Hiệu quả từ các chính sách dân tộc tại Hòa Bình

|

Hiệu quả từ các chính sách dân tộc tại Hòa Bình

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hiệu quả từ các chính sách dân tộc

Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh có người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ cao, tới 74,43% (gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông), sống trải dài ở 145/151 xã, phường, thị trấn. Do vậy, ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội (KT – XH) và phát huy vai trò của đồng bào (DTTS) được Hòa Bình xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025.

 
Diện mạo mới của xã Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình nhờ các chính sách dân tộc tại địa phương

Ngày 30/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, mục tiêu tổng quát nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh, chủ động đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Phấn đấu đến năm 2025, giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030, cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết, hàng năm, tỉnh Hòa Bình ưu tiên dành các nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách tập trung xây dựng hạ tầng, cơ sở thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, y tế; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề, đào tạo nghề mở rộng việc làm thay thế lao động nông nghiệp cho con em DTTS để có thu nhập cao hơn.

Kết quả, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (ước đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 12,99%, ước giảm 2,5% so với năm 2021); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng, nhóm hộ, giúp người dân tự vươn lên thoát nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên.

Đặc biệt, các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được quan tâm thực hiện; chất lượng sự nghiệp y tế, giáo dục tiếp tục có sự chuyển biến, đồng bào dân tộc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản, người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí; giá trị văn hóa các dân tộc tiếp tục được quan tâm, bảo tồn và phát huy; năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao…

Diện mạo vùng DTTS và miền núi của tỉnh Hòa Bình đã và đang có nhiều đổi mới tích cực. Điển hình nhất là hai xã vùng cao có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống là Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), điều kiện kinh tế rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, từng là điểm nóng ma túy và còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu. Nhờ triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các chính sách về dân tộc nên diện mạo hai xã này đã có nhiều khởi sắc. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo xã Hang Kia giảm 6,75%, từ 36,18% năm 2021 xuống còn 29,43% năm 2022 (giảm 44 hộ); tỷ lệ hộ nghèo xã Pà Cò giảm 6,49%, từ 38,52% năm 2021 xuống còn 32,03% năm 2022 (giảm 38 hộ). Tỷ lệ hộ dùng điện lưới quốc gia và người dân được hưởng bảo hiểm y tế hai xã đạt 100%. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp đạt 100%; học sinh tiểu học đạt 100%; học sinh THCS đạt 98%. Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa xã Hang Kia ước đạt 43,04%; xã Pà Cò ước đạt 61,26%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xã Hang Kia giữ ở mức 10%; xã Pà Cò 12%. Mỗi xóm đều có 1 nhân viên y tế thôn bản được đào tạo theo chương trình khung của Bộ Y tế, được cấp chứng chỉ hành nghề, hoạt động có hiệu quả. Tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh hai xã ước đạt 100%… Những kết quả trên đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc tại tỉnh Hòa Bình.

Để các chương trình, chính sách dân tộc tiếp tục đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trong thực tiễn

Để các chương trình, chính sách dân tộc tiếp tục đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trong thực tiễn, năm 2022, UBND tỉnh đã đưa 9 nội dung, nhiệm vụ công tác dân tộc vào Chương trình nhiệm vụ trọng tâm của UBND tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoàn thành nhiệm vụ công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đã ban hành một số chính sách đặc thù như: Đề án số 09-ĐA/TU ngày 28/1/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, gắn với phát triển KT-XH bảo đảm quốc phòng, an ninh hai xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu; phân công các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉmh trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chăm lo cho đồng bào DTTS; lồng ghép các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.

Đối với Chương trình MTQG phát triển KH-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố phối hợp thống nhất, xây dựng phương án giao, phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Hòa Bình là: 1.573.509 triệu đồng, trong đó: Nguồn vốn Trung ương: 1.430.462 triệu đồng; nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương: 143.047 triệu đồng (vốn ngân sách tỉnh 7.706 triệu đồng, vốn ngân sách huyện 135.341 triệu đồng). Trong đó, giao, phân bổ kế hoạch năm 2022 thực hiện Chương trình là: Vốn đầu tư phát triển: 274.535 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 149.025 triệu đồng bảo đảm đúng quy định về tiêu chí, định mức phân bổ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Năm 2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã trình HĐND tỉnh giao 813.580 triệu đồng ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình gồm: Vốn đầu tư phát triển: 361.171 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 452.409 triệu đồng. Hiện nay UBND tỉnh đang giao các sở, ngành có liên quan tổng hợp trình phương án phân bổ chi tiết để thực hiện các dự án thành phần, nội dung của Chương trình trong năm 2023, đồng thời cân đối bố trí vốn đối ứng của ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện, các chính sách dân tộc nói chung, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng tại Hòa Bình sẽ tiếp tục đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong thực tiễn./.

 
Mục tiêu phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

1. Đến năm 2025: Thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân mỗi năm giảm 2,5%-3%, trong đó các xã đặc biệt khó khăn bình quân mỗi năm giảm từ 4-4,5%.
- 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông xi măng; 90% thôn, xóm có đường giao thông từ xã đến thôn, xóm được cứng hóa; 100% trường lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số xã có điểm cung cấp dịch vụ intrernet công cộng phục vụ nhân dân; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh;
- Từng bước quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán nhỏ lẻ tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở; xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, dột nát;
- Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường 99,9%, học sinh trong độ tuổi tiểu học duy trì ổn định 100%, học sinh trung học cơ sở 98,8%, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 95%;
- Trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT; trên 95% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%;
- Khoảng 63% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số;
- Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; trên 80% thôn, xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn, xóm có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng;
- Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa bàn, từng cơ quan.

2.  Đến năm 2030: Thu nhập bình quân của người DTTS tối thiểu đạt ½ bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%; 70% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 40% lao động người DTTS biết làm các ngành nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ;
- Trên 90% số hộ nông dân thiểu số làm kinh tế nông – lâm nghiệp hàng hóa; trên 90% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH và đời sống của người dân;
- Giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong vùng đồng bào DTTS; quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán nhỏ lẻ tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở… có nơi ở ổn định, an toàn./.
Thu Hường