Phát huy sức mạnh nội sinh, xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

|

Phát huy sức mạnh nội sinh, xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư ngày 10/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vấn đề lớn nhất để thực hiện quy hoạch là nguồn lực và Cần Thơ phải tự lực tự cường từ nguồn lực nội sinh của thành phố là chính. Nguồn lực này dựa vào ba trụ cột chính là con người, nguồn lực thiên nhiên và nguồn lực từ văn hóa, truyền thống lịch sử hào hùng của đất nước, của vùng, của thành phố. Ba nguồn lực này là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nhưng không thiếu nguồn lực bên ngoài gồm vốn, công nghệ, quản trị, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế.

Theo đó, mục tiêu tổng quát được đề ra tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: Phát triển thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.

 

Phát huy sức mạnh nội sinh, xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL

Quy hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, gồm:

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5% đến 8%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 220 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực: Nông, lâm, thủy sản khoảng 5,9%, công nghiệp - xây dựng khoảng 35,9%, dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 58,2%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 11 - 15%/năm. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP.

Về xã hội: Dân số tăng bình quân khoảng 0,67%/năm. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 40%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp học mầm non đạt trên 90%, cấp tiểu học đạt trên 95%, cấp trung học cơ sở đạt trên 95%, cấp trung học phổ thông đạt trên 85%. Số giường bệnh/vạn dân tối thiểu 55 giường; số bác sĩ/vạn dân tối thiểu 20 bác sỹ; tỷ lệ giường bệnh tư nhân tối thiểu 15%. Phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở mức dưới 0,32% vào năm 2025; và phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn chung của quốc gia.

Về tài nguyên và môi trường: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt 100%, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý đạt 80%, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại, chất thải nguy hại lây nhiễm được thu gom và xử lý 100%. Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đủ tiêu chuẩn xả thải ra môi trường đạt 100%; có 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; bảo đảm 100% nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn tương đương với chất lượng nước thải thải ra nguồn tiếp nhận dùng cho mục đích sinh hoạt.

Về phát triển kết cấu hạ tầng: Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80%; bảo đảm 100% đô thị loại IV trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị.

Về quốc phòng, an ninh: Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.

Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra phương hướng phát triển các ngành quan trọng; các phương án: Tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, sắp xếp đơn vị hành chính, quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, phát triển các khu chức năng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển kết cấu hạ tầng xã hội; phân bổ và khoanh vùng đất đai và nhiều nội dung quan trọng khác.

Trong đó, theo phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội và phương án sắp xếp đơn vị hành chính, Cần Thơ sẽ chia thành năm trục động lực kinh tế. Trong đó, hai trục ngang bao gồm: (1) tuyến phát triển dọc theo cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, trong đó phía Đông chủ yếu phát triển thêm về công nghiệp, phía Tây phát triển thêm du lịch sinh thái, đô thị; (2) tuyến hành lang kinh tế hiện hữu Tây sông Hậu, bao gồm các trục quốc lộ 91, đường Vành đai phía Tây, đường tỉnh 920D, với các loại hình phát triển tập trung vào thương mại dịch vụ, đô thị sinh thái và đô thị công nghiệp. Ba trục dọc bao gồm: (1) dọc theo các tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; (2) đường liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng; (3) quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong đó, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Ô Môn - Giồng Riềng định hướng phát triển công nghiệp, tạo kết nối vùng về hành lang công nghiệp; tuyến dọc quốc lộ 1A chủ yếu phát triển theo hướng kết nối hành lang đô thị chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố cũng chia thành 3 vùng phát triển: Vùng thứ nhất, gồm: Quận Cái Răng, quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền (định hướng phát triển thành thị xã) và một phần diện tích quận Ô Môn, huyện Thới Lai là vùng đô thị phát triển mật độ cao. Phát huy kết nối sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ để thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Vùng thứ hai, gồm: Phần còn lại của quận Ô Môn, quận Thốt Nốt và một phần các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh là vùng động lực phát triển kinh tế mới phía Bắc với công năng đô thị, đô thị sinh thái cao cấp, đô thị công nghiệp, cảng, thương mại, dịch vụ, logistics.

Vùng thứ ba, gồm: Một phần các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, là vùng phía Tây cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với những hình thức sinh kế mới như: Chuyển đổi từ lúa sang cây trồng vật nuôi, kết hợp năng lượng mặt trời, công nghệ môi trường, du lịch sinh thái sông nước, trang trại./.

P.V