Tăng kết nối, tạo sức bật cung ứng hàng hóa dịch vụ

|

Tại lễ công bố giải thưởng “Thương hiệu vàng TPHCM” mới đây do Sở Công thương TPHCM tổ chức, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh, thành phố mong DN tiếp tục nâng cao nhận thức, tầm quan trọng về việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm - thương hiệu Việt mà DN đang nuôi dưỡng trong tiến trình phát triển thành phố, giúp thành phố luôn là đầu tàu kinh tế của nước ta.\r\n

Du khách trải nghiệm làm phi công trên buồng lái giả định máy bay Airbus A320 do Vietravel tổ chức

Một số chuyên gia du lịch ở TPHCM chỉ ra rằng, các trung tâm thương mại, mua sắm, siêu thị… sẵn có trên địa bàn thành phố luôn thu hút lượng khách đáng kể vào các dịp cuối tuần, lễ tết. Tuy vậy, nếu muốn khai thác các dòng khách chi tiêu cao, khách chuyên biệt, thì câu chuyện ở đây cần được tính toán kỹ hơn. Điều dễ thấy, vào những đợt cao điểm, hàng loạt trung tâm thương mại, siêu thị... đều có chương trình khuyến mãi “khủng” để thu hút khách. Mức giảm giá từ 10%-50%, tùy loại hàng. Tương tự, ngành du lịch cũng có các khuyến mãi, kích cầu liên tục hỗ trợ khách hàng, khuyến khích “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”… Do vậy, ngành du lịch chỉ cần ngồi lại tính toán đôi chút, cùng ngành công thương lồng ghép các hoạt động trên để kích hoạt đồng loạt chương trình khuyến mãi sẽ khiến khách hàng quan tâm nhiều hơn. “Ghé trung tâm thương mại mua quần áo, giày dép, sau đó tạt qua một điểm bán tour để đặt chuyến du lịch yêu thích. Thấy cũng tiện lợi và thú vị hơn hẳn so với ở nhà lướt mạng internet để đặt hàng”, chị Nguyễn Thủy Ngọc, 30 tuổi, ngụ tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TPHCM) gợi ý.

Theo bà Nguyễn Tú Trang, ngụ tại quận 2 (TPHCM), chuyên kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, truyền thông, thì càng đi nhiều nơi càng thấy đất nước Việt Nam tươi đẹp, đặc sản phong phú, nhưng cũng có điểm hạn chế chính là bà con chưa biết cách khai thác, quảng bá sản phẩm. Ví dụ, trong một tour du lịch khởi hành từ TPHCM đi Cần Đước (Long An), bà Tú Trang ngạc nhiên về các loại đặc sản địa phương vùng đất này như gạo nàng thơm Chợ Đào, lạp xưởng tươi chua ngọt… Hoặc như, khi ghé các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, những món đặc sản nơi đây gồm bê chao Mộc Châu, lạp xưởng hun khói, xôi ngũ sắc, cốm Tú Lệ, cháo ấu tẩu, nem chua Đại Từ (Thái Nguyên)… vô cùng hấp dẫn khách phương xa. Lần lượt thưởng thức các món ăn từng vùng miền, đồng thời tìm hiểu thêm về lịch sử ra đời các sản phẩm ấy, bà Trang phát hiện ra rằng, nếu truyền tải vào đó câu chuyện để khách được nghe trước khi ăn sẽ rất hấp dẫn.

Vừa qua, có dịp trao đổi nhanh với báo chí, bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nhìn nhận, những đặc sản của các vùng miền trên cả nước đều có thể tìm mua ở TPHCM. “Thành phố chúng ta hội tụ nhiều món ăn đặc sắc, tinh túy khắp các tỉnh thành. Nên ngành du lịch thành phố cũng sẽ khai thác thế mạnh này vào phát triển hoạt động du lịch”, bà Võ Thị Ngọc Thúy cho biết. Bên cạnh đó, Sở Công thương và Sở Du lịch TPHCM cũng khẳng định hai đơn vị này sẽ hợp tác chặt chẽ hơn, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đặc sản của các địa phương đến người dân TPHCM trong thời gian tới.

* Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM: 

Ngành kinh tế tổng hợp (du lịch) TPHCM sẽ có sức bật mạnh mẽ hơn trong thời gian tới nếu có sự kết nối chặt chẽ liên ngành, liên vùng. Chẳng hạn, lồng ghép các chương trình kích cầu mua sắm của Sở Công thương TPHCM với loạt chiến dịch khuyến mãi từ các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn thành phố…