Vận chuyển, kinh doanh hàng giả diễn biến phức tạp

|

Từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình buôn bán, kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng giả trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp; đặc biệt tại các khu vực giáp ranh, tuyến biên giới... và TPHCM cũng không ngoại lệ khi là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, số lượng hàng hóa lưu thông, tiêu thụ trên thị trường khá lớn.\r\n

Lực lượng QLTT TPHCM kiểm tra một cửa hàng kinh doanh có dấu hiệu vi phạm

Lợi dụng kẽ hở luật pháp, cộng với lợi nhuận khủng từ gian lận thương mại đem lại, những trùm buôn lậu ngày càng có nhiều chiêu trò đối phó với lực lượng chức năng chuyên trách.

Tràn lan hàng nhái, giả mạo

Việc kinh doanh, buôn bán sản phẩm giả mạo thương hiệu trên thị trường hiện trở nên rất đỗi bình thường, công khai. “Các điểm bán ở trung tâm quận 1, 3, khu vực có đông đảo du khách trong nước và quốc tế ghé thăm tại TPHCM được xem là các điểm siêu lời”, một người bán có hàng nhiều năm kinh nghiệm ở quận 1 chia sẻ. Quả thực, chỉ cần rảo một vòng các cửa hàng, trung tâm kinh doanh từ các quận huyện vùng ven đến nội thành TP đều dễ dàng nhận thấy điều này. Vào cửa hàng chuyên kinh doanh mắt kính thời trang, đồng hồ đeo tay trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Trường Chinh (quận Tân Bình)… đều có bán những thương hiệu như Chanel, Hermes, Gucci, Dior, Rolex, Omega với giá chỉ vài trăm ngàn đồng/chiếc. Chưa kể, sản phẩm còn kèm theo phiếu bảo hành, mã code quốc tế. 

Thực sự, không cần nói cũng biết hàng ở đâu, vì sao giá rẻ. Tới mức chính người bán chia sẻ thẳng rằng, hàng này đều từ các tỉnh phía Bắc nước ta (đi đường tiểu ngạch từ Quảng Châu - Trung Quốc), sau đó vận chuyển vào tiêu thụ ở khu vực phía Nam. Tất nhiên, nếu khách có yêu cầu xuất hóa đơn giá trị gia tăng, bên bán đều có thể đáp ứng nhưng hẹn khách đợi từ 2 - 3 ngày để cửa hàng đi lấy hóa đơn chỗ khác về (?!). Anh Nguyễn Minh Tấn, chủ một cửa hàng bán mắt kính thời trang (quận 3, TPHCM), cho biết nếu trực tiếp qua cửa khẩu bên Trung Quốc để đánh hàng về sẽ có mức giá rất rẻ và lợi nhuận cao. Khi gầy dựng được mối quen biết với bạn hàng bên đó, nếu bận không qua được, chỉ cần ở Việt Nam gọi điện sang sẽ có người giao hàng đến tận nơi. Do vậy mới có chuyện cùng một sản phẩm quần áo thời trang, nhưng giá bán ở shop trên đường Ba Tháng Hai (quận 10) dao động từ 500.000 - 600.000 đồng/sản phẩm, còn bán qua online giá chỉ từ 150.000 - 200.000/sản phẩm. Anh Nguyễn Minh Tấn phân tích, chi phí mặt bằng, trả công nhân viên đã “ăn” vào giá bán nên bán hàng trực tuyến có lời hơn nhiều. Ngoài ra, một số cán bộ quản lý thị trường cũng nhìn nhận rằng, việc kiểm tra các cửa hàng online rất khó khăn vì nhiều nơi né đóng thuế, tránh cơ quan chuyên trách kiểm tra, do vậy họ không để hàng hóa nhiều. Chỉ khi nào khách đặt hàng, chuyển tiền họ mới đi lấy hàng ở kho hoặc chỗ người quen rồi giao cho khách.

