mẹ và có kê khai mối quan hệ đặc biệt giữa công ty mẹ và chúng tôi là nhà phân phối ở trong nước. Nhưng mối quan hệ đó không làm ảnh hưởng đến giá trị tính thuế. Hơn nữa, hàng hóa đã bán hết, nếu bị phạt thuế từ số hàng này sẽ rất khó khăn cho DN”.
Ông Vũ Xuân Hưng, Phó phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM (VCCI-HCM), cho hay theo khảo sát năm 2016 của VCCI, có 41% DN gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế; trong đó, các DN FDI vẫn là nhóm có tỷ lệ gặp phiền hà cao nhất với 51%, kế đến là DN dân doanh 41%. Đối với các DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tỷ lệ có gặp phiền hà là 30%. Kết quả điều tra cũng cho thấy, có hơn 60% DN kiến nghị cần tăng cường công khai, minh bạch các chính sách thuế và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến thuế. 
Liên quan đến việc điều chỉnh liên tục cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm hàng đồ uống, ông Nguyễn Văn Việt nhìn nhận, tại mỗi thời điểm ở mỗi quốc gia, việc ban hành, điều chỉnh các chính sách, dự thảo quản lý mới là cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách cần mang tính ổn định, lâu dài ít nhất trong 10 năm. Mặt khác, mỗi chính sách trước khi đưa ra thực tế cần đánh giá các tác động, công tác quản lý nhà nước nói chung cần bám sát thực tế để tránh ảnh hưởng đến DN. Điều quan trọng, các dự thảo chính sách mới nên tập trung tháo gỡ khó khăn và có sự linh hoạt, tạo điều kiện để DN phát triển hơn là chỉ chú trọng đến việc điều chỉnh thuế trong bối cảnh cơ chế quản lý chưa thực sự phù hợp.