Điện Biên: Hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển du lịch

|

Điện Biên: Hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển du lịch

Trong điều kiện nguồn thu ngân sách địa phương còn thấp, Điện Biên xác định phải tranh thủ nguồn đầu tư của Trung ương, đặc biệt là từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để hỗ trợ đồng bào thiểu số khu vực vùng sâu, vùng xa, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Một trong những nội dung được Tỉnh tập trung thực hiện là hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng.

Lễ hội Hoa ban được tổ chức hằng năm (từ năm 2014) vào dịp hoa Ban nở trắng khắp núi rừng
Tây Bắc đã trở thành sản phẩm đặc trưng, độc đáo của tỉnh Điện Biên

Điện Biên là tỉnh biên giới, miền núi phía Bắc có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Với nhiều di tích lịch sử có giá trị, cộng đồng các dân tộc có những nét đặc trưng về văn hoá, phong tục tập quán, Điện Biên xác định phát triển du lịch là một trong những hướng đi giúp phát triển kinh tế xã hội địa phương, nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 07/5/2021 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 03-NQ/TU, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 03/03/2023 phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Điểm nhấn của Đề án này là tập trung xây dựng Khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang cơ bản đáp ứng tiêu chí của khu du lịch cấp quốc gia và đưa Lễ hội Hoa Ban trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mang thương hiệu riêng có của tỉnh Điện Biên. Bên cạnh đó, đến năm 2025, Điện Biên sẽ phát triển thêm ít nhất 01 khu du lịch cấp tỉnh và 07 điểm du lịch được công nhận, đến năm 2030, xây dựng Khu du lịch Tủa Chùa trở thành Khu du lịch Quốc gia và sẽ có thêm từ 05 khu du lịch cấp tỉnh và 08 điểm du lịch được công nhận nhằm tạo ra đa dạng tuyến, điểm tham quan, điểm du lịch, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc và hấp dẫn.

Du lịch lịch sử - tâm linh là một trong 3 nhóm sản phẩm chính của Điện Biên.
Trong ảnh: Cứ điểm đồi A1 nằm trong quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh Xuân Tiến

Mục tiêu của Đề án là thu hút trên 1,45 triệu lượt du khách vào năm 2025 và 2,65 triệu lượt vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Tỉnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm là: Phát triển kết cấu hạ tầng du lịch (chủ yếu là hạ tầng giao thông); Hình thành 3 nhóm sản phẩm du lịch chính là lịch sử tâm linh; văn hoá, sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe; quy hoạch thành 3 phân vùng du lịch với các Khu du lịch, điểm du lịch và tuyến du lịch cụ thể gắn với sản phẩm thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với bản sắc của cộng đồng dân cư trên địa bàn mỗi huyện, thành phố.

Bên cạnh đó, để hoạt động du lịch ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại, Đề án đưa ra 13 nhóm giải pháp chính, trong đó tập trung tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng phát triển du lịch; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch… Việc thực hiện Đề án sẽ giúp tạo ra các sản phẩm và loại hình du lịch mới gắn với khai thác các tiềm năng, thế mạnh của Điện Biên, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng. Bên cạnh đó, sự phát triển của hoạt động du lịch sẽ giúp tạo việc làm cho 27 nghìn lao động trực tiếp đến năm 2030, góp phần nâng cao giữ gìn và phát huy văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững.

Về nguồn lực để thực hiện, Đề án xây dựng tổng nhu cầu kinh phí dự kiến trong cả giai đoạn từ 2023 - 2030 là trên 1.307 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách của Trung ương và địa phương dự kiến là 552 tỷ đồng, chiếm khoảng 42,2%, còn lại là vốn xã hội hoá và vốn hợp pháp khác. Như vậy, trong điều kiện nguồn thu của địa phương còn thấp, Tỉnh sẽ tăng cường lồng ghép các chương trình mục tiêu, đồng thời huy động, thu hút, kêu gọi các nguồn lực để phát triển du lịch. Đơn cử, đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, Tỉnh chỉ đạo các ngành sẽ ưu tiên tập trung đầu tư cho các xã nằm trong khu, điểm du lịch được quy hoạch tổ chức duy trì nhiều hoạt động để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc truyền thống, kết hợp các loại hình văn hóa phi vật thể (ca, múa, nhạc dân gian) với văn hóa ẩm thực đặc trưng của dân tộc bản địa làm nên “chất liệu” riêng biệt cho từng khu vực.

Người dân Nà Sự cải tạo nhà ở và không gian cảnh quan trong bản,
tạo điểm nhấn để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm

Với những chủ trương trên, hoạt động du lịch địa phương ngày càng diễn ra sôi nổi. Đơn cử tại bản Nà Sự, địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn của xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Khi chủ trương phát triển du lịch cộng đồng được triển khai, với sự vào cuộc của các ngành, huyện và xã, người dân đã được tuyên truyền, vận động, khơi dậy khát khao vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng, xây dựng nhà văn hoá, chương trình quảng bá, tiếp cận nguồn vốn chính sách để cải tạo, nâng cấp nhà cửa, mua sắm đồ dùng, thiết bị phục vụ lưu trú, tham gia lớp đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng làm du lịch cộng đồng của chính quyền địa phương đã tiếp thêm động lực để đồng bào dân tộc xây dựng Nà Sự trở thành một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với các hoạt động trải nghiệm thú vị. Có thể kể đến  các hoạt động như: khách du lịch cùng với bà con như trồng trọt, chăn nuôi hoặc các hoạt động văn hoá, văn nghệ, tín ngưỡng… vô cùng gần gũi và thân thiện. Nhờ vậy, lượng du khách đến với Nà Sự đã tăng qua từng tháng, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Cùng với Nà Sự, Điện Biên đã và đang triển khai thêm nhiều điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu như: Bản Che Căn (xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ); bản Mường Then (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên); bản Phiêng Lơi (xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ)... Những điểm này khi kết hợp với quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, sẽ tạo nên nhiều tuyến du lịch đặc sắc, thu hút và giữ chân du khách trong và ngoài nước đến với Điện Biên, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Điện Biên sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc./.

Trịnh Long