Để nông sản Đồng Tháp được giá

|

Hiện nay, nhiều nông sản của tỉnh Đồng Tháp đã bắt đầu thực hiện truy xuất nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, góp phần ổn định đầu ra và hướng đến xuất khẩu.\r\n

Sản phẩm của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có truy xuất nguồn gốc để tăng giá trị sản phẩm

Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) thành lập từ năm 2011 chỉ với 25 thành viên, đến nay đã có 102 thành viên và diện tích canh tác đạt 90ha; ngoài ra, HTX còn liên kết với nhiều tổ hợp tác khác để nâng tổng diện tích sản xuất lên 1.000ha. Hiện HTX đang cung cấp xoài cho một số doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản với 20 tấn/mùa vụ, Nga 15 tấn/mùa vụ và Australia 20 tấn/mùa vụ. Dự kiến, cuối năm nay sẽ xuất xoài qua thị trường Mỹ.

Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương cho hay, từ khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã có kênh tiêu thụ riêng, cung cấp vào chuỗi nông sản an toàn ở TP Hà Nội, TPHCM. Tuy nhiên, số lượng vào các chuỗi này vẫn còn nhỏ do sản lượng không ổn định. HTX đã xây dựng trang mạng www.xoaicaolanh.com.vn để quảng bá sản phẩm cũng như đang mở rộng sản xuất xoài hữu cơ.

Nông dân Huỳnh Trung Dũng (xã Mỹ Sơn, TP Cao Lãnh) cho hay: “Toàn bộ vườn xoài tôi trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng chỉ bán được cho HTX xoài Mỹ Xương có giá cao, còn ra chợ hoặc vựa thì giá thu mua thấp hơn. Từ khi HTX xây dựng truy xuất nguồn gốc, lập trang mạng thì sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến, cả nông dân sản xuất”. 

Tại HTX nhãn nông sản an toàn An Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), giám đốc Chung Hoàng Hà cho hay, HTX có hơn 120ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, mỗi ngày cung cấp vào các chợ đầu mối khoảng 2 tấn. Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đang phối hợp với HTX thí điểm mô hình truy xuất nguồn gốc để được các chợ đầu mối và siêu thị ở TPHCM tiếp nhận. Nếu thành công, sản phẩm của HTX sẽ ngày càng mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho nông dân. 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, từ nay đến năm 2020,  tỉnh sẽ xây dựng vùng nguyên liệu nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc nhằm tăng thu nhập cho nông dân, tránh “được mùa mất giá” và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Hiện UBND tỉnh Đồng Tháp đã chọn một số sản phẩm chủ lực để xây dựng vùng nguyên liệu như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, cá rô phi Cao Lãnh, trứng vịt và lúa ở các huyện Tháp Mười, Tam Nông, Thanh Bình. Đối với ngành hàng cá tra, tiếp tục bổ sung quy hoạch, rà soát cấp mới mã số nhận diện vùng nuôi. Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các HTX, tổ hợp tác sản xuất các mặt hàng chủ lực. Vận động các hộ sản xuất nhỏ lẻ tham gia vào tổ hợp tác, HTX để đủ năng lực ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt… nhằm kết nối, hợp tác với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ổn định.