Quảng Ninh: Phát triển sản phẩm OCOP ở các huyện miền núi

|

Quảng Ninh: Phát triển sản phẩm OCOP ở các huyện miền núi

Năm 2013, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Sau 10 năm triển khai, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi mà ở cả vùng miền núi, dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của Tỉnh.

OCOP góp phần nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi

Quảng Ninh hiện có 21 dân tộc thiểu số với hơn 162 nghìn người, sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, song lại là những địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. 

Năm 2013, khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình OCOP, Quảng Ninh luôn bám sát mục tiêu mà Chính phủ hướng tới trong phát triển kinh tế, xã hội là phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đến nay, chương trình OCOP của Quảng Ninh đã trở thành người bạn đồng hành của người nông dân, góp phần nâng tầm giá trị các sản phẩm truyền thống của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, đặc biệt là ở các vùng DTTT và miền núi của Tỉnh.

 
Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP

Tính đến tháng 3/2023, Quảng Ninh đã có 569 sản phẩm thuộc 6 nhóm tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có 336 sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao, gồm: 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp trung ương, 87 sản phẩm đạt 4 sao và 246 sản phẩm đạt 3 sao. Trong đó, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có 116 sản phẩm tham gia chương trình, với 60 cơ sở và có 39 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao. Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số áp dụng trong việc tiêu thụ sản phẩm nông đặc sản của địa phương, đến nay, đã có 256 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của tỉnh (đạt 76%) được đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn.

Đặc biệt, trong các sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao ở nhóm sản phẩm khác nhau, có rất nhiều sản phẩm ở các huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS của tỉnh Quảng Ninh như: Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ... Những sản phẩm OCOP của vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Ninh mang đặc trưng của văn hóa địa phương, đã và đang khẳng định chỗ đứng trên bản đồ sản phẩm OCOP Việt Nam cũng như vươn ra ngoài thế giới. Điển hình như: Gà Tiên Yên, miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Ba Chẽ...

Bên cạnh đó, nhiều mô hình kinh tế áp dụng khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển và được nhân rộng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi như: Mô hình trồng trà hoa vàng, nuôi bò tại huyện Ba Chẽ, mô hình nuôi dê sinh sản tại huyện Bình Liêu và mô hình nuôi lợn nái, gà thương phẩm, trồng mía tím… ở các địa phương trong tỉnh. Đây được xem như một bước đột phá, mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập theo hướng gia tăng giá trị, đồng thời quảng bá nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

Dấu ấn phát triển và nâng tầm OCOP tại các địa phương

Bình Liêu là một trong những địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa nhất của tỉnh Quảng Ninh với tỷ lệ người dân là đồng bào DTTS chiếm đa số. Nhiều năm qua, câu chuyện về giảm nghèo, thoát nghèo luôn là niềm trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương. Chính vì vậy, ngay sau khi Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, Bình Liêu đã tập trung phát triển chương trình OCOP dựa trên thế mạnh của mình và coi đây là chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế địa phương.

Qua 10 năm thực hiện chương trình, đến nay, huyện Bình Liêu đã có 13 tổ chức tham gia OCOP với 28 sản phẩm, trong đó có 16 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao. Chương trình OCOP đã giúp sản phẩm nông nghiệp của huyện Bình Liêu dần có chỗ đứng trên thị trường trong nước và nâng cao được giá trị của sản phẩm. Chỉ riêng với sản phẩm miến dong, Bình Liêu hiện có 5 cơ sở đăng ký tham gia chương trình OCOP, trong đó sản phẩm của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu là sản phẩm duy nhất đạt chứng nhận 4 sao. Bên cạnh miến dong, Bình Liêu cũng chú trọng phát triển các sản phẩm có thế mạnh như: Tinh dầu hồi, mật ong, trà lan kim tuyến và rượu thảo dược lục hồn…

Để nâng tầm nông sản địa phương, huyện Bình Liêu đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại; thường xuyên củng cố, rà soát nâng cao chất lượng sản phẩm và hoạt động của các đơn vị tham gia chương trình; tích cực hướng dẫn, khuyến khích các HTX đăng ký phát triển sản phẩm mới. Nhờ đó, chương trình OCOP đã đạt kết quả tích cực; các đơn vị tham gia chương trình đã có ý thức hoàn thiện các tiêu chuẩn sản phẩm; các hình thức tổ chức sản xuất ngày càng phát triển, có nhiều HTX mới được thành lập, từng bước trưởng thành, phát huy hiệu quả ngày càng thực chất hơn.

Theo UBND huyện Bình Liêu, chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào DTTS, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương, thúc đẩy sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, tập trung. Năm 2023, Bình Liêu phấn đấu phát triển mới ít nhất 2 sản phẩm trở lên; có thêm 3 sản phẩm mới đạt từ 3 sao, 1 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao để tham gia dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Tại huyện Ba Chẽ, để thúc đẩy chương trình OCOP, Huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nhóm, hộ gia đình; khuyến khích các tổ chức kinh tế không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP trên thị trường, mạnh dạn nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới.

Để khuyến khích thành lập các tổ chức OCOP, từ năm 2017 đến nay, huyện Ba Chẽ đã bố trí 250 triệu đồng hỗ trợ thành lập mới 10 HTX theo quy định. Huyện còn huy động được các nguồn vốn khuyến nông trung ương, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển 2 loại cây dược liệu quý của địa phương là ba kích tím và trà hoa vàng với tổng kinh phí 880 triệu đồng.