Thống kê từ Ban chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), từ đầu năm 2018 đến nay, các đơn vị chuyên trách trên cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 88.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách trên 7.400 tỷ đồng, tạm giữ 889 đối tượng vi phạm… Riêng đối với ngành hải quan, theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2018 tới nay đã khởi tố 30 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 51 vụ (tăng 34,21% so với cùng kỳ 2017), thu nộp ngân sách gần 116 tỷ đồng…

Siết chặt kỷ cương

Chính vì lợi nhuận lớn nên các đối tượng buôn lậu thường rất manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi phát hiện lực lượng chức năng đeo bám, kiểm tra… Chẳng hạn trường hợp nhẹ thì các đối tượng chửi bới, đẩy đuổi, không hợp tác; còn nghiêm trọng hơn, những đối tượng này sẵn sàng tấn công trực diện, đe dọa tính mạng của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Về vấn đề này, một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM tâm sự đó là chuyện… thường ngày. Chưa kể, có những đối tượng còn thường xuyên đeo bám trước trụ sở QLTT TP để xem khi nào họ ra quân kiểm tra; từ đó thông báo đến những điểm bán hàng sai phạm nhanh chóng tẩu tán hàng, gây khó cho lực lượng chức năng. Cách nay vài tuần, 2 chiến sĩ đồn biên phòng tỉnh Nghệ An đã bị thương nặng (các đối tượng dùng súng chống trả) trong quá trình vây bắt các đối tượng vận chuyển 20 bánh heroin từ Lào về Việt Nam. Hoặc như vụ chặn bắt thuốc lá nhập lậu diễn ra tại tỉnh Bình Dương, khiến 6 chiến sĩ công an bị thương do các đối tượng liều lĩnh tông thẳng ô tô vào các chiến sĩ. Từ thực tế trên cho thấy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng vi phạm cực kỳ manh động, liều lĩnh, sẵn sàng “tử thủ”… Qua thống kê sơ bộ từ cơ quan chuyên trách cho thấy, những tuyến biên giới cửa khẩu đường bộ, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh thành diễn ra thường xuyên các vụ buôn lậu, vận chuyển ma túy, pháo, tiền giả, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Nhiều trùm buôn lậu thuê người dân mang vác hàng qua các tuyến đường mòn, đường thủy… rồi dùng xe máy, xe tải nhỏ chuyển hàng lậu đem cất giấu trong nhà dân, sau đó mới phân tán nhỏ lẻ đưa tiêu thụ tại các cửa hàng, trung tâm thương mại… Gần đây, các cửa khẩu hàng không quốc tế (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng…) liên tiếp phát hiện nhiều loại hàng hóa vi phạm có giá trị kinh tế cao như vàng, xì gà, sản phẩm động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng… Thêm nữa, những tuyến đường biển trọng điểm của TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TPHCM, vùng biển Đông Bắc và miền Trung… cũng là những “điểm nóng” về hàng lậu, hàng giả. 

Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục Phó Chi cục QLTT TPHCM, cho biết đơn vị thường xuyên phối hợp với lực lượng chuyên trách tăng cường đấu tranh, kịp thời phát hiện các thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, QLTT TP cũng tăng cường tuyên truyền đến người dân, tiểu thương không tiếp tay cho buôn lậu, tích cực tố giác tội phạm… Tương tự, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng thông tin, Hải quan TP công khai địa chỉ hộp thư, đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; cũng như siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tránh tình trạng bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại.

Tạm giữ nhiều mặt hàng trôi nổi

Chi cục QLTT TPHCM cho biết, đơn vị vừa liên tiếp phát hiện, tạm giữ hàng chục tấn hàng trôi nổi các loại trên thị trường, bao gồm thực phẩm, hàng thời trang, nước giải khát các loại.

Cụ thể, QLTT TP tạm giữ hơn 6,5 tấn đường cát, hạt mè, đậu nành; trên 65.000 đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, đồng hồ đeo tay, thiết bị điện, đồ chơi trẻ em... Trong số quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ bị tạm giữ, nhiều mặt hàng giả thương hiệu Adidas, Nike, Chanel, Hermes, Gucci, Dior, Rolex, Omega, Chopard, Casio... Phần lớn vi phạm liên quan đến hàng không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt, hàng hóa không ghi nhãn đầy đủ theo nội dung bắt buộc… Đối với các mặt hàng thực phẩm, lỗi vi phạm gồm không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hạn, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động…