Hải Dương – Những kết quả khích lệ trong nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2025

|

Hải Dương – Những kết quả khích lệ trong nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2025

Hải Dương bước vào thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 với những thách thức lớn chưa từng có. Hoạt động sản xuất kinh doanh phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn… Với phương châm “vượt khó, tăng tốc”, “thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”, cả hệ thống chính trị Đảng bộ, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Hải Dương đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Với những nỗ lực đó, Hải Dương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong nửa nhiệm kỳ qua.
 
Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra vào 06/7/2023 cho thấy, kinh tế địa phương tiếp tục duy trì tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2021-2023 ước tăng bình quân 8,58% mỗi năm. Quy mô kinh tế toàn Tỉnh năm 2023 ước đạt 186,2 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 95 triệu đồng, tăng gần 1,4 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ từ 81,2% năm 2020 lên 82,6% năm 2022, đến cuối năm 2023 ước đạt 83,1%. Giai đoạn 2021-2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Tỉnh đạt 59.872 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 51.328 tỷ đồng, bình quân tăng 3,3% mỗi năm, tăng 34,4% so với dự toán. Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn giai đoạn 2021-2022 đạt 102,4 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 2,2% mỗi năm, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt khá cao 63,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 62%, tăng 10,9% mỗi năm.


Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hải Dương (GRDP) giai đoạn 2021-2023
ước tăng bình quân 8,58% mỗi năm
 
Hải Dương là một trong 5 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Dự kiến hết năm 2023, toàn tỉnh có 16 xã đạt chuyển nông thôn mới kiểu mẫu.
 
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng của tỉnh được đầu tư xây dựng, giúp mở rộng không gian phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Một trong những công trình trọng điểm của tỉnh là đường trục Đông - Tây có chiều dài 36,5km đi qua các huyện Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ có tổng vốn đầu tư là gần 1.500 tỷ dồng đang được thi công, cơ bản đảm bảo tiến độ. Hải Dương cũng xây dựng nguồn lực xã hội hóa đầu tư 3 dự án giao thông, trong đó có 2 nút giao với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
 
Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn của Hải Dương đã khẳng định được vị trí. Số học sinh giỏi quốc gia luôn duy trì ở vị trí 6 tỉnh đứng đầu cả nước. Đến nay, trong tỉnh có 661/779 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 84,8%.
 
Hải Dương cũng kiểm soát tốt dịch Covid-19, không để các dịch bệnh nguy hiểm bùng phát trong tỉnh. Nhiều chỉ tiêu về y tế đạt cao hơn mức bình quân chung cả nước như đạt 11 bác sỹ/vạn dân, số giường bệnh đạt 31,7/vạn dân (cao hơn toàn quốc là 29,5). Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 99,1% (toàn quốc là 96%).
 
Giai đoạn 2021-2022, Hải Dương có thêm 26 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, nâng tổng số di tích được xếp hạng toàn Tỉnh lên 4 di tích quốc  gia đặc biệt, 142 di dích quốc gia và 263 di tích cấp tỉnh. Hải Dương đang xây dựng hồ sơ khoa học về quần thể di tích và danh thắng Yên Tử -  Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, trình lên UNESCO đề nghị công nhận di sản thế giới.
 
Bên cạnh đó, vấn đề lao động việc làm, bảo đảm an sinh xã hội địa phương tiếp tục được chú trọng thực hiện. Tỷ lệ lao động trong tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45,49%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,15% năm 2021 xuống còn 1,69% năm 2022.
 
 
Nhiều kết quả đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện; công tác xúc tiến đầu tư, thương mại được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, quyết liệt đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội có hiệu quả đã góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở. Hoạt động của Đoàn đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân Tỉnh, UBND Tỉnh, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, có nhiều đổi mới và đạt những kết quả tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến quý II/2023, toàn Tỉnh kết nạp được trên 5.300 đảng viên, số đảng viên kết nạp năm sau cao hơn năm trước. Tỉnh cũng phát triển được 27 tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội trong nửa nhiệm kỳ vừa qua còn một số hạn chế, một số chỉ tiêu phát triển không đạt theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVII đề ra. Cụ thể, việc triển khai các dự án các dự án đầu tư, tính giá đất, lập quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan còn chậm. Cải cách hành chính, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước chưa đạt yêu cầu. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa bền vững. Còn có tình trạng cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, né tránh đùn đẩy công việc.
 
Chỉ còn hơn 2 năm nữa để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII. Để đạt được các mục tiêu đề ra, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hải Dương đang tiếp tục bám sát phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; quyết tâm cao nhất, triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ.
 
Về phát triển kinh tế, Tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá, trong đó xác định cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính vừa là mục tiêu, vừa động lực quan trọng. Huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng là nền tảng, điều kiện cần thiết. Nghiên cứu, lựa chọn thu hút nhà đầu tư lớn, uy tín, nhằm dẫn dắt và có tác động lan tỏa tới sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; yêu cầu giải ngân vốn bảo đảm trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển... Đặc biệt, Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai Quy hoạch Tỉnh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gắn với các hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp, thiết thực, hiệu quả nhằm sớm đưa vào thực hiện để phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương.
 
Về phát triển văn hoá, xã hội, sẽ tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, môi trường; giải quyết các khó khăn về cơ sở vật chất ở các trường học. Duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Thực hiện các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là quan tâm thu hút nguồn nhân lực ngành y tế. Thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực.
 
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh; chủ động nắm chắc tình hình, có phương án giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp về an ninh - trật tự ngay từ cơ sở.
 
Để đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, từng cấp ủy, từng ngành tiếp tục đổi mới phong cách làm việc theo hướng cụ thể, sát thực, theo phương châm “5 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả và rõ trách nhiệm. Kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết định trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ trên tinh thần đề cao tính chủ động, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; có trọng tâm, trọng điểm, dồn sức vào các khâu đột phá, quyết liệt trong công việc vì mục tiêu, lợi ích chung, vì truyền thống và sự phát triển nhanh, bền vững của Tỉnh.
 
Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2023, Tỉnh tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Triển khai các nội dung hợp tác, liên kết giữa các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội… Tiếp tục quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật; phấn đấu thu nội địa tăng 10% trở lên so với dự toán; nâng cao tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách của khu vực doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bằng nguồn vốn đầu tư công.
 
Cùng với kết quả đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ, sức mạnh đoàn kết và tinh thần chủ động, trách nhiệm, quyết liệt sẽ là nội lực để Hải Dương có những bước tăng trưởng thực sự bứt phá, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của năm 2023 và của cả nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
Bích Ngọc