Xây dựng thương hiệu trái cây địa phương

|

Nhận thấy sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhiều tỉnh đã xây dựng mô hình sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để hình thành chuỗi liên kết đến nơi tiêu thụ. \r\n

Trái thanh long được phân loại để xuất khẩu tại một đơn vị
Nhờ vậy, sản phẩm trở thành chủ lực để phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân  và hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Thương hiệu có mặt ở nhiều quốc gia
Không phải lựa chọn trái cây như mọi năm trước, chị Nguyễn Ngọc Nga (quận Tân Phú, TPHCM) hiện đã an tâm khi mua trái cây ở nhiều siêu thị mà không phải lo đến chất lượng. Trước đây, chị Nga còn khá băn khoăn khi không biết có mua đúng trái cây trồng ở tỉnh đó hay không, nhưng nay sản phẩm của tỉnh nào đều được chính quyền địa phương đứng ra quảng cáo thương hiệu và minh bạch tại các hệ thống phân phối. Điển hình như vải thiều Bắc Giang, bưởi da xanh Bến Tre…
Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, vụ mùa vải thiều năm 2018 đạt 215.800 tấn (tăng 124.300 tấn so với năm 2017), tổng giá trị khoảng 5.755 tỷ đồng. Trong đó, sản lượng tiêu thụ trong nước đạt 118.700 tấn, chiếm 55% tổng sản lượng tiêu thụ và lượng vải thiều tươi xuất khẩu cũng đạt 97.100 tấn. Song song đó, vải thiều qua chế biến (vải khô, vải bóc cùi, long vải...) xuất khẩu được 3.300 tấn, tương đương khoảng 9.700 tấn vải tươi. Hiện vải thiều Bắc Giang đã có mặt ở hơn 30 quốc gia, trong số này có những thị trường lớn “khó tính” như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia... 
Ngoài các tỉnh phía Bắc, năm nay có thêm các tỉnh phía Nam bán loại trái cây này thông qua các chợ đầu mối, hệ thống phân phối hiện đại. 
Tương tự, tỉnh Sơn La có 13 chuỗi sản xuất nhãn an toàn với 457ha, sản lượng 4.012 tấn. Trong đó, 2.000 tấn đạt chuẩn VietGAP, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn sông Mã”. Ngoài ra, tỉnh Sơn La cũng xuất khẩu khoảng 500 tấn sang các thị trường Mỹ, Australia, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Tỉnh Hưng Yên cũng có 3 vùng nhãn với diện tích 62ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và có vùng trồng chuyên canh để xuất khẩu sang Mỹ.
Tỉnh Bến Tre có trên 70.000ha diện tích trồng dừa (chiếm 40% diện tích dừa cả nước), trong đó diện tích trồng dừa xiêm xanh gần 8.000ha. Vùng trồng bưởi da xanh có hơn 4.800ha với sản lượng khoảng 57.000 tấn/năm. Hiện các sản phẩm của tỉnh Bến Tre đã có chỉ dẫn địa lý, làm tiền đề hướng đến xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật... Trong khi đó, TP Cần Thơ đang xây dựng vùng chuyên canh trồng cây vú sữa để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Tuyên truyền, định hướng nông dân
Trái vải Sơn La, Hưng Yên được nhiều người biết đến nhờ áp dụng thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel, ứng dụng công nghệ Nano bạc, sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp, quy trình sản xuất an toàn VietGAP. TP Cần Thơ xác định giống chủ lực mang tính bền vững, tránh tình trạng người dân trồng tự phát, không theo định hướng, dẫn đến thiệt hại kinh tế. Từ đó, xây dựng 3 mô hình vú sữa, xoài cát Hòa Lộc và nhãn trình diễn về quản lý vườn sử dụng phân hữu cơ 3.000m2, ứng dụng công nghệ cao để hướng đến xuất khẩu. Nông dân tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ chi phí cắt tỉa, vệ sinh vườn, 30% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, cho hay vải thiều được xuất khẩu qua nhiều nước nhờ thành quả của việc truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là mùa vụ đạt giá trị lớn nhất từ trước đến nay, không lệ thuộc vào bất cứ thị trường nào và được nhiều người tiêu dùng đặt niềm tin. Từ năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã chỉ đạo các cấp, ngành có kế hoạch bài bản, phân công hơn 10 sở ngành (nông nghiệp, công thương, ngân hàng…) vào cuộc quy hoạch vùng trồng phù hợp cho ra trái tốt nhất, hình thành các hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết và ứng dụng khoa học kỹ thuật để chất lượng vượt trội. Để tăng thêm giá trị, tỉnh tiếp tục phát triển thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm gắn với tem truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Một phần, tỉnh phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền, thông tin mùa vụ vải thiều để nông dân có định hướng sản xuất phù hợp và người tiêu dùng biết đến nhiều. Tỉnh Đắk Nông có diện tích và sản lượng trái bơ với diện tích gần 2.600ha, trồng chuyên canh hơn 700ha. Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, tỉnh sẽ áp dụng ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất tập trung theo quy hoạch, xây dựng thương hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý để truy xuất nguồn gốc xuất xứ… Vừa qua, UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển quả bơ tỉnh Đắk Nông với các bên gồm cơ quan hợp tác Chính phủ New Zealand, Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm, Công ty cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao thực hiện 10 hợp phần trong vòng 3 năm với nội dung đưa giống bơ Hass - loại giống mới đang chiếm 80% nhu cầu bơ của thế giới - vào thử nghiệm, đánh giá quy trình để xây dựng giống thuần; tạo dựng chuỗi giá trị sản phẩm và xây dựng nhà máy chế biến dầu bơ. Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức chương trình “Đắk Nông - Mùa bơ chín” năm 2018, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia để hướng đến xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T, nếu địa phương xây dựng vùng nguyên liệu, tạo được thương hiệu vùng miền như nước mắm Phú Quốc được nhiều quốc gia biết đến, là điều mà nhiều doanh nghiệp mong muốn. Vừa qua, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Bắc Giang… đã có truy xuất nguồn gốc nên tạo thêm thuận lợi khi xuất khẩu. Hiện công ty cũng hợp tác làm thương hiệu cho nhiều tỉnh như dừa xiêm, dừa dứa của Bến Tre, sắp tới là nhãn lồng Sơn La.