Kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phục hồi nhanh chóng sau đại dịch

|

Kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phục hồi nhanh chóng sau đại dịch

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng có xu hướng giảm, lạm phát tăng cao tại hầu hết các nước; nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội và Nghị quyết 02/NQ-02 về cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh năm 2022. Nhờ đó, kinh tế - xã hội Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục hồi phục ở hầu hết các lĩnh vực.
 
Trong lĩnh vực nông nghiệp, do tình hình thời tiết thuận lợi và công tác thủy lợi được đảm bảo nên diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân 2021-2022, vụ hè thu năm 2022 đạt kế hoạch đề ra. Ước diện tích gieo cấy lúa tính đến 15/9/2022 là 15,4 nghìn ha, tăng 1,93% so với cùng kỳ năm trước; diện tích gieo trồng bắp (ngô) gần 5,2 nghìn ha, giảm 7,34%; diện tích gieo trồng đậu phộng (lạc) 753,2 ha, tăng 12,88%; diện tích gieo trồng khoai lang 26,2 ha, tăng gấp 2 lần; diện tích gieo trồng rau các loại 4,7 nghìn ha, tăng 0,9%; diện tích gieo trồng đậu các loại 184,9, giảm 5,24%. Diện tích lúa vụ hè thu đã xuống giống 8,2 nghìn ha, tăng 0,62%. Tình hình thu hoạch cây lâu năm cũng tăng so cùng kỳ, ước 9 tháng năm 2022, sản lượng mủ cao su đạt khoảng 19 nghìn tấn, tăng 3,24% so cùng kỳ; trái cây các loại 70,5 nghìn tấn, tăng 5,9%; hồ tiêu 20,9 nghìn tấn, tăng 3,56%; hạt điều 10,4 nghìn tấn, tăng 2,02%.
 
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng phát triển ổn định, hầu hết sản lượng các loại thịt hơi xuất chuồng đều tăng so với cùng kỳ. Ước 9 tháng năm 2022, sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng là 48,3 nghìn tấn, tăng 3,61% so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng thịt bò hơi 3,8 nghìn tấn, tăng 3,69%; Sản lượng thịt trâu hơi 22,3 tấn, giảm 5,72%. Sản lượng thịt gia cầm 21,4 nghìn tấn, tăng 3,56%. Cũng trong 9 tháng năm 2022, sản lượng gỗ khai thác là 62,1 nghìn m3, tăng 0,87%; sản lượng củi khai thác là 5,3 nghìn ster, tăng 1,66%. Tổng sản lượng thủy sản đạt 288 nghìn tấn, tăng 2,26%; trong đó: Cá 231,7 nghìn tấn, tăng 1,74%; tôm gần 13 nghìn tấn, tăng 4,74%; thủy sản khác 43,4 nghìn, tăng 4,34%. Hình thức nuôi thả trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nuôi quảng canh với sản lượng 9 tháng là 15,1 nghìn tấn, tăng 5,16%; trong đó: Cá 3,8 nghìn tấn, tăng 5,25%; tôm 5,7 nghìn tấn, tăng 6,32%.  Sản lượng thủy sản khai thác là 272,9 nghìn tấn, tăng 2,1%; trong đó: Cá 227,9 nghìn tấn, tăng 1,69%; tôm 7,3 nghìn tấn, tăng 3,56%; thủy sản khác 37,7 nghìn tấn, tăng 4,4%.
 
Kinh tế công nghiệp vẫn luôn đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh, trong đó ngành chế biến chế tạo đóng vai trò “xương sống”, bổ sung thêm sức mạnh cùng ngành dịch vụ phục hồi tạo đà tăng trưởng kinh tế tỉnh 9 tháng năm 2022.
 
Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP toàn ngành tăng 5,78% (quý I tăng 3,57%; quý II tăng 4,51%; quý III tăng 5,96%), trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao với mức tăng 11,9% (quý I tăng 7,43%; quý II tăng 14,41%; quý III tăng 11,82%); Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 6,3% (quý I tăng 9,42%; quý II tăng 3,52%; quý III tăng 5,65%);  Cung cấp nước sinh hoạt quản lý rác thải, nước thải khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,46% (quý I tăng 11,7%; quý II tăng 0,62%; quý III tăng 3,75%).
 
Chỉ số sản xuất 9 tháng của nhiều ngành cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất trang phục tăng 25,2% (quý I giảm 2,36%; quý II tăng 1,9 lần; quý III tăng 15,22%); sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 23,92% (quý I tăng 73,14%; quý II tăng 22,56%; quý III tăng 20,32%); sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 22,36% (quý I tăng gần 2,9 lần; quý II tăng 46,39%; quý III tăng 11,26%); sản xuất từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 20,22% (quý I tăng 27,2%; quý II tăng 23,7%; quý III tăng 19,85%); sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 17,78% (quý I tăng 27,98%; quý II tăng 20,38%; quý III tăng 17,22%).
 
Trong 9 tháng, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh là: Sản lượng dầu thô khai thác đạt gần 6,7 nghìn tấn (mặc dù giảm 1,37% so cùng kỳ). Khí tự nhiên dạng khí đạt  5.261 triệu m3, tăng 0,88%. Một số sản phẩm công nghiệp khác có mức tăng trưởng 9 tháng cao so với cùng kỳ năm trước như: Bu tan đã được hóa lỏng (LPG) tăng 19,17%; Bia dạng lon tăng 10,43%; ure tăng 7,97%.
 
