Tại Hậu Giang, ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo thu hoạch vụ lúa Thu đông 2024, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về diện tích, năng suất và sản lượng theo kế hoạch đề ra, đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất vụ lúa Đông xuân 2024-2025, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, tuân thủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ Đông xuân theo kế hoạch. Thực hiện công tác dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại trên các loại cây trồng để khuyến cáo nông dân các biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Về trồng trọt
Vụ lúa Hè thu năm 2024, toàn tỉnh Hậu Giang đã xuống giống được 74.184,9 ha, đạt 100,52% kế hoạch của tỉnh (73.800 ha), giảm 1,36% so với cùng kỳ (bằng 1.022,2 ha). Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã thu hoạch dứt điểm năng suất chính thức đạt 60,04 tạ/ha, giảm 0,53% (bằng 0,32 tạ/ha) so với cùng kỳ. Sản lượng đạt 445.406 tấn, giảm 1,88% (bằng 8.544 tấn) so với cùng kỳ. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là về cuối vụ, tình trạng mưa, bão kéo dài, làm chậm tiến độ thu hoạch lúa, gây ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa.
Vụ lúa Thu đông năm 2024, tỉnh Hậu Giang đã xuống giống được 27.740 ha, tăng 2,24% (bằng 609 ha) so với cùng kỳ. Hiện đã thu hoạch được 25.741,5 ha, tăng 1,26% (bằng 391,5 ha). Diện tích lúa còn lại hiện đang ở giai đoạn đẻ nhánh, trổ chín, chủ yếu tập trung ở huyện Long Mỹ và thành phố Ngã Bảy. Các giống được sử dụng chủ yếu như: OM18, Đài thơm 8, OM5451,… Giá lúa tươi tại ruộng một số giống như sau: OM5451 có giá dao động từ 7.300-7.500 đồng/kg; OM18 có giá từ 8.000-8.200 đồng/kg. Nhìn chung, giá lúa tăng so với cùng kỳ từ 500-700 đồng/kg.
Niên vụ mía 2023-2024, diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đạt 3.216,2 ha, đạt 102,1% kế hoạch (3.150 ha), tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy, giảm 2,12% so với cùng kỳ (bằng 69,5 ha). Nguyên nhân do chuyển đổi sang cây rau màu và cây lâu năm. Hiện nay, Tỉnh đã thu hoạch được 2.186 ha. Giá mía ROC 16 bán mía ép nước giải khát có giá từ 1.200-1.400 đồng/kg, các giống Suphen có giá từ 1.000-1.300 đồng/kg, giá bán tăng 100-200 đồng/kg so với tháng trước. Diện tích còn lại chủ yếu ở giai đoạn 10-11 tháng tuổi, sinh trưởng và phát triển tốt.
Diện tích gieo trồng ngô hiện có 2.494,43 ha, so cùng kỳ năm trước giảm 7,02% (bằng 188,47 ha). Năng suất ước đạt 59,07 tạ/ha, giảm 1,15% (bằng 0,69 tạ/ha). Sản lượng ước được 13.588,5 tấn, so cùng kỳ năm trước giảm 8,56% (bằng 1.272,82 tấn), nguyên nhân sản lượng giảm do thay đổi lịch thời vụ nên diện tích thu hoạch giảm mạnh so với cùng kỳ.
Trong khi đó, diện tích gieo trồng rau hiện nay của Hậu Giang là 24.172,64 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 3,73% (bằng 937,73 ha). Ước sản lượng đạt 334.110,65 tấn, tăng 6,5% (bằng 20.403,24 tấn). Nguyên nhân sản lượng tăng mạnh do chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang loại có năng suất cao và thời tiết thuận lợi nên năng suất tăng.
