Thủy Nguyên phát huy tiềm lực sẵn sàng trở thành đô thị loại III

|

Thủy Nguyên phát huy tiềm lực sẵn sàng trở thành đô thị loại III

Huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) là huyện lớn nằm bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, ngoài lợi thế phát triển công nghiệp, còn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ. Với nguồn lực vững vàng cùng tiềm năng to lớn, bộ máy hành chính năng động, hiệu quả, huyện Thủy Nguyên hội tụ đầy đủ các yếu tố quan trọng để sớm trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng vào năm 2025.
 
Biến tiềm năng thành động lực 
 
Huyện Thủy Nguyên giữ vai trò quan trọng trong mối quan hệ nội vùng và liên vùng của thành phố Hải Phòng và được xác định là một hướng phát triển đô thị đột phá của Thành phố, đồng thời là cầu nối về kinh tế đối với các khu vực giáp ranh của 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương. Đặc biệt, Huyện góp phần quan trọng trong vai trò của Hải Phòng với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; vành đai ven biển: Việt Nam - Đông Nam Á – Trung Quốc; hai hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; Trung tâm tổng hợp (kinh tế - khoa học - kỹ thuật tổng hợp) của vùng Duyên hải Bắc Bộ.

Đặc biệt, so với nhiều địa phương trong Tỉnh, Thủy Nguyên được đánh giá có nhiều địa danh, di tích nổi tiếng,...là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa - lịch sử, tâm linh như: Di tích Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức), di tích bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê), bãi cọc Đầm Thượng (xã Lại Xuân)... Một số địa danh mang đậm bản sắc văn hóa của vùng ven đô giáp hải cảng với nhiều thắng cảnh đẹp như: Hồ Sông Giá, hang Lương, hang Vua, khu vực núi Tràng Kênh... cùng nhiều công trình kiến trúc độc đáo, những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của huyện Thủy Nguyên luôn vượt mục tiêu, duy trì ở mức cao, tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, thu hút đầu tư trên địa bàn tăng, nhiều dự án được xây dựng mới, các doanh nghiệp cũng phát triển cả về số lượng lẫn quy mô, kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại, đồng bộ.
 
Huyện Thủy Nguyên có 3 khu công nghiệp chính, trong đó, VSIP và Nam Cầu Kiền là hai khu công nghiệp đã hiện hữu, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Thành phố, giá trị xuất khẩu lên đến 20 tỷ USD, tạo việc làm và thu nhập tốt cho hơn 100.000 lao động; và Khu công nghiệp Bến Rừng hiện đang thu hút đầu tư phát triển. Đây là cơ sở để Huyện trở thành trung tâm công nghiệp sầm uất, không chỉ tạo công ăn việc làm, thay đổi cuộc sống của người dân, mà còn là tâm điểm thu hút giới đầu tư trong và ngoài nước nhờ môi trường đầu tư hiệu quả, thân thiện và an toàn.
 

Huyện Thủy Nguyên hội tụ đẩy đủ điều kiện, sẵn sàng trở thành đô thị loại III

 
Hoạt động kinh doanh, dịch vụ phát triển ở tất cả các thành phần kinh tế, thị trường mở rộng, lưu thông hàng hóa thông suốt, đa dạng, phong phú; chất lượng dịch vụ, hàng hóa ngày một cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân. Một số công trình dịch vụ - thương mại có quy mô tương đối lớn có thể kể đến như: Trung tâm thương mại Thủy Nguyên, Siêu thị Lan Chi Mart, Siêu thị điện máy HC; Các công trình chợ như: Chợ Núi Đèo, chợ Minh Đức, chợ Thủy Đường, chợ Tổng, chợ An Lư… Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ cũng diễn ra sôi nổi góp phần làm cho đô thị thêm sầm uất.
 
Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên đạt 47,87 nghìn tỷ đồng, tăng 17,03% so với cùng kỳ năm trước; đứng top đầu khối quận/huyện. Trong đó: Giá trị sản xuất nhóm công nghiệp - xây dựng đạt 28,59 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1%; thương mại - dịch vụ đạt 16,11 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7%; nông - lâm - thủy sản đạt 3,16 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3%. Tỷ trọng sản xuất các ngành Công nghiệp - xây dựng chiếm 59,7%; dịch vụ chiếm 33,7%; nông - lâm - thủy sản chiếm 6,6%. Thu ngân sách nhà nước thực hiện 4,70 nghìn tỷ đồng, tăng 22,56% so với năm 2022; chi cân đối ngân sách nhà nước cả năm 4,48 nghìn tỷ đồng. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; công tác quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Trên địa bàn các xã, thị trấn hiện nay có 37/37 trạm y tế với trang thiết bị đầy đủ, phục vụ tốt y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
 
Để chuẩn bị cho việc trở thành đô thị loại III, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông huyện Thủy Nguyên được chú trọng đầu tư phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, Huyện đã khởi công và khánh thành nhiều dự án trên địa bàn như: Khởi công Dự án đầu tư xây dựng Cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; Dự án đường tỉnh 359 giai đoạn 2 (từ xã Thủy Triều đến trục giao thông Khu đô thị và công nghiệp Bến Rừng); dự án cải tạo đường thị trấn Minh Đức. Đồng thời, Huyện phối hợp triển khai các dự án đầu tư xây dựng Cầu Rừng, cầu Nguyễn Trãi; chỉ đạo các xã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, văn hóa, giáo dục… bằng nguồn vốn của địa phương như: Các công trình giao thông, chiếu sáng, nhà văn hóa thôn, trường học… tại các xã Thủy Sơn, Thủy Đường, Dương Quan.