Trong 9 tháng qua, tỉnh đã cấp đăng ký kinh doanh cho 1.403 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký gần 12,9 nghìn tỷ đồng; tăng 53% về số doanh nghiệp đăng ký nhưng giảm 27,34% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 260 doanh nghiệp đăng ký giải thể, tăng hơn 78%; 268 doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động, tăng 55,22% so với cùng kỳ, trong đó có 80% doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả.
 
Việc chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật cùng các chính sách đầu tư hấp dẫn đã thúc đẩy vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2022 tăng trưởng 10,95%. Mặc dù vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 9 tháng giảm 3,33% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 60,13% kế hoạch đầu năm giao do xu hướng đặc thù giải ngân vốn đầu tư là giải ngân chậm vào những tháng đầu năm và tăng tốc vào cuối năm.
 
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn biến sôi động, phục hồi nhanh. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm nay ước đạt 43,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,09%, trong đó, ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 82,59%; đá quý, kim loại quý tăng 31,03% ; dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 27,06%...
 
Sau hơn 2 năm hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng trưởng cao. 9 tháng năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống ước tính đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2,6 lần so cùng kỳ năm 2021, trong đó, dịch vụ lưu trú ước đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4 lần; dịch vụ ăn uống 7,1 nghìn tỷ đồng, tăng gần 2,8 lần.
 
Ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã khởi động kế hoạch linh hoạt bằng những lịch trình khép kín đáp ứng đủ các tiêu chí an toàn trong bối cảnh sống chung với Covid-19 khiến ngành du lịch của tỉnh có những bước phục hồi nhanh chóng. Lũy kế 9 tháng, tỉnh có doanh thu lữ hành đạt 118,4 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so cùng kỳ. Đồng thời, tỉnh thực hiện nhiều phương pháp quảng bá hình ảnh nhằm khôi phục thị trường khách quốc tế, thu hút du khách đến với du lịch địa phương. Tổng số lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ ước tính 9 tháng là 5,1 triệu lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón 132,7 nghìn lượt khách quốc tế có lưu trú, tăng 2,3 lần. Tổng số ngày khách phục vụ ước 4,8 triệu ngày khách, tăng 2,8 lần. Lượt khách du lịch theo tour ước 50 nghìn lượt, tăng 52,37%; ngày khách du lịch theo tour ước tính 124,1 nghìn ngày, tăng 65,75%.
 
Về hoạt động xuất, nhập khẩu, tuy tình hình kinh tế chính trị thế giới 9 tháng năm 2022 có nhiều biến động ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, song tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do (FTA), hoạt động sản xuất kinh doanh khôi phục và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng là các yếu tố thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh 9 tháng năm 2022 tiếp tục duy trì tăng trưởng khá là 12,2% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 6,23 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô tăng 11,73%; kim ngạch nhập khẩu tăng 11,81%. Các mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Kim loại thường khác và sản phẩm tăng 1,8 lần; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 41,57%; chất dẻo (Plastic) nguyên liệu tăng 27,56%; xơ, sợi dệt các loại tăng 22,79%. Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu chính của tỉnh với tỷ trọng 64,91% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tăng 12,09%; Châu Âu tăng 2,4 lần, chiếm 3,63% tổng kim ngạch xuất khẩu; Châu Mỹ tăng 1,3 lần, chiếm 7,14%.
 
Kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh 9 tháng ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 11,81% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Kim loại thường khác tăng 2,8 lần; vải các loại tăng 1,7 lần; khí đốt hóa lỏng tăng 39,64%; hóa chất tăng 35,65%; phân bón các loại tăng 32,44%. Các thị trường nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Châu Á chiếm 56,32% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 0,54%; Châu Âu chiếm 45,61%, tăng gần 1,6 lần; Châu Mỹ chiếm 16,13%, tăng 2,6 lần. 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế, đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh dần ổn định, văn hoá, giáo dục phát triển toàn diện, các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn theo các Nghị quyết của Chính phủ được thực hiện hiệu quả, tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, tăng cường thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến… Tính đến tháng 9, tỉnh đã ban hành Quyết định trợ cấp thất nghiệp cho 13.000 người lao động với kinh phí trợ cấp là 288,7 tỷ đồng; tổ chức 8 Phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 182 doanh nghiệp, 4,5 nghìn lượt người lao động với số lao động được sơ tuyển tại phiên 1,1 nghìn người; cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh 754 giấy phép, trong đó cấp mới 457 trường hợp và cấp lại 81 trường hợp, gia hạn 216 trường hợp.
 
Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội và giải quyết chế độ, chính sách với người có công cũng được quan tâm thực hiện. Tổng số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh tính đến 30/8/2022 là 6.589 hộ, chiếm tỷ lệ 2,04% so với tổng số hộ dân, trong đó: Số hộ nghèo theo chuẩn quốc gia 1.278 hộ, chiếm tỷ lệ 0,4%; số hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia 1.533 hộ, chiếm tỷ lệ 0,48%; số hộ nghèo theo chuẩn tỉnh 3.778 hộ, chiếm tỷ lệ 1,17%.
 
Với kết quả tăng trưởng khá cao trong 9 tháng của ngành công nghiệp và sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực dịch vụ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp cho từng lĩnh vực kinh tế xã hội trên địa bàn để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp tạo hành lang thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt chú trọng công nghiệp chế biến chế tạo. Tổ chức hội thảo Phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu dùng nội địa; thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị. Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Bám sát diễn biến của dịch Covid-19, kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; kiểm soát nợ xấu, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh. Thực hiện Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chương trình khoa học công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025 và các chương trình, đề án khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã…/.
B.N