Ngày 27/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 470/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với nguồn vốn thực hiện trên 1.500 tỷ đồng. Dự án trọng điểm này sẽ góp phần nâng cao năng lực vận tải đường không, tăng cường khả năng kết nối của Điện Biên với các tỉnh thành trong cả nước. Quan trọng hơn, đây là sẽ là tiền đề quan trọng để Điện Biên thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến tìm hiểu và triển khai các dự án lớn trong lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ.
trong phối hợp thực hiện công tác cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh năm 2019
Nỗ lực tăng sức hút cho Điện Biên
Là tỉnh biên giới, nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn, thời gian qua, để “mở đường” cho phát triển kinh tế xã hội, Điện Biên đã tranh thủ sự quan tâm của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ để đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ huyết mạch như: QL12, QL279B, QL6, QL4H. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 745 km đường quốc lộ kết nối Điện Biên với Thủ đô Hà Nội, các trung tâm kinh tế lân cận cũng như giao thương với các tỉnh bắc Lào và tây nam Trung Quốc thuận lợi. Cùng với các tuyến quốc lộ, nhiệm kỳ vừa qua, Điện Biên huy động hàng nghìn tỷ đồng để nâng cấp, mở mới các tuyến tỉnh lộ hình thành nên các trục kết nối các huyện, thị xã hình thành các khu vực kinh tế động lực, mở ra cơ hội giao thương, phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút nhà đầu tư
Trong ảnh: Giờ thực hành công nghệ ô tô tại Trường CĐ Nghề Điện Biên
Đặc biệt, dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Điện Biên đã tập trung tối đa nguồn lực từ ngân sách địa phương để triển khai nhanh công tác giải phóng, xây dựng khu tái định phục vụ cho Dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Khi hoàn thành nâng cấp, Cảng hàng không Điện Biên đủ điều kiện kỹ thuật khai thác các máy bay Airbus A320, A321 và tương đương với công suất 500 nghìn hành khách/năm. Điều này kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển mới cho ngành du lịch, thương mại và dịch vụ.
Trong 3 năm gần đây, Điện Biên có nhiều thành công trong cải cách hành chính (thuộc nhóm khá của cả nước)
Thời gian qua, tỉnh Điện Biên tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã triển khai chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản, điều hành. Tỷ lệ văn bản điện tử được ký số năm 2020 đạt 80%. Tỉnh cũng đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện cải cách hành chính ở tất cả các Sở ban ngành, địa phương. Nổi bật, Tỉnh đã tích hợp 222 dịch vụ công cấp độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt tỷ lệ 39%; tổng số hồ sơ được xử lý đúng hạn trong năm 2020 đạt 83%; chỉ số cải cách hành chính của Điện Biên xếp thứ 27/63 (tăng 1 bậc so với năm 2019).
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tăng cường đối thoại, tìm hiểu, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, đặc biệt là có cơ chế cho các doanh nghiệp. Trong năm 2020, UBND tỉnh đã tổ chức 10 buổi gặp mặt và ghi nhận trên 90 lượt ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Về cơ bản, các ý kiến đã được UBND tỉnh giao cho các ngành giải quyết cụ thể và trực tiếp liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.
Đón những dự án đầu tư “động lực”
Cảng hàng không Điện Biên được Thủ tướng chấp thuận đầu tư mở rộng, kỳ vọng sẽ là tiền đề để Điện Biên thu hút các nhà đầu tư có năng lực
Bằng việc ban hành nhiều cơ chế, thực hiện các giải pháp đồng bộ, môi trường kinh doanh của tỉnh tiếp tục có sự cải thiện tích cực. Điện Biên ngày càng hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Giai đoạn 2016-2020, Tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 95 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 14,1 nghìn tỷ đồng, tăng 53 dự án và hơn 6.278 tỷ đồng so với giai đoạn 2011-2015. Điển hình năm 2020, UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án về lĩnh vực thủy điện, thương mại - dịch vụ, nông - lâm nghiệp, công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng với tổng số vốn đăng ký đầu tư 1.051 tỷ đồng.
Sẵn sàng để đến đón nhà đầu tư với những dự án lớn
Hiện nay, tỉnh đang lựa chọn nhà đầu tư cho 9 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), với tổng vốn đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng. Trong số những dự án kêu gọi đầu tư hiện nay, có 19 dự án về thủy điện, 15 dự án về thương mại dịch vụ, 4 dự án về khu cụm công nghiệp, 8 dự án về văn hóa xã hội, 5 dự án về nông nghiệp và 19 dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong tháng 3/2021, lãnh đạo UBND tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư một số dự án với Công ty Cổ phần FLC như: Dự án khách sạn, trung tâm thương mại và nhà ở thương mại tại phường Thanh Trường (thành phố Điện Biên Phủ); Dự án tổ hợp sân Golf, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có thông báo đồng ý chủ trương rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách đối với các dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới… đây là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh hợp tác phát triển, đầu tư vào Điện Biên.
Duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững
Điện Biên đang ngày một phát triển. Trong ảnh Một góc thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Tư
Với nhiều tiềm năng trên các lĩnh vực, cùng cơ chế, chính sách thuận lợi, hạ tầng phát triển đồng bộ, môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện, bức tranh kinh tế - xã hội của Điện Biên đã có nhiều khởi sắc. Nhiệm kỳ vừa qua, Điện Biên đã đạt được kết quả đáng khích lệ: 18 nhóm chỉ tiêu ước đạt và vượt so với nghị quyết đề ra; kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2016-2020 đạt hơn 6,8%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt được những kết quả quan trọng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng gấp 1,44 lần so với năm 2015; kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được chú trọng, quan tâm đầu tư; toàn tỉnh có gần 40 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 3,49%/năm; hoạt động du lịch tiếp tục đà phát triển; văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến rõ nét. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, các vấn đề xã hội tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo giải quyết đạt kết quả tốt.
Tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội. Trong ảnh: Các y bác sĩ BVĐK tỉnh
chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nặng
Bước sang nhiệm kỳ mới, Điện Biên quyết tâm phấn đấu duy trì đà tăng trưởng ổn định, phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng tại địa phương. Để hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ mới, Điện Biên tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị theo hướng hiện đại; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Trịnh Long