Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tích cực

|

Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tích cực

Một số tổ chức quốc tế nhận định năm 2024 thương mại toàn cầu tăng, cầu tiêu dùng thế giới hồi phục, lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm về mức mục tiêu… Trong đó, Ngân hàng thế giới dự báo năm 2024 tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 2,5%; Tổ chức thương mại thế giới dự báo tăng 2,6% so với năm 2023. Một số thị trường chiếm tỷ trọng giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam, như: Hoa Kỳ và châu Âu (EU) các tháng đầu năm 2024 đang kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên, theo đó doanh thu bán lẻ hàng hóa duy trì xu hướng tích cực. Trong nước, hoạt động sản xuất hồi phục, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may nhận đủ đơn hàng đến quý III và cuối năm 2024…
 
Một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 là kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 178,5 tỷ USD, tăng 17%. Đây là số ước đạt khá cao so với trong 6 tháng đầu năm các năm (2020-2024).
 
Hình 1. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm
giai đoạn 2020-2024
 
Nguồn: Tổng cục Thống kê
 
Điểm đáng lưu ý 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu giảm 11,3%; nhập khẩu giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, do vậy tính chung 6 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 14,5% và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, được tính trên nền số liệu kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu năm 2023 giảm so với năm 2022. Tuy nhiên so với 6 tháng đầu năm các năm giai đoạn 2020-2024, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt trị giá cao nhất và kim ngạch nhập khẩu ước đạt giá trị ở vị trí thứ hai so với 6 tháng đầu năm các năm giai đoạn 2020-2024.
 
Kim ngạch nhập khẩu ước 6 tháng đầu năm 2024 tăng, phản ánh tín hiệu tốt hoạt động sản xuất trong nước phục hồi so với năm 2023.
 
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu ước đạt 11,6 tỷ USD, đây là mức xuất siêu khá tích cực và là năm thứ hai đạt giá trị xuất siêu lớn trong giai đoạn 2020-2024. Phân tích kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024, theo một số phân tổ như: Loại hình kinh tế, măt hàng, thị trường, cụ thể như sau:
 
- Xét theo loại hình kinh tế: Khu vực kinh tế nước ngoài duy trì vai trò dẫn dắt với tỷ trọng xuất khẩu và  nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 lần lượt đạt 71,9% và 63,2%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 12,3%; nhập khẩu tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.
 
Khu vực kinh tế trong nước phục hồi khá, với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước tăng 20,7% so với cùng kỳ 2023, tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung 6,2 điểm phần trăm (tăng chung 14,5%) và cao hơn 8,4 điểm phần trăm mức tăng của khu vực kinh tế nước ngoài (12,3%). Kim ngạch nhập khẩu ước tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 5,3 điểm phần trăm mức tăng chung (17,0%) và cao hơn 8,3 điểm phần trăm mức tăng của khu vực đầu tư nước ngoài (14,1%).
 
- Xét theo mặt hàng: Trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, có 38/45 (đạt 84,4%) nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm đến 91,9% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như: Điện tử máy tính và linh kiện tăng 28,6%; Điện thoại các loại và linh kiện 11,3%; Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng 16,2%. Một số mặt hàng xuất khẩu nông lâm sản có lợi thế của Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2023, như: Cà phê tăng 34,5%; Thủy sản 4,9%; Rau quả tăng 28,2%; gạo tăng 32%...
 
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ gia công, sản xuất một số mặt hàng chủ lực ước tăng cao, như: Hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 26,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 14,6%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 21,9%... Hàng sợi dệt tăng 20,4%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 17,5%; vải tăng 10,8%; bông tăng 9,0%...
 
- Xét theo thị trường: Trị giá hàng xuất khẩu tăng trưởng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, ở hầu hết các thị trường chủ lực của Việt Nam, như: Trung Quốc ước tăng 5,3%; Hoa Kỳ ước tăng 22,1%; Thị trường EU ước tăng 14,1%
 
Có được kết quả đó là nhờ Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương và sự quyết tâm của doanh nghiệp tận dụng các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam được thế giới tin dùng. Bên cạnh đó, phản ánh xu hướng cầu thế giới về một số mặt hàng của Việt Nam duy trì xu hướng tích cực, hoạt động sản xuất trong nước phục hồi, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, thời gian tới, để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số nhóm giải pháp sau:
 
Một là, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các Hiệp định FTA, đồng thời phổ biến cách thức tận dụng tối đa các cơ hội mở cửa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.
 
Hai là, tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước.
 
Ba là, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và các nước, nhằm tiết kiệm chi phí thời gian thông quan hàng hóa./.
 
Đinh Thị Thúy Phương
Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ - TCTK