Nhiều quy định đột phá về đầu tư sắp đi vào cuộc sống

|

Nhiều quy định đột phá về đầu tư sắp đi vào cuộc sống

Nhiều quy định mới của Luật Đầu tư công và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật về đầu tư sẽ có hiệu lực ngay trong tháng 1/2025. Các quy định mới này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá, giải phóng nguồn lực đầu tư công, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Bước đột phá nhất của Luật Đầu tư

Tại buổi họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ tám, trong đó có Luật Đầu tư công và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật về đầu tư (Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm đã giới thiệu những điểm mới của các luật trên. Theo đó, một số điều của Luật Đầu tư đã được sửa đổi, bổ sung để phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng cảng biển đặc biệt có quy mô dưới 2.300 tỷ đồng và dự án thuộc khu vực bảo vệ của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, quy định như vậy nhằm tăng cường phân quyền, tinh giản quy trình, thủ tục, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với các dự án này.

Đáng chú ý, Luật bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao... tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm thông tin
về những điểm mới có tính đột phá của các luật về đầu tư

 
Luật quy định, dự án đăng ký đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định công nghệ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết, cấp Giấy phép xây dựng và các thủ tục để được phê duyệt, chấp thuận, cho phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Nhà đầu tư đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian 15 ngày; cam kết thực hiện dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép trong lĩnh vực này (dự kiến rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 260 ngày. Đây là nội dung đột phá nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án, thể hiện cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin thêm, thủ tục đầu tư đặc biệt là quy định tạo ra bước đột phá nhất của Luật Đầu tư. Khi nhà đầu tư nộp hồ sơ thì 15 ngày sẽ được cấp chứng nhận đầu tư ngay, không phải thực hiện thủ tục về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường mất rất nhiều thời gian.

Về sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, có một số nội dung đáng chú ý như xóa bỏ hạn chế về lĩnh vực đầu tư và mức đầu tư tối thiểu để mở rộng lĩnh vực và tạo cơ chế linh hoạt thu hút đầu tư theo phương thức này.

Luật sửa đổi còn nhằm xem xét áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước cao hơn 50%, nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án có chi phí giải phóng mặt bằng trên 50% tổng mức đầu tư; dự án thực hiện tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và dự án có yêu cầu tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao. Cho phép tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT trên cơ sở khắc phục tối đa các bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện loại hợp đồng này.

Phân cấp, phân quyền triệt để

Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, với Luật Đầu tư công, nhóm chính sách mới nổi bật là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Các chính sách cụ thể bao gồm:

Phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ.

Phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách trung ương, các khoản vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành.

Phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng.

Phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý. Phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý.

Phân cấp thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương từ Thủ tướng Chính phủ cho cấp quyết định chủ trương đầu tư; vốn ngân sách địa phương từ Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp.

Phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương từ Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm khẳng định, các chính sách mới tại Luật Đầu tư công trong thời gian tới sẽ phát huy hiệu quả trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt và triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, qua đó giải phóng nguồn lực đầu tư công, đáp ứng yêu cầu phát triển, thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về kết cấu hạ tầng trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, trong tháng 1/2025 sẽ hoàn thành hướng dẫn văn bản thi hành Luật Đầu tư công để đưa Luật vào cuộc sống./.

 
PV