Một số cây lâu năm ăn quả chủ yếu của tỉnh Hậu Giang so với cùng kỳ như sau:
Cây dứa (khóm) hiện có 3.328,15 ha, tăng 3,50% (bằng 112,4 ha); sản lượng 11 tháng ước được 40.520,39 tấn, tăng 5,17% (bằng 1.990,96 tấn), nguyên nhân tăng so cùng kỳ là do hộ chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi hơn, diện tích thu hoạch và năng suất tăng. Cây bưởi hiện có 1.717,05 ha, tăng 1,18% (bằng 20,05 ha); sản lượng 11 tháng ước được 20.151,03 tấn, tăng 7,44% (bằng 1.395,39 tấn), do diện tích cho trái và năng suất thu hoạch tăng khá. Cây mít hiện có 10.164,06 ha, tăng 1,12% (bằng 112,23 ha); sản lượng 11 tháng ước đạt 149.522,49 tấn, tăng 21,77% (bằng 26.735,74 tấn), do diện tích đã đến kỳ thu hoạch và năng suất tăng. Ngoài ra, diện tích chanh không hạt hiện có 2.970,66 ha, tăng 3,17% (bằng 91,41 ha); sản lượng 11 tháng ước đạt 29.898,82 tấn, tăng 2,90% (bằng 844,03 tấn). Diện tích mãng cầu có 706,87 ha, giảm 0,91% (bằng 6,49 ha); sản lượng 11 tháng ước đạt 8.956,58 tấn, tăng 8,61% (bằng 710,05 tấn), do diện tích thu hoạch tăng và năng suất được cải thiện, người dân ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Sầu riêng có 2.870,52 ha, tăng 7,37% (bằng 197,14 ha); sản lượng 11 tháng ước đạt 7.030,7 tấn, tăng 49,20% (bằng 2.318,48 tấn), do diện tích thu hoạch tăng và năng suất tăng cao.
Về chăn nuôi
Trong tháng, lực lượng thú y trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thường xuyên thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và tiêm phòng một số bệnh thường gặp trên gia súc, gia cầm như: Dịch tả heo, bệnh lở mồm long móng, dịch tả vịt,… Thực hiện công tác tiêu độc, sát trùng trên các chuyến xe, tàu vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; giám sát vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh. Ước tính tháng 11/2024, số đầu con gia súc, gia cầm so với cùng kỳ cụ thể như sau:
Đàn trâu ước được 1.201 con, giảm 4,15% (bằng 52 con) so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do đa số diện tích đất trồng lúa đều sử dụng cơ giới hóa thay cho sức cày kéo của trâu, môi trường nuôi ngày càng bị thu hẹp nên số lượng nuôi giảm so với cùng kỳ. Đàn bò ước được 4.480 con, tăng 2,42% (bằng 106 con) so với cùng kỳ, do giá cả ổn định, ít dịch bệnh xảy ra, người chăn nuôi có lãi nên nuôi nhiều hơn.
Đàn heo (tính cả heo con chưa tách mẹ) ước được 146.157 con, tăng 0,22% (bằng 323 con) so với cùng kỳ. Trong đó: Heo thịt 103.036 con, tăng 0,13% (bằng 129 con). Nguyên nhân tổng đàn heo trên địa bàn tăng là do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ, những hộ nuôi nhỏ lẻ đã tái đàn trở lại, những hộ nuôi quy mô gia trại, trang trại tiếp tục sản xuất, tái đàn và mở rộng quy mô chuồng trại, giá bán đang ổn định. Ngành chức năng của Tỉnh luôn chỉ đạo chặt chẽ việc tái đàn heo đúng theo thời điểm để phù hợp với tình hình thực tế địa phương cũng như rà soát, xác định những cơ sở chăn nuôi lớn đảm bảo thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi. Từ đó tổng đàn từng bước được khôi phục góp phần tăng về số lượng và chất lượng.
Đàn gia cầm ước được 4.542,18 ngàn con, tăng 2,83% (bằng 125,21 ngàn con) so với cùng kỳ. Trong đó: Đàn gà 1.951,5 ngàn con, tăng 6,47% (bằng 118,52 ngàn con) so với cùng kỳ. Nhìn chung đàn gia cầm trên địa bàn Tỉnh hiện nay đã ổn định và ít xảy ra dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, dịch tả heo Châu Phi chỉ xảy ra tại 04 ổ dịch (18 hộ) trên địa bàn tỉnh và đã được khống chế./.
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang