Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024, song bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên tiếp tục có những gam màu sáng, với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì mức khá
Tổng sản phẩm GRDP (theo giá so sánh) trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2024 ước đạt 16.263,22 tỷ đồng, tăng khoảng 8,51% so với năm 2023. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 4,06%; công nghiệp - xây dựng tăng 0,66%; dịch vụ tăng 13,08%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 8,00% so với năm 2023.
Tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì mức khá
Tổng sản phẩm GRDP (theo giá so sánh) trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2024 ước đạt 16.263,22 tỷ đồng, tăng khoảng 8,51% so với năm 2023. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 4,06%; công nghiệp - xây dựng tăng 0,66%; dịch vụ tăng 13,08%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 8,00% so với năm 2023.
Kinh tế Điện Biên năm 2024 ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,68%, giảm 0,12%; công nghiệp - xây dựng chiếm 21,46%, tăng 0,04%; dịch vụ chiếm 58,60%, giảm 0,15%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 4,27%, giảm 0,02% so với năm 2023.
GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) ước đạt 48,22 triệu đồng/người/năm, tăng 10,98% so với thực hiện năm 2023.
Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định
Năm 2024, sản xuất lương thực trên địa bàn được quan tâm phát triển cả về cơ cấu sản phẩm và chất lượng sản phẩm. Tổng sản lượng lương thực ước đạt gần 287 nghìn tấn, đạt 101,79% kế hoạch năm.
Diện tích các loại cây công nghiệp chủ lực tiếp tục được duy trì và phát triển, cho hiệu quả kinh tế khá, diện tích trồng mới liên tục được mở rộng thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Tổng diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh hiện có trên 5 nghìn ha, sản lượng mủ cao su ước đạt trên 5,4 nghìn tấn, tăng 175,8 tấn so với cùng kỳ, đạt 101,1% kế hoạch năm; diện tích chè 628,9 ha, đạt 102,6% kế hoạch, sản lượng búp chè tươi đạt 198 tấn, đạt 110%; diện tích cà phê trên 4.5 nghìn ha, đạt 164,7%, sản lượng cà phê nhân ước đạt trên 5,7 nghìn ha, đạt 139,3% kế hoạch.
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng thực hiện tốt. Tỷ lệ che phủ rừng đạt kế hoạch đề ra (44,5%).
Trong năm, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các kế hoạch, đề án phát triển sản xuất, nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng. Hiện đã chuyển đổi trên 2,6 nghìn ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả (chủ yếu là lúa nương) sang các loại cây trồng khác; tiếp tục duy trì khoảng trên 10 nghìn ha diện tích trồng lúa chất lượng cao.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện quyết liệt. Ước đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 01 xã so với năm 2023; 53 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân đạt 15,06 tiêu chí/xã; 200 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.
Công nghiệp là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Năm 2024, công nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại địa phương, dự ước chỉ số toàn ngành công nghiệp IIP tăng khá so với cùng kỳ năm trước, tăng 24,37%, trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 4,95%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước tăng 89,09% so với năm 2023.
Các chương trình, dự án trọng điểm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong năm, tỉnh tiếp tục triển khai thi công xây dựng 06 dự án thủy điện, đưa vào vận hành khai thác nhà máy thủy điện Mường Luân 2, nâng tổng số nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác lên 20 nhà máy với công suất lắp máy 279,3MW, sản lượng điện phát ra tăng mạnh so với năm 2023.
Thương mại, dịch vụ là điểm sáng với nhiều kết quả ấn tượng
Trong bức tranh tăng trưởng kinh tế, ngành thương mại dịch vụ tiếp tục là điểm sáng với nhiều kết quả ấn tượng. Năm 2024, Điện Biên đã tổ chức thành công gần 170 sự kiện chính trị, văn hóa thể thao và du lịch, đặc biệt sự kiện Năm Du lịch quốc gia- Điện Biên 2024; các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ... tạo động lực, hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh. Lượng khách du lịch và tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đều tăng cao so với năm 2023, trong đó, lượng khách du lịch đến Điện Biên ước đạt 1,85 triệu lượt, tăng gấp gần 1,9 lần và vượt 42,3% kế hoạch năm; tổng doanh thu du lịch ước đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 1,9 lần, vượt 50% so với kế hoạch năm. Có thể thấy, những kết quả ấn tượng sẽ tạo tiền đề quan trọng để du lịch Điện Biên tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Chương trình nghệ thuật Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên
và Lễ hội về miền Hoa Ban 2024
và Lễ hội về miền Hoa Ban 2024
Cùng với tăng trưởng của du lịch, các ngành dịch vụ thương mại cũng đạt mức tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường tăng mạnh, ước đạt trên 26 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 24,44% so với năm trước, đạt 110,39% kế hoạch năm. Các hoạt động về thương mại biên giới, xuất nhập khẩu được duy trì ổn định và có mức tăng trưởng khá, dự ước tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt gần 140 triệu USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 108% kế hoạch năm.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực
Trong năm 2024, tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư thường kỳ; hội nghị, hội thảo quốc tế về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch VACOD – Điện Biên 2024. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thực hiện các giải pháp tạo cơ chế thông thoáng thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu, lập và triển khai các dự án trong lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế. Trong năm, UBND tỉnh Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 9 dự án về lĩnh vực khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ và nông nghiệp với tổng vốn đầu tư dự kiến đăng ký thực hiện trên 2,2 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, đã có 211 dự án đầu tư được chấp nhận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 51 nghìn tỷ đồng.
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh của Điện Biên đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tăng 31 bậc so với năm 2022, xếp thứ 31 trên bảng xếp hạng toàn quốc; xếp thứ 20/63 tỉnh thành về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2023, tăng 2 bậc so với năm trước và là thứ hạng cao nhất của Tỉnh từ trước tới nay; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) có sự chuyển biến tích cực, tăng 25 bậc so với năm 2022.
Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt
Năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho khoảng trên 11 nghìn lao động, vượt 20,64% kế hoạch năm; tuyển sinh đào tạo nghề cho gần 11 nghìn người, vượt 24,52% kế hoạch, tăng 20,84% so với năm 2023.
Các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm, triển khai có hiệu quả, đặc biệt là đối với cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, hoàn thành bàn giao toàn bộ 5000 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ dân trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,06% so với năm 2023.
Cơ sở vật chất về y tế được cải thiện, công tác khám chữa bệnh ở các tuyến được nâng cao. Các chỉ tiêu tiêm chủng cơ bản tăng so với năm trước; tiêm chủng mở rộng được triển khai thường xuyên ở 100% xã, phường, thị trấn; số bác sỹ bình quân trên 1 vạn dân đạt 12,58 bác sỹ.
Giáo dục và đào tạo tiếp tục được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, toàn ngành có 485 cơ sở giáo dục và đào tạo, các chỉ tiêu huy động dân số trong độ tuổi đến trường cơ bản đạt và vượt kế hoạch giao. Chất lượng giáo dục được nâng cao, năm học 2023 -2024 là năm điểm trung bình các môn thi đỗ tốt nghiệp THPT cao nhất trong 10 năm gần đây.
Có thể nói, những kết quả ấn tượng trong năm 2024 sẽ tạo tiền đề quan trọng để Điện Biên tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025. Kế thừa những kết quả đã đạt được bước sang năm 2025 - năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tỉnh Điện Biên xác định cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, dịch vụ đồng bộ theo hướng hiện đại, đẩy mạnh thực hiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển đột phá về kinh tế -xã hội./.
Bùi Văn Thường
Phó cục trưởng CTK tỉnh Điện Biên
Phó cục trưởng CTK tỉnh Điện Biên