Giảm nghèo - chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội ở huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang

|

Giảm nghèo - chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội ở huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang

Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, do vậy trong những năm qua Chương trình giảm nghèo luôn được coi là chương trình trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của huyện. Huyện Mèo Vạc đã có nhiều giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả.
Cụ thể hóa việc thực hiện chương trình giảm nghèo bằng nghị quyết, kế hoạch hành động
Bên cạnh việc chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách về giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh. Những năm qua, huyện Mèo Vạc đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình và kế hoạch hành động để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân đối với công tác giảm nghèo, đồng thời thực hiện mục tiêu giúp người nghèo thay đổi nếp nghĩ, từng bước thoát nghèo bền vững.
Đoàn kiểm tra chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo tỉnh Hà Giang làm việc với huyện Mèo Vạc
Ngay từ năm 2014, huyện ủy Mèo Vạc đã ban hành Kế hoạch số 127-KH/HU ngày 13/3/2014 về về việc thực hiện giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo, phân công cho từng cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức, viên chức, đảng viên giúp đỡ, theo dõi trực tiếp từ 01 hộ nghèo trở lên. Kế hoạch số 127-KH/HU của huyện ủy Mèo Vạc tập trung vào việc giúp hộ nghèo lập kế hoạch phát triển kinh tế, tạo thu nhập và nâng cao khả năng tiếp thu, tiếp cận thông tin và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhà nước trong công tác giảm nghèo. Tiếp đó năm 2016, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Mèo Vạc lần thứ XVIII đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU, ngày 30/7/2016 về thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020. Và sau một thời gian thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/HU cho thấy hiệu quả tích cực, để nhân rộng mô hình giúp đỡ này, trong năm 2018, huyện ủy Mèo Vạc đã ban hành văn bản số 1992-CV/HU, ngày 06/11/2018 về việc phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, trong đó đã chỉ đạo các Đảng bộ, chi bộ rà soát và phân công toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên thuộc các cơ quan tổ công tác, cơ quan phụ trách xã/thị trấn và cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trên địa bàn xã/thị trấn chịu trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ từ 01 đến 02 hộ nghèo. Đến nay, sau hơn 05 năm thực hiện chủ trương “Đảng viên, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo” đã có trên 6.976 hộ nghèo được giúp đỡ hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, có 5.740 hộ thoát nghèo, trong đó: có 4.882 hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
 Các ban, ngành, đoàn thể huyện Mèo Vạc thăm nơi làm việc của công nhân lao động theo
" Biên bản thông nhất về quảnlý lao động qua biên giới" tại huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam
Nâng cao thu nhập cho người lao động thông qua đẩy mạnh hoạt động dạy nghề và kết nối cung cầu lao động
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc, tạo ra thu nhập cho người lao động, luôn được huyện Mèo Vạc coi là giải pháp quan trọng để giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện Mèo Vạc tập trung vào việc tăng cường đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là cho lao động nông thôn. Thời gian qua, Huyện đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh phục vụ cho công tác dạy nghề, ban hành nhiều chính sách khuyến khích người lao động tham gia học nghề. Chuyển hướng hoạt động đào tạo nghề từ việc đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động và yêu cầu của thị trường lao động.
Thanh niên học nghề lâm sinh tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mèo Vạc
(
Ảnh: Báo Hà Giang)
Giai đoạn 2016 -2020 đã có trên 4,8 nghìn lao động được học nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn Huyện đến cuối năm 2020 đạt 45%, trong đó tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đạt 38%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và lao động nghèo nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, trên 80% lao động sau khi học nghề đã tự tạo việc làm mới hoặc tăng năng xuất lao động, góp phần tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm có hiệu quả được nhân rộng ra ở nhiều địa phương trong Huyện, như dạy nghề thông qua các mô hình: kỹ thuật chăn nuôi lợn, nghề kỹ thuật trồng lúa, ngô lai, rau, làm khèn mông, cắt may trang phục các loại...

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang tư vấn giới thiệu việc làm
cho người lao động huyện Mèo Vạc
Để đào tạo nghề gắn liền với giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, huyện Mèo Vạc luôn chú trọng đến công tác giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động . Thông tin việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động, các chính sách đãi ngộ của các doanh nghiệp... được truyền tải thường xuyên, liên tục đến với người lao động thông qua nhiều hình thức như: Qua đội ngũ tuyên truyền viên; tin, bài, chuyên trang phát thanh truyền hình; thông báo tuyển dụng; tuyên truyền tại các chợ phiên; hệ thống loa truyền thanh cơ sở... Thông qua các buổi tuyên truyền, đã có gần 2,3 nghìn lao động tìm được việc làm tại các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh và đi xuất khẩu lao động. Đặc biệt, đã có trên  1,3 nghìn người đi làm việc tại Trung Quốc theo “Biên bản thỏa thuận về quản lý lao động qua biên giới”. Theo đánh giá, công tác hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả khả quan, do Huyện đã chủ động làm việc với các huyện giáp biên phía Trung Quốc để ký “Biên bản thống nhất về quản lý lao động qua biên giới”. Chương trình này đã giải quyết được vấn đề bức xúc, nổi cộm về lao động trái phép qua biên giới, cũng như tạo điều kiện để người lao động được đi làm việc hợp pháp, có thu nhập qua đó vươn lên thoát nghèo.

Cải tạo vườn tạp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất tăng thu nhập cho người dân tại huyện Mèo Vạc
Và những kết quả giảm nghèo đáng ghi nhận
Với việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn và đúng quy định, trong đó đặc biệt là những giải pháp như đã nói ở trên, công tác giảm nghèo của huyện Mèo Vạc đã thu được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo toàn Huyện giảm từ 66,01%  năm 2016 xuống còn 35,99% năm 2020 và giảm 30,02% so với cuối năm 2015; tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm đạt 6%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới tỷ lệ giảm bình quân hàng năm đạt 6,2%/năm (từ 69,74% đầu năm 2016 giảm xuống còn 38,73% cuối năm 2020).

Mô hinhg nuôi bò vỗ béo góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc
Những kết quả của công tác giảm nghèo đã góp phần giúp huyện Mèo Vạc thực hiện thắng lợi nhiều chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn Huyện tiếp tục được tăng cường đầu tư, hoàn thiện; đời sống của người dân đặc biệt là người nghèo, hộ nghèo từng bước được cải thiện, người dân được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản; an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Thành Nam