Bên cạnh đó, UBND huyện Thủy Nguyên tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; hướng dẫn và thỏa thuận các thủ tục triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị mới Hoàng Huy New City tại xã Tân Dương, xã Dương Quan; Dự án Khu đô thị Hoàng Huy Green River tại xã Hoa Động kết hợp tăng cường kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch được phê duyệt. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng giao thông huyện Thủy Nguyên có sự thay đổi rõ rệt, mang lại lợi thế giao lưu phát triển kinh tế với khu vực trung tâm thành phố và các khu vực lân cận, đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại III.

Song song với đó, Huyện đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong quản lý an ninh trật tự đô thị và cải cách hành chính: Huyện đã đầu tư 29 camera giám sát tầm cao phục vụ công tác giám sát trật tự xây dựng, tài nguyên khoáng sản; 12 camera tại 3 nút điểm nóng giao thông trên địa bàn huyện; 03 camera tích hợp AI tại bộ phận một cửa  các xã Kênh Giang, Hoàng Động, An Lư. 
 
 Hiện, Huyện đang vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát - Điều hành huyện Thủy Nguyên và Ứng dụng Thủy Nguyên Smart với 193.051 tài khoản đăng ký. Giải quyết dứt điểm 13/13 vụ việc phát hiện qua Camera tầm cao; xử lý 148/148 vụ việc ghi nhận qua Thủy Nguyên Smart; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình,...

Về kết quả xây dựng nông thôn mới, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt mục tiêu đề ra. Đến nay tất cả các xã của Thủy Nguyên đều đã đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 833/QĐ-TTg ngày 14/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về công nhận huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Có thể nói, với sự nỗ lực không ngừng của chính quyền các cấp và Nhân dân địa phương trong việc biến tiềm năng thành động lực, kinh tế Huyện trong những năm gần đây đạt tốc độ phát triển khá nhanh. Nhờ đó, bộ mặt đô thị huyện Thủy Nguyên đã mang vóc dáng hiện đại, sôi động, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt; các công trình nhà ở của cư dân, công trình công cộng, phúc lợi xã hội phát triển mạnh...
 
Thủy Nguyễn sẵn sàng trong vai trò đô thị vệ tinh thông minh trực thuộc Thành phố
 
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023) xác định: Thành phố Hải Phòng phát triển theo mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh” cùng cấu trúc không gian đô thị “Hai vành đai - ba hành lang - ba trung tâm và các đô thị vệ tinh”, trong đó, Thủy Nguyên đóng vai trò quan trọng trong “Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ” và “Trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm”. Về định hướng phát triển đô thị, Thủy Nguyên nằm trong “Khu vực đô thị mở rộng phía Bắc” của “Khu vực đô thị trung tâm” với tính chất là khu đô thị mới gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố Hải Phòng; là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, văn hóa - thể dục thể thao, y tế, giáo dục; là trung tâm nghề cá vùng duyên hải Bắc Bộ; Thủy Nguyên nằm trong định hướng phát triển không gian thành phố với mô hình Thành phố trực thuộc Thành phố.
 
Theo Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 02/12/2023, một trong các mục tiêu đến năm 2025 là thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên (bao gồm toàn bộ đảo Vũ Yên). Đến năm 2030, Thủy Nguyên sẽ được xây dựng thí điểm đô thị thông minh đầu tiên tại Hải Phòng và phát triển rộng ra các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
 
Đến nay, đô thị Thủy Nguyên cơ bản hội tụ đủ các điều kiện của đô thị loại III. Tổng diện tích xét đề nghị công nhận Thủy Nguyên đạt tiêu chí đô thị loại III là 269,10 km2 (Diện tích trên địa bàn huyện Thủy Nguyên: 261,91 km2; Diện tích trên địa bàn quận Hải An: 7,19 km2).
 
Trên cơ sở hiện trạng và các số liệu quản lý của cơ quan chuyên môn, huyện Thủy Nguyên đã tiến hành tổng hợp, phân tích số liệu và đối chiếu với các quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị; Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị để so sánh, đánh giá điểm theo 5 tiêu chí quy định đối với đô thị loại III. Kết quả cho thấy, các tiêu chí và tiêu chuẩn của huyện Thủy Nguyên đều đạt, thậm chí vượt mức quy định đối với đô thị loại III và đạt điểm tối đa. Điển hình như: Tiêu chí Quy mô dân số đô thị (8/8 điểm), Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp (6/6 điểm); Tiêu chuẩn Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất, Tăng trưởng tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn so với cả nước, Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều… đều đạt điểm tối đa (2/2 điểm). Đáng chú ý, tiêu chuẩn mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất của Huyện đạt 17,03%, cao hơn rất nhiều so với yêu cầu tiêu chuẩn từ 8 đến ≥ 9% của đô thị loại III. 

 
Có thể nói, việc công nhận đô thị Thủy Nguyên là đô thị loại III trực thuộc thành phố Hải Phòng sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị Thủy Nguyên, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ và Nhân dân, quyết tâm xây dựng huyện Thủy Nguyên trở thành thành phố xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính của thành phố Hải Phòng, một thành phố văn minh, hiện đại, sinh thái và mang đậm bản sắc; đồng thời, tạo động lực tác động lớn đến sự phát triển của thành phố Hải Phòng. Qua đó, tạo đà tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, phát huy những yếu tố tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, góp phần xây dựng trật tự, văn minh đô thị thành phố Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.
 
Đây cũng là cơ hội, tiền đề tốt để huyện Thủy Nguyên tiếp tục khai thác tiềm năng, phấn đấu đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tương xứng là khu đô thị mới gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố Hải Phòng; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch văn hóa và giải trí, y tế, giáo dục, trung tâm nghề cá vùng Duyên hải Bắc Bộ và là cửa ngõ công nghiệp của thành phố Hải Phòng./.
 
Vũ Đình Mạnh
Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Thủy Nguyên, Tp. Hải Phòng