Phú Thọ: Đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động

|

Phú Thọ: Đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động

Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, từng bước mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
Trong những năm gần đây, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, đa dạng hóa về loại hình và trình đđào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng (đội ngũ nhà giáo, chương trình, giáo trình đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo) ngày càng được tăng cường, nhiều mô hình đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Ngành và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 13 cơ sở tham gia hoạt động GDNN, bao gồm: 10 Trường Cao đẳng; 7 Trường Trung cấp; 17 Trung tâm: (13 cơ sở GDNN-GDTX thuộc các huyện, thành, thị, 03 cơ sở đào tạo lái xe, 01 cơ sở đào tạo nghề thuộc Hội Nông dân tỉnh); 02 Trường Đại học; 02 phân hiệu của Trường Cao đẳng; 9 đơn vị khác có tham gia hoạt động GDNN.

 
Đồng chí Hồ Sỹ Sùng - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Sơn
tham gia giám sát thực hành lớp may công nghiệp

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thời gian qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng tăng cường quản lý hoạt động dạy nghề, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm thông qua việc ký kết các hợp đồng cung ứng lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên.
  Đồng chí Ngô Thái Sơn - Phó giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Sơn
thăm giờ học thực hành lớp sửa chữa máy nông nghiệp
 
Sở Lao động, TB, XH tỉnh cũng đã chủ trì, phối hợp với Sở, ngành liên quan thẩm định dự án đầu tư Trường Cao đẳng chất lượng cao; dự án đầu tư ngành, nghề trọng điểm của các trường được lựa chọn ngành nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Tỉnh Phú Thọ có 04 Trường Cao đẳng, 04 Trường Trung cấp được Bộ Lao động, TB, XH quyết định phê duyệt trường được lựa chọn ngành nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; có 01 trường được lựa chọn đầu tư thành trường chất lượng cao. Năm 2019, UBND tỉnh quyết định phê duyệt dự án đầu tư ngành, nghề trọng điểm của 3 trường được lựa chọn ngành nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.
 
Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ quan tâm chỉ đạo sát sao, đã có nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành như: Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 24/6/2011 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, Thông tư số 19-TT/TU ngày 23/4/2014 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/ TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh…
 
Kết quả trong giai đoạn 2016-2019, tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề là gần 108,6 nghìn người (đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số là trên 9,9 nghìn người). Trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là trên 10,4 nghìn người (đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số là gần 2.000 người)./.
 
Phạm Thị Thu Hương
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