Năm 2024, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục được ghi nhận tốc độ tăng trưởng trên 20% và khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế số.
Thương mại điện tử tiếp tục tốc độ tăng trưởng
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển đầy tự hào và khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm.
Tính riêng năm 2023, quy mô thương mại điện tử đã đạt 20,5 tỷ USD, quy mô kinh tế số đạt 30 tỷ USD, nằm trong Top 3 Đông Nam Á và dự kiến đạt 45 tỷ USD vào năm 2025. Năm 2024, thương mại điện tử giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) đã đạt hơn 20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao (18-20%). Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường sẽ vượt mốc 25 tỷ USD,
Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ lưu thông hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ngoài ra, sự xuất hiện của 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đã cho thấy sự sôi động của các sàn thương mại điện tử cũng như tính hấp dẫn của thị trường này. Những sàn thương mại điện tử lớn có thể kể tới như: Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple...
Đánh giá về thị trường thương mại điện tử Việt Nam, các chuyên gia nhận định, thị trường vẫn đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều xu hướng mua sắm mới bên cạnh các chương trình kích cầu mua sắm được đưa ra sẽ tạo cho thị trường thương mại điện tử càng trở lên canh tranh gay gắt hơn.
Thương mại điện tử khẳng định vai trò của nền kinh tế số
Theo Bộ Công Thương, quy mô nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 36 tỷ USD trong năm 2024, tăng 16% so với năm 2023. Trong đó, thương mại điện tử đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2023 và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế số. Trong khi đó, báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google - Temasek dự báo, đến năm 2030, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng trung bình hơn 19% mỗi năm và đạt 63 tỷ USD, vượt Thái Lan và đứng thứ hai khu vực, sau Indonesia. Những kết quả này cho thấy, thương mại điện tử ngày càng khẳng định rõ vai trò là trụ cột của nền kinh tế số và là động lực phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia nhận định, Việt Nam với dân số đông, tỷ lệ sử dụng internet cao, lưu lượng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam gia tăng nhanh, nếu các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu thế vượt trội này của thương mại điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số và đón đầu xu hướng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Thương mại điện tử là một trong những công cụ trực tuyến mạnh mẽ có thể giúp doanh nghiệp phát triển và mở rộng quy mô ra toàn cầu. Tuy nhiên theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn khi tham gia thị trường thương mại điện tử như: Hạn chế về hạ tầng và công nghệ với chi phí đầu tư cao; chưa tối ưu hóa công nghệ do chưa tận dụng được công nghệ hỗ trợ, phân tích dữ liệu hay hệ thống quản lý khách hàng; thiếu nguồn nhân lực có trình độ công nghệ và tiếp thị số.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhận định, với đà tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2024 và các năm tiếp theo, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đây cũng chính là thời điểm để xây dựng những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp, tổ chức trong bối cảnh mới.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã giao Trung tâm Phát triển thương mại điện tử nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex) và đưa ra các giải pháp cụ thể hướng tới hiện thực hóa định hướng của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đưa các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tổ chức các chương trình đạo tạo thương mại điện tử xuyên biên giới giúp nâng cao năng lực, phổ biến các quy định, thủ tục và kiến thực mới cho doanh nghiệp; triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu khai báo C/O (ecosys.gov.vn) mẫu Vsign và Dịch vụ hỗ trợ khai báo xuất xứ hàng hóa; triển khai các giải pháp, chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới; tổ chức chương trình liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử; xây dựng, triển khai sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh/thành (sanviet.vn) tạo nền tảng số trong cung cấp hàng hóa, kết nối dịch vụ, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu bán lẻ trực tuyến tập trung xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương./.
PV