Huyện Tủa Chùa: Tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực vươn lên thoát nghèo

|

Huyện Tủa Chùa: Tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực vươn lên thoát nghèo

Tủa Chùa là một trong số các huyện nghèo vùng cao của tỉnh Điện Biên theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Điều kiện kinh tế - xã hội của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm trên 95%); cơ sở hạ tầng còn hạn chế, giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Song, phát huy tối đa các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh; sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự cố gắng, nỗ lực của người dân. Trong giai đoạn 2016-2020 kinh tế - xã hội của huyện đã có những bước phát triển khá, cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên…

Tôn vinh các tấm gương điển hình tiên tiến huyện Tủa Chùa Giai đoạn 2015-2020

Huyện Tủa chùa xác định phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đột phá góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong những năm qua, bằng các nguồn vốn thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia của Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn huyện và UBND các xã, thị trấn tập trung rà soát, lập kế hoạch, lựa chọn ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, dự án cấp thiết, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế của địa phương.

Các đại biểu tham dự Hội thảo huyện Tủa Chùa với phát triển du lịch và thu hút đầu tư

Theo đó, Huyện đã tập trung, ưu tiên các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là ưu tiên đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cứng hóa các công trình đường giao thông đến trung tâm các xã và đường đến trung tâm các thôn bản; các công trình trường học, trạm y tế, trụ sở xã, nhà văn hóa xã, thôn; sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt; kiến nghị đầu tư lưới điện cho các thôn, bản trên địa bàn.

Nhân dân xã Tủa Thàng đóng góp ngày công làm đường bê tông, xây dựng nông thôn mới

Kết quả trong giai đoạn 2016-2020, Huyện đã đầu tư xây dựng mới, nâp cấp, cải tạo cứng hóa được trên 80 km đường liên huyện và từ huyện đến trung tâm các xã và liên xã (11/11 xã, đạt 100% có đường cứng hóa đến trung tâm xã); trên 60 km đường giao thông đến trung tâm các thôn và liên thôn, bản được đầu tư mở mới, nâng cấp, cải tạo; đầu tư xây dựng mới 7 nhà văn hóa xã, 20 nhà văn hóa thôn; đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp 19 công trình trường học, 8 công trình trụ sở cơ quan, UBND các xã, thị trấn; 01 công trình chợ xã, 6 công trình kè chống sạt lở, 15 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt; 5 công trình trạm y tế; kiến nghị Sở Công thương đầu tư lưới điện cho 10 thôn, bản với trên 500 hộ sử dụng điện lưới quốc gia. Với tổng nguồn vốn đầu tư công được phân bổ của huyện trên 520 tỷ đồng; giá trị giải ngân cả giai đoạn trên 510 tỷ đồng, đạt trên 98%.

Người dân thôn Hấu Chua, xã Sín Chải thu hái chè Shan Tuyết cổ thụ

Về phát triển kinh tế: Tủa Chùa vẫn xác định Nông nghiệp là ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện. Vì vậy, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với tiềm năng thế mạnh của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm đem lại giá trị kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm chỉ đạo. Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Tủa Chùa đã đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh của từng địa phương với từng đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp có lợi thế như: Trâu, bò, gia cầm, khoai sọ tím, chè là những đặc sản địa phương. Vùng trồng rau củ quả lạnh tại các xã phía Bắc, nuôi thủy sản tại các xã phía Nam vùng lòng hồ sông Đà.

Trẻ em xã Sính Phình tranh thủ lúc rảnh rỗi chăn thả Dê phụ giúp gia đình

Bên cạnh đó, thông qua những nguồn vốn từ các Chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 30a, 135, NTM, chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 35/NĐ-CP, chính sách thực hiện theo Quyết định số 45/QĐ-UBND tỉnh, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Huyện đã và đang tập trung thực hiện được 23 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị (xoài Đài Loan, mít Thái, chanh leo, su su, khoai sọ, sa nhân, mắc ca, cá rô phi...) với tổng quy mô 110 ha tại các xã trên địa bàn huyện.

Mô hình nuôi cá lồng trên mặt nước sông Đà tại thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng

Mặt khác, trong giai đoạn 2016-2020, Huyện đã phê duyệt 255 dự án hỗ trợ trực tiếp cho 9.700 hộ dân mua con giống, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất; hỗ trợ 1.532 nhà tiêu hợp vệ sinh; 450 chuồng trại chăn nuôi cho trên 2.500 hộ hưởng lợi; mở 24 lớp đào tạo nghề cho 840 lao động nông thôn; thực hiện trồng mới 204,3 ha rừng trồng phòng hộ, thay thế, khoanh nuôi tái sinh 990 ha; khai hoang phục hóa và tạo ruộng bậc thang 200 ha với tổng kinh phí thực hiện trên 83 tỷ đồng. Tập trung thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP và đến nay đã có 4 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao, qua đó đã từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân nông thôn trên địa bàn bình quân đến năm 2020 đạt trên 14,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2016 trên 70% giảm xuống còn 46,8% năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 4-5%.

Hang động Pê Răng Ky, xã Huổi Só rất đẹp và kỳ vĩ, khung cảnh trong hang như những
bức tranh tự nhiên lung linh, huyền ảo đã thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm
 
Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đề ra, huyện Tủa Chùa sẽ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Trồng cây Mắc ca tại các xã phía Nam, trồng cỏ nuôi gia súc, phục tráng, phát triển một số giống vật nuôi bản địa đặc sản như vịt Bầu, gà Hmông, lợn địa phương...

Chợ phiên không chỉ là nơi giao thương hàng hóa, nông sản mà còn thể hiện 
nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc huyện Tủa Chùa

Bên cạnh đó, Huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân tăng cường áp dụng giống mới cho năng suất, chất lượng cao, khả năng thích ứng tốt với điều kiện ngoại cảnh bất lợi; tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa hữu cơ, áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sơ chế, chế biến sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích thành lập các Hợp tác xã, phát triển sản phẩm OCOP, tăng cường quảng bá, kêu gọi thu hút đầu tư, nhất là các dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Mặt khác, Huyện sẽ tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các Chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như: Chương trình xây dựng Nông thôn mới, các dự án về bảo vệ và phát triển rừng, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thi giã bánh Dày truyền thống người dân tộc Mông tại ngày hội Văn hóa – Thể dục – Thể thao

Phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời để kinh tế - xã hội huyện Tủa Chùa tiếp tục phát triển theo hướng tích cực và giảm nghèo bền vững, trong những năm tới, Huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, tập trung xóa đói, giảm nghèo, thu hút, sử dụng hiệu quả các ngồn lực đầu tư cho phát triển, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của Huyện, tranh thủ tối đa sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của Tỉnh để vươn lên thoát nghèo./.

                                                                                               Trọng Nghĩa