Lào Cai: Nghị quyết tạo đột phá phát triển nông nghiệp

|

Lào Cai: Nghị quyết tạo đột phá phát triển nông nghiệp

Lào Cai có trên 60% dân số là đồng bào DTTS, sinh kế của đồng bào vẫn là nông nghiệp. Những năm qua, cùng với thực hiện các dự án hỗ trợ từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Lào Cai cũng dành nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách đặc thù, hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế nông nghiệp. Nổi bật là chương trình “Khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai” với nhiều cơ chế hỗ trợ thiết thực, tạo động lực phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

Theo Nghị quyết 15/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh Lào Cai sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 4/12/2020 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, đối tượng được hỗ trợ bao gồm: Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; Hình thức hỗ trợ bao gồm kinh phí đầu tư hoặc sau đầu tư.

Các lĩnh vực, dự án được hỗ trợ theo Nghị quyết này tập trung vào những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc, chế biến nông sản; liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo thị trường tiêu thụ. Cụ thể, các lĩnh vực hỗ trợ gồm có: Lãi suất vốn vay; Tích tụ đất đai; Phát triển hợp tác xã nông nghiệp; Xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản nông sản, cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ và sản xuất phân bón hữu cơ; Phát triển vùng trồng chè nguyên liệu chất lượng cao; Phát triển vùng sản xuất dược liệu (trừ dược liệu quý); Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Trồng cây ăn quả; Sản xuất cây trồng chủ lực của địa phương; Sản xuất giống vật nuôi; Phát triển sản xuất nuôi cá lồng trên sông, hồ; Chuyển đổi cơ cấu giống; Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết 15 sử dụng nguồn ngân sách địa phương, nguồn ủng hộ đóng góp, các nguồn vốn hợp pháp khác và nguồn bổ sung từ 03 chương trình MTQG.

Được hỗ trợ, người dân thị xã Sa Pa liên kết cùng doanh nghiệp trồng cây dược liệu (Atiso)
 

Việc triển khai Nghị quyết 15 đã góp phần tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo các ngành hàng chủ lực. Hiện, Lào Cai đã hình thành một số vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa như vùng trồng rau, hoa, cây dược liệu tại thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà; vùng trồng chè tại huyện Bảo Thắng, Mường Khương; vùng trồng quế tại các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn và vùng trồng chuối, dứa tại huyện Mường Khương và Bát Xát... Diện tích một số cây trồng chủ lực gồm có: Chè đạt 6.364 ha, chuối là 3.300 ha, dứa có 1.600 ha, dược liệu trên 3.584 ha và quế là 46.844 ha. Trong đó có 140 ha với 11 loại dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO; 200 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP; 5.730 ha quế đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, 3.503 ha đạt tiêu chuẩn quế hữu cơ. Đây là những điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư chế biến sản phẩm, phát triển một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, tạo nên chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, Nghị quyết số 15 được ban hành với những quy định theo hướng thông thoáng hơn, dễ tiếp cận hơn đã thu hút hơn 20 doanh nghiệp tham gia đề xuất các dự án, xin chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Lào Cai để triển khai xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến tiêu thụ nông sản cho tỉnh. Từ đó mở ra triển vọng giúp ổn định đầu ra cho nông dân, đồng thời tăng giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản của địa phương và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Lào Cai cũng lồng ghép các chương trình chính sách để hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp. Theo đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai đáp ứng đủ các điều kiện của chính sách sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, xử lý nước thải, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án. Mức hỗ trợ là 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án. Tỉnh đồng thời ban hành quy định về cơ chế giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất thu hút, kêu gọi đầu tư vào các dự án chế biến nông, lâm, thủy sản bằng hình thức thí điểm tách nội dung giải phóng mặt bằng thành dự án riêng và tổ chức thực hiện độc lập để tạo quỹ đất thu hút, kêu gọi đầu tư vào các dự án chế biến nông, lâm, thủy sản, kinh phí giải phóng mặt bằng do ngân sách tỉnh đảm bảo...

Thu hút được nhà máy chế biến nông sản giúp nâng cao giá trị sản phẩm dứa Mường Khương
 

Nghị quyết 15 với những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp đã có những tác động tích cực giúp người dân và các tổ chức có điều kiện tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đưa kinh tế nông nghiệp tăng trưởng cao, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của Tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội.

Thời gian tới, Lào Cai sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai các dự án chế biến, tổ chức sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành nghề chế biến nông, lâm sản, nhất là các chính sách đất đai, tín dụng, thị trường... Tập trung phát triển ngành nghề chế biến nông, lâm sản theo chuỗi giá trị, đặc biệt là những lĩnh vực mà Tỉnh có lợi thế cạnh tranh như chè, rau, cây ăn quả, quế...

Trịnh Long