Cơ hội phát triển vật tư nông nghiệp trong nước

|

Thời gian qua, giá nguyên liệu nông nghiệp nhập khẩu tăng cao đã làm cho giá thị trường sản phẩm nông nghiệp tăng; nhiều sản phẩm thậm chí phải bù lỗ. Theo các chuyên gia, đây cũng là cơ hội để phát triển nguồn nguyên liệu Việt Nam, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.\r\n

Sản phẩm nhập khẩu tăng

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, giá nguồn gỗ nhập khẩu tăng 20%-25%; giá nguyên liệu phụ trợ như keo, sơn, giấy… cũng tăng 10%-20% so với năm 2020. Điều này đã khiến giá thành sản phẩm đội lên cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất.

Bà Lê Thị Xuyến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An (Bình Dương), cho biết, mỗi lần giá tăng, công ty phải điều chỉnh giá liên tục phù hợp với giá thành sản xuất. Phần lớn nguyên liệu sản xuất sản phẩm từ gỗ phải nhập khẩu từ nước ngoài. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều nước như Mỹ, châu Âu phải giãn cách xã hội, tạm thời ngưng khai thác, sản xuất chế biến.

Từ đó, nguồn nguyên liệu dần cạn kiệt. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm gỗ tăng, khâu vận chuyển logistics cũng tăng cao. Mặt khác, những đơn hàng của nước ngoài thường sản xuất theo đúng hợp đồng là nguyên liệu bề mặt, ngoài sản phẩm bắt buộc là gỗ thông, gỗ sồi, bên trong chủ yếu là gỗ tràm, gỗ cao su của Việt Nam.

Không chỉ ngành gỗ mà nhiều vật tư nông nghiệp nhập khẩu đều tăng giá cao như phân bón, thức ăn chăn nuôi. Đại diện một công ty chăn nuôi ở Đồng Nai chia sẻ, sau tết, giá thức ăn gà tăng hơn 2.000 đồng/kg, nên giá thành hiện khoảng 11.000 đồng/kg trong khi giá thịt gà bán ra khoảng 20.000 đồng/kg. Các chế phẩm của thú y cũng tăng.

Trong năm 2020, giá gà trong nước đã giảm, không thể cạnh tranh với gà nhập khẩu nên công ty phải giảm hơn 40% số lượng đàn gà; thay vào đó nuôi thêm heo để bù lỗ chi phí. Nếu tình hình tiếp tục không khả quan, công ty sẽ giảm thêm 20% tổng đàn gà để duy trì hoạt động. Theo HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (TPHCM), khoảng 6 tháng qua, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 5 lần, tổng cộng tăng hơn 20%. Nguyên nhân, thức ăn chăn nuôi chủ yếu nhập khẩu.

Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An (Bình Dương) chuyên sản xuất gỗ cao su

Tương tự, 3 tháng đầu năm, tình trạng giá phân bón tăng cao và xuất hiện sự thiếu hụt cục bộ. Giá phân bón tăng do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào. So với cuối năm 2020, giá phân bón DAP xuất khẩu và DAP nội địa đã tăng chóng mặt. So với DAP, phân bón urea tăng chậm hơn do nhiều yếu tố, nhờ sự tích cực kiềm chế từ các DN sản xuất.

Ghi nhận đầu tháng 3-2021 tại các đại lý phân bón Cà Mau tại khu vực phía Nam, phân đạm urea đang được nhà máy chào bán với giá 8.500 đồng/kg, thấp hơn so với khu vực và thế giới, nhưng đã tăng khoảng 20% so với cuối năm 2020.

Cơ hội xây dựng thương hiệu Việt

Theo Công ty Phân bón Cà Mau, góp phần bình ổn thị trường phân bón, trong vụ hè thu năm 2021, công ty dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 190.000-230.000 tấn phân bón, đáp ứng đủ nhu cầu bà con các tỉnh miền Nam.

Song song với những nỗ lực của bộ phận sản xuất, công ty đã chủ động tạm dời lịch giao hàng của các đơn hàng xuất khẩu đi các nước để ưu tiên phân phối phân bón tại thị trường nội địa. Ngoài ra, công ty nghiên cứu để cải tiến và cho ra mắt các dòng sản phẩm mới, giúp cây phát triển tốt, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, tăng năng suất. 

Theo ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón nhập khẩu tăng là do những nước sản xuất nguyên liệu tạm thời giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Nhiều nước nông nghiệp trở lại sản xuất đã tăng nhập khẩu phân bón. Mặt khác, do phải tuân thủ hợp đồng đã ký, nhiều công ty trong nước sản xuất phân bón phải xuất khẩu, khiến sản lượng trong nước bị thiếu hụt.

Do đó, Bộ NN-PTNT cần tham gia quản lý, đưa ra nhận định sản lượng phân bón cả nước cần tiêu thụ; Bộ Công thương cần có kế hoạch nhập khẩu, tiêu thụ phân bón trên cả nước, hướng đến điều tiết thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhận định, sản lượng thiếu là do một số công ty nước ngoài đã thu gom, đầu cơ, dự trữ nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên giá thức ăn chăn nuôi tăng cao là khó tránh khỏi. Từ đây đến cuối năm, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng.

Do đó, các DN cần điều chỉnh giá bán, quy mô sản xuất cho phù hợp. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước đang phát triển, Nhà nước cần lên kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đơn cử, có thể phát triển mô hình trồng bắp hoặc sản xuất thức ăn chăn nuôi từ những phụ phẩm trong chế biến thủy sản.

Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, hiện nay, các đơn hàng nước ngoài chủ yếu là gia công theo hợp đồng đã ký kết, nhiều nước chỉ yêu cầu sản xuất những loại gỗ theo đơn hàng. Có thể thấy, đây là cơ hội tốt để ngành sản xuất gỗ Việt Nam phát triển. Hiện nay, gỗ tràm, gỗ cao su của Việt Nam đạt chất lượng rất tốt, có thể thay thế gỗ thông, gỗ sồi và nguồn hàng dồi dào. Bên cạnh đó, gỗ Việt Nam có giá thành thấp hơn, đỡ chi phí vận chuyển. Do đó, các DN cần phối hợp với Nhà nước để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các mẫu mã sản xuất bằng gỗ Việt Nam để các nước nhập khẩu biết đến, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ.