Vũng rốn Nhà Bè

|

Nhiều năm qua, mỗi khi triều lên là vùng trũng sâu ở huyện Nhà Bè (TPHCM) ngập chìm trong nước. Những con đường trong huyện, đặc biệt là tuyến đường chính Lê Văn Lương, nhiều đoạn ngập lút sâu, đường biến thành sông, mênh mông biển nước. Tình trạng này đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân trong khu vực mưu sinh, đi lại, học hành…

Đơn cử, đường Lê Văn Lương, đoạn từ cầu Long Kiểng đến đường Nguyễn Bình, khi triều lên nước ngập 0,7m. Lúc đó, các phương tiện giao thông gần như tê liệt, trong khi đề án nâng trục đường chính đến nay vẫn chưa động tĩnh. Tất nhiên, đường chính ngập sâu thì các nhánh đường xương cá bên trong ngập càng nặng hơn. Điều đáng nói, trước việc ngập như vậy, lẽ ra cần có giải pháp ứng phó với triều cường trong việc xây dựng chỉnh trang đô thị, đằng này lại không thấy. Đi sâu vào con hẻm 1491 Lê Văn Lương là hàng trăm - hàng ngàn căn nhà “ba chung”, hoặc phân lô với những căn nhà có diện tích 40 - 50m² nảy nở không ngừng. Từ khu đất trũng lầy được san lấp, đường sá kéo dài hoặc đâm ngang, tùy theo vị trí thửa đất được san lấp; rồi tráng lên lớp nhựa hoặc bê tông. Nhà xây lên, chẳng mấy chốc trở thành khu dân cư sầm uất. Thế rồi triều lên, ngập cả khu vực, khi ngập sâu lại ngồi bó gối nhìn “phố bỗng là sông uốn quanh”!

Hiện nay, TPHCM đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp chống ngập; trong đó có việc xây cống ngăn triều, hứa hẹn sẽ giải quyết căn bản tình trạng nước ngập. Nạo vét kênh rạch, giải tỏa việc lấn chiếm dòng chảy cũng là giải pháp quan trọng để tăng tiết diện thoát nước. Tuy nhiên, để sống chung với ngập nước, cần triển khai cùng lúc nhiều giải pháp mang tính tổng thể. Đối với vùng trũng ngập sâu, TP nên tính toán có cốt nền mới dựa trên đỉnh triều mới và mang tính dự báo cho nhiều chục năm sau. Từ đó, sẽ áp vào các dự án nhà ở mới, đường sá những khu vực chính, chỉnh trang đô thị, kể cả tách thửa và cấp phép xây dựng mới. Có như vậy sẽ tính được lâu dài cho mai sau, tránh tình trạng nước ngập thì nâng đường, lặp đi lặp lại như lâu nay đã làm.