Mặt khác, Ba Chẽ cũng đẩy mạnh phát triển các kênh tiêu thụ truyền thống và hiện đại nhằm xây dựng, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Với cách làm bài bản, đến nay, huyện Ba Chẽ đã phát triển được 14 sản phẩm OCOP, tập trung ở nhóm thực phẩm và đồ uống với 100% sản phẩm được đánh giá cao, xếp hạng từ 3 đến 4 sao. Trong đó có 5 sản phẩm được chế biến từ ba kích và trà hoa vàng. Đây cũng là nhóm sản phẩm được huyện Ba Chẽ tập trung phát triển trong thời gian tới.

Huyện Đầm Hà cũng là huyện miền núi nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh với 9 DTTS sinh sống (chiếm 30% dân số toàn huyện), chủ yếu là người Dao, Sán Chỉ, Tày, Sán Dìu... Đồng bào DTTS nơi đây không chỉ gìn giữ được những nét văn hóa độc đáo, cuốn hút mà cùng với các thành phần kinh tế khác, bà con DTTS đã và đang tham gia tích cực vào việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.

Củ cải là một trong những cây trồng bản địa, được các hộ dân Đầm Hà trồng vào vụ đông. Trước đây, giá trị kinh tế của củ cải rất thấp, nên diện tích trồng còn nhỏ lẻ, năng suất thấp. Từ năm 2014, củ cải được lựa chọn là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của huyện, có sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, nên người dân trên địa bàn đã mạnh dạn mở rộng diện tích, sản xuất 2 vụ/năm. Hiện, cả hai dòng sản phẩm củ cải khô và củ cải phên Đầm Hà được tỉnh xếp hạng 3 sao.

Triển khai chương trình OCOP, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; giúp người dân nâng cao nhận thức người dân để thực sự là chủ thể; quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung, lựa chọn các sản phẩm, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất. Đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ để các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm, nhãn mác, bao bì sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại. Đến nay, Đầm Hà có 31 sản phẩm OCOP của 21 cơ sở sản xuất; trong đó có 5 sản phẩm đạt bốn sao, 11 sản phẩm đạt ba sao. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như: Gà bản Đầm Hà, dưa lưới Đầm Hà, trứng vịt biển Tân Bình, rượu sim Quý Chuẩn...

Với những kết quả đã đạt được, Đầm Hà đã chuẩn bị một chiến lược bài bản, nhằm tiếp tục đưa chương trình OCOP phát triển hiệu quả, có chiều sâu. Đây là bước đi quan trọng tiếp theo để huyện thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025.

Huyện Tiên Yên, Quảng Ninh có 10 dân tộc cùng sinh sống như Kinh, Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa, Thái, Cao Lan... trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 50% dân số. Nhờ đẩy mạnh phát triển chương trình OCOP, các sản phẩm nông sản vốn là thế mạnh của huyện Tiên Yên đã được phát triển mạnh mẽ, nâng tầm giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Huyện đã và đang đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất tập trung, như: Vùng nuôi gà Tiên Yên, vùng nuôi tôm, vùng trồng cây ăn quả tập trung... Tới nay, các vùng sản xuất tập trung đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực với các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của huyện cũng được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, được cấp mã vùng và được ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, nuôi trồng. Điển hình, như: Nuôi tôm thẻ chân trắng, chăn nuôi gà Tiên Yên, bò thịt, nuôi vịt mặn lợ, nuôi ong lấy mật, nuôi ngan sao, rau cải xanh muối dưa úp thảm, trồng cây dong riềng, khoai lang, dược liệu, cam, thông mã vĩ và cây bản địa...

Cùng với đó, để phát triển sản phẩm OCOP của địa phương theo hướng bền vững, lâu dài, huyện Tiên Yên tập trung xây dựng sản phẩm chất lượng từ hình thức, mẫu mã tới các giải pháp truy xuất, kiểm soát chất lượng trên sản phẩm, như: Gà Tiên Yên, mật ong Tiên Yên, khâu nhục, trứng vịt biển Đồng Rui, các sản phẩm bánh kẹo Tiên Yên...

Để các sản phẩm OCOP được phát triển mạnh mẽ, toàn diện, huyện đẩy mạnh việc hình thành, thành lập mới các HTX để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 41 HTX, trong đó 31 HTX nông nghiệp, 10 HTX phi nông nghiệp. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả và hình thành được chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm như: HTX chăn nuôi gà Tiên Yên quy mô nuôi trên 80.000 gà thương phẩm/năm; HTX Hà Lâu quy mô trên 70.000 gà thương phẩm/năm...

Hằng năm, huyện thành lập đoàn và hỗ trợ các chủ thể tham gia giới thiệu và bán sản phẩm tại các kỳ hội chợ OCOP. Hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng được mở rộng và đa dạng để thích nghi phù hợp với phương thức giao thương trong thời kỳ mới, như: Tăng cường bán hàng trên các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội (Shopee, Voxo, Facebook, zalo... )

Đến nay, Tiên Yên đã có 20 sản phẩm OCOP đạt sao cấp tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 17 sản phẩm đạt 3 sao và 33 sản phẩm tham gia vào chu trình là sản phẩm lợi thế của huyện đảm bảo điều kiện để tham gia hội chợ OCOP trong Tỉnh. Theo UBND huyện Tiên Yên, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi, trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường.

Để sản phẩm OCOP vươn xa hơn trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục coi trọng chuyển giao, ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Đồng thời tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm, chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối; Đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông; Tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh… Hy vọng rằng, các giải pháp trên sẽ góp phần giúp các địa phương tạo dấu ấn, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP./.

 
Trọng Nghĩa