Bắc Kạn – Nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi 2021-2025

|

Bắc Kạn – Nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi 2021-2025

Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Bắc có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, thông qua các cơ chế, chính sách về dân tộc, đặc biệt là việc triển khai đồng bộ hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã tạo động lực để bà con từng bước vươn lên, phát triển kinh tế, giúp thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Tỉnh.
 
Giai đoạn 2021-2025, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nói chung, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nói riêng, UBND Tỉnh đã Ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 2,5% - 3%/năm; phấn đấu trên 40% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Trên 80% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đạt cấp 6 trở lên; 80% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Trên 98,5% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp... Trong năm 2023, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giảm 3,5% tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS; đồng thời đưa 12 xã và 11 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

 
Bắc Kạn là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống

Để đạt được mục tiêu trên, theo kế hoạch, trong năm 2023 tỉnh Bắc Kạn bố trí nguồn vốn hơn 810 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư trên 416 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 396 tỷ đồng) thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ nguồn vốn được cấp, Tỉnh phân bổ về các địa phương để triển khai xuống cơ sở. Với quan điểm tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn vùng DTTS Bắc Kạn đã đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Bên cạnh đó, Tỉnh tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, vùng đồng bào DTTS đồng bộ; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Ngay từ đầu năm 2023, để triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Tỉnh đã tích cực rà soát đối tượng thụ hưởng, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con; thi công các gói thầu dự án bố trí, ổn định dân cư tại những nơi cần thiết. Đến nay một số Dự án thuộc Chương trình cơ bản đã được triển khai kịp thời theo kế hoạch và bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng; tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS ở các khu vực khó khăn có điều kiện phấn đấu vươn lên phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống, góp phần tích cực cho công tác xoá đói, giảm nghèo bền vững.

 
Nhờ triển khai tốt các chương trình phát triển kinh tế, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn đã có nhiều khởi sắc

Theo báo cáo, hiện Tỉnh đã tổ chức thẩm định, giải ngân các tiểu dự án về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ tại các xã Bằng Thành (Pác Nặm), Hiệp Lực và Thuần Mang (Ngân Sơn)… Khảo sát, chuẩn bị đầu tư xây dựng, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho trạm y tế các xã Côn Minh, Văn Lang, Kim Hỷ (Na Rì) và Trạm Y tế xã Sỹ Bình (Bạch Thông). Thi công kiên cố hóa một số tuyến đường giao thông đến trung tâm xã tại 7 huyện trong Tỉnh.

Ngành chức năng của địa phương hiện cũng đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu, giao mặt bằng để khởi công các công trình với mục tiêu phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các địa phương, gồm: Trường PTDT Nội trú Pác Nặm, Trường PTDT bán trú tiểu học Công Bằng. Các công trình như Trường Nội trú Chợ Đồn, Trường PTDT Nội trú Bắc Kạn, Trường PTDT nội trú Na Rì, TH&THCS Kim Hỷ, TH&THCS Lạng San, Trường TH&THCS Nhạn Môn đang trong giai đoạn thẩm định, thẩm định thiết kế xây dựng…

Song song với đó, tại Tiểu dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững” (thuộc Dự án 4, Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững), năm 2023, Tỉnh đã phân bổ kinh phí hơn 8.198 triệu đồng, với mục tiêu phấn đấu giải quyết chiều thiếu hụt về việc làm; mục tiêu giải quyết việc làm cho 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; tối thiểu 500 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công. Theo đó, Kế hoạch triển khai Tiểu dự án với các nội dung cụ thể như: Xây dựng dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng cơ sở dữ liệu; cập nhật dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; hỗ trợ giao dịch việc làm; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, UBND Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo; chú trọng tuyên truyền cho người dân sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trung tâm Dịch vụ việc làm Tỉnh và các cơ quan liên quan đã tổ chức các lớp dạy nghề, phát triển đa dạng hình thức giao dịch việc làm, tổ chức hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin thị trường lao động; tổ chức phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm để định hướng nghề nghiệp, giúp người lao động, nhất là lao động nghèo có thêm cơ hội tiếp cận công việc phù hợp với khả năng của bản thân, tạo thu nhập cho gia đình, từ đó góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương…

Bên cạnh việc quan tâm phát triển giáo dục đào tạo và tạo việc làm, Tỉnh cũng chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tập trung mở các tuyến đường lâm nghiệp, xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung, phát triển đa dạng hàng hóa nông sản… Trong năm 2022, Tỉnh đã thực hiện đầu tư, xây dựng 249 công trình hạ tầng thiết yếu. Trong đó có 114 công trình giao thông nông thôn, 2 công trình cấp điện, 71 công trình trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 công trình lớp học, 43 công trình thủy lợi, 8 công trình khác, 7 công trình đường giao thông liên xã và thực hiện duy tu bảo dưỡng 91 công trình trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, Tỉnh đang xây dựng và nhân rộng mô hình hộ gia đình tự vươn lên thoát nghèo, tạo việc làm ổn định, bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ y tế, dạy nghề cho các hộ nghèo, nhất là các hộ nghèo là đồng bào DTTS ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Theo thống kê đến nay, toàn Tỉnh đã có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 97,3% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 98,5% số hộ ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã được phủ sóng điện thoại di động, tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 95,4%, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 96,3%...

 

Với nguồn vốn được hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo

Nhằm đảm bảo nguồn vốn trong sản xuất, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai hiệu quả Nghị định 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Tỉnh đã chủ động triển khai cho vay để hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng lao động là người DTTS thuộc đối tượng vay vốn. Đến 31/7/2023, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện giải ngân cho vay trên 42 tỉ đồng với 848 lượt hộ được vay vốn. Nguồn vốn là động lực giúp cho các hộ nghèo là người DTTS làm nhà, ổn định chỗ ở, vươn lên thoát nghèo bền vững...

Theo đánh giá, việc triển khai các hoạt động thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, song đến nay, tiến độ triển khai các dự án thuộc các Chương trình tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Năm 2023, Bắc Kạn được giao tổng kế hoạch vốn thực hiện các Chương trình MTQG là 1.106 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư 633 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 472 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 15/9/2023, toàn Tỉnh mới giải ngân được 210 tỷ đồng vốn đầu tư, đạt 34% kế hoạch. Cùng với đó, việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các Chương trình còn hạn chế. Tính đến tháng 9/2023, nhiều danh mục, dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa được khởi động. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thấp, cụ thể như Tiểu dự án 1 “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” nằm trong Dự án 3 - Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có tổng nguồn vốn sự nghiệp trên 104 tỷ đồng, đến ngày 14/9 mới giải ngân được 1,33%…

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện một số dự án nhằm phát triển kinh tế cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế, như: Việc triển khai khoanh nuôi bảo vệ rừng ở nhiều địa phương còn lúng túng; khó khăn trong việc hỗ trợ về đất sản xuất do thiếu quỹ đất; nguồn lao động có nhu cầu đào tạo nghề không nhiều... Quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất bộc lộ nhiều bất cập. Tại nhiều địa phương, mặc dù nguồn vốn đã được phân bổ, song tiến độ triển khai chậm…

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG nói chung, thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tập trung công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc, cũng như việc triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, kiến thức về công tác dân tộc trong toàn hệ thống chính trị đến người dân; phát huy dân chủ ở cơ sở, đảm bảo thực hiện đúng, hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”...

Tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban ngành địa phương rà soát từng đối tượng, từng quy định phân công nhiệm vụ cụ thể; trực tiếp tháo gỡ khó khăn tại cơ sở, làm tốt công tác tham mưu, tăng cường công tác giám sát thực hiện các Chương trình MTQG. Trên tinh thần nỗ lực và quyết tâm cao, tin tưởng rằng việc triển khai các Chương trình MTQG nói chung và Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Bắc Kạn sẽ thực sự là đòn bẩy phát triển để người dân của Tỉnh nói chung, vùng DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn nói riêng, tạo sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới phát triển kinh tế-xã hội bền vững./.
Minh Châu