Dự báo sai dân số, gây khó quy hoạch đô thị

|

\r\n

Dân số là nền tảng của đất nước, tất cả việc hoạch định chiến lược, đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội… đều dựa trên cơ sở này. Nếu dự báo được dài hơi về dân số, chúng ta sẽ có ứng xử tốt với đô thị, tầm nhìn cho hàng trăm năm sau.
\r\n

\r\n
\r\n\r\n

Những dự án nhà cao tầng xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất góp phần làm gia tăng kẹt xe tại khu vực này

Lạc hậu ngay từ khi công bố

Tuần qua, Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam đã công bố “Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Đây là cơ sở xây dựng đô thị cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, bên cạnh sự hồ hởi bước đầu, có người nhận định về dự báo dân số đã bị lạc hậu!

Khởi đầu, Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008, trở nên “lỗi thời” vì không theo kịp sự phát triển quá nhanh với nhiều biến đổi phức tạp như tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, ngập lụt; các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng đối với khu vực… Đối với đồ án điều chỉnh quy hoạch mới, vùng TPHCM vẫn có 8 địa phương, gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Long An, Tây Ninh và Tiền Giang. Khu vực này ôm trọn “trái tim” của phía Nam: chiếm 41,8% GDP cả nước, chiếm hơn 50% tổng thu ngân sách quốc gia; trong đó TPHCM là đô thị đặc biệt, là hạt nhân với bình quân thu nhập đầu người gần 4.000 USD/năm. Ở đây chúng tôi tập trung vào góc nhìn dân số.

Theo quy mô dân số của quy hoạch phê duyệt vào năm 2008, dân số vùng TPHCM đến năm 2020 khoảng 20 - 22 triệu người; nay dân số được điều chỉnh đến năm 2030 là 24 - 25 triệu người. Như vậy, so với dự báo ban đầu và kể cả “điều chỉnh quy hoạch” thì chỉ tiêu dân số đều lạc hậu vì chỉ tính riêng dân số của TPHCM hiện nay đã 13 triệu dân; dân số của 7 địa phương còn lại khoảng 11 triệu người, tổng cộng dân số của 8 địa phương là 24,5 triệu người, tức bằng con số dự báo của 13 năm tới. Nên nhớ rằng, đây là vùng kinh tế động lực phía Nam, hàng loạt hạ tầng như metro, cao tốc đang xây dựng, kinh tế phát triển mạnh mẽ, là thỏi nam châm thu hút đầu tư cực mạnh của đất nước và chắc chắn nhiều chục năm sau vẫn chưa có một vùng nào khác để thay thế. Kinh tế tăng tốc kết hợp với tăng dân số cơ học là quy luật.

Bài học của TPHCM

Căn bệnh lớn nhất của TPHCM là quá tải. Cụm từ quá tải trải dài trong các lĩnh vực từ giao thông, môi trường, ngập nước, trường học, y tế… Tất cả đều xuất phát từ việc dân số tăng cơ học một cách nhanh chóng.

Năm 2010, Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025, dân số khoảng 10 triệu người, vãng lai và tạm trú 2,5 triệu người. Tuy nhiên, chỉ tính riêng dân số chính thức được Công an TPHCM công bố vào năm 2016 là 13 triệu người, tức bằng dự báo của 10 năm tới! Một số quận - huyện, dân số cũng đi trước dự báo như quận Bình Thạnh đạt 560.000 người, trong khi quy hoạch thì con số này phải đến năm 2020; quận 12 dân số đã lên đến 500.000 người, trong khi chỉ tiêu này là của năm 2020; điều tương tự cũng xảy ra tại các quận - huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh như Bình Chánh, Thủ Đức, quận 7…

Trong thời gian vừa qua, khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất nổi lên vì quá tải, kẹt xe cả trong lẫn ngoài. Điều này cũng xuất phát từ dự báo sai lệch: theo quy hoạch đến năm 2025, công suất của sân bay đạt khoảng 20 triệu hành khách/năm, nhưng năm 2014 đã đạt 22 triệu hành khách, sang năm 2016 lượng hành khách qua cảng là 32,6 triệu người…

Tất cả dự báo không đúng đã dẫn đến việc hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội không được đầu tư tương xứng. Theo quy hoạch đến năm 2020, xây mới và cải tạo 6.000km hệ thống thoát nước, thì đến nay TP chỉ thực hiện được 2.593m; kế hoạch xây dựng 104 hồ điều tiết, hiện chỉ đang triển khai xây dựng 3 hồ; hoặc chỉ cải tạo được 60,3km trên tổng số 4.369km kênh rạch; còn 12 nhà máy nước thải, hiện TP mới xây dựng được duy nhất Nhà máy nước thải Bình Hưng giai đoạn 1 trên tổng thể 3 giai đoạn. Đối với giao thông cũng thế, xây dựng hệ thống đường sắt đô thị có tổng chiều dài 229,1km, bao gồm 8 tuyến tàu điện ngầm xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính… thì đến nay chỉ mới có một tuyến metro đang xây dựng và rơi vào tình trạng loay hoay về vốn!

Từ câu chuyện của TPHCM cho thấy, sự lo lắng về dự báo dân số là có cơ sở. Việc dự báo sai sẽ dẫn đến lạc hậu về hoạch định chính sách, từ đó sẽ lạc hậu “dây chuyền” như đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế… và làm chậm đi rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho vùng TPHCM.