Hơn hai năm qua, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới ngành Giáo dục và tiếp tục tạo nên những thách thức cho năm học mới 2021 - 2022. Vì vậy, chuyển đổi và thích ứng trở thành điều tiên quyết để toàn Ngành thực hiện mục tiêu bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Một năm nhiều khó khăn, thách thức
Năm học mới 2021-2022 bắt đầu trong bối cảnh 23 tỉnh, thành phải thực hiện phong tỏa, giãn cách. Lần đầu tiên lễ khai giảng được tiến hành online, mở đầu cho một năm học đảo lộn và gián đoạn, buộc 22 triệu học sinh - sinh viên ở nhà nhiều hơn đến lớp. Nếu như đầu năm học, chỉ khoảng hơn 20 địa phương trong số 63 tỉnh thành có thể dạy trực tiếp hoàn toàn, thì có thời điểm, hồi cuối tháng 11, con số này chỉ còn 9. Hàng triệu trẻ lớp 1 ở nhiều nơi chưa từng một ngày được đến trường mới. Trong năm 2021, phần lớn học sinh - sinh viên chỉ đi học trực tiếp trọn vẹn khoảng hai tháng, bên cạnh ba tháng nghỉ hè và bảy tháng học online.
Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức dạy và học. Tại các gia đình, trẻ em từ chỗ bị cấm hoặc hạn chế dùng thiết bị điện tử, nay buộc phải ngồi trước màn hình máy tính hoặc điện thoại nhiều giờ mỗi ngày. Mọi nội dung giảng dạy, từ tập viết cho học sinh lớp 1 đến việc thực hành của sinh viên đại học đều tiến hành online, qua nhiều hình thức như livestream, quay video mô phỏng...
Một năm nhiều khó khăn, thách thức
Năm học mới 2021-2022 bắt đầu trong bối cảnh 23 tỉnh, thành phải thực hiện phong tỏa, giãn cách. Lần đầu tiên lễ khai giảng được tiến hành online, mở đầu cho một năm học đảo lộn và gián đoạn, buộc 22 triệu học sinh - sinh viên ở nhà nhiều hơn đến lớp. Nếu như đầu năm học, chỉ khoảng hơn 20 địa phương trong số 63 tỉnh thành có thể dạy trực tiếp hoàn toàn, thì có thời điểm, hồi cuối tháng 11, con số này chỉ còn 9. Hàng triệu trẻ lớp 1 ở nhiều nơi chưa từng một ngày được đến trường mới. Trong năm 2021, phần lớn học sinh - sinh viên chỉ đi học trực tiếp trọn vẹn khoảng hai tháng, bên cạnh ba tháng nghỉ hè và bảy tháng học online.
Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức dạy và học. Tại các gia đình, trẻ em từ chỗ bị cấm hoặc hạn chế dùng thiết bị điện tử, nay buộc phải ngồi trước màn hình máy tính hoặc điện thoại nhiều giờ mỗi ngày. Mọi nội dung giảng dạy, từ tập viết cho học sinh lớp 1 đến việc thực hành của sinh viên đại học đều tiến hành online, qua nhiều hình thức như livestream, quay video mô phỏng...
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Giáo viên không chỉ đứng lớp trước học sinh mà còn trước cả phụ huynh những người phải chia sẻ trách nhiệm với việc học của con cháu. Lớp càng bé, trách nhiệm của gia đình càng lớn và nhiều hơn. Trong đó, khối mầm non chịu nhiều thiệt thòi nhất. Các em không được đến trường, cũng không thể tổ chức học online. Chỉ một số trường nỗ lực gửi video hướng dẫn bài học, hoạt động để phụ huynh vui chơi cùng con.
Bên cạnh việc học, việc thi cử, tuyển sinh cũng phải thay đổi cả hình thức, thậm chí cách thức để phù hợp với đại dịch. Lần đầu tiên, Hà Nội quyết định cho học sinh nghỉ hè sớm nửa tháng (từ 15/5), khi hầu hết chưa làm bài kiểm tra cuối kỳ, chưa hoàn thành năm học. Đến gần cuối tháng 7, dịch bệnh vẫn phức tạp. Không thể chờ lâu hơn nữa, các nhà trường lấy ý kiến phụ huynh, sau đó tổ chức kiểm tra học kỳ II trực tuyến - hình thức mà một số hiệu trưởng khi đó cho rằng ”chỉ mang tính vớt vát”, bởi rất khó quản lý sự trung thực của học sinh. Không ít phụ huynh cũng mang tâm lý ”thi cho xong” để các con thoải mái trước khi vào năm học mới.
Cuộc kiểm tra học kỳ II này như một thử nghiệm dò đường, sau đó nhiều trường học ở Hà Nội và tỉnh thành khác đã mạnh dạn triển khai các kỳ thi trực tuyến để tuyển sinh lớp 6, lớp 10. Sự thay đổi hình thức thi cử kéo theo việc xáo trộn kế hoạch, thời gian, thậm chí số môn, nội dung thi và cách thức xét tuyển.
Ở quy mô toàn quốc, hai năm liên tiếp, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải tổ chức thành hai đợt. Do tính chất quan trọng của kỳ thi quốc gia và bối cảnh khó lường của dịch bệnh, lãnh đạo nhiều địa phương phải cân não trước các quyết định về thời điểm thi tốt nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Dù được tổ chức thành nhiều đợt, đại dịch vẫn khiến khiến hơn 15.000 thí sinh không thể dự thi và lần đầu tiên Bộ cho phép xét đặc cách tốt nghiệp.
Dù dạy học trực tuyến ở thời điểm này là việc tất yếu phải làm và sẽ là câu chuyện lâu dài, nhưng đi kèm với đó là những điều kiện cần thiết về phương tiện, thiết bị, học liệu, sự hỗ trợ, phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Theo thống kê của riêng TP. Hồ Chí Minh đã có tới 75.000 học sinh thiếu thiết bị để có thể học trực tuyến. Như vậy, sẽ có tới hàng trăm nghìn học sinh cần được hỗ trợ để có phương tiện học tập. Trong khi đó, đối với học sinh ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên cương, hải đảo, những nơi truyền hình và internet còn hạn chế hay như đối với học sinh lớp 1 thì việc dạy, học trực tuyến càng không dễ dàng. Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, năm học 2021 - 2022 ngành Giáo dục vẫn tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình năm 2018) với lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức trong đổi mới.
Nhìn nhận về khó khăn của năm học mới 2021 - 2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, cần nhận định đầy đủ, thấu đáo, thực tiễn về tình hình dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội, ý thức đầy đủ các khó khăn và thách thức. ”Không như các lĩnh vực khác, một khi nền giáo dục bị tổn thương, thời gian để phục hồi sẽ rất dài. Vì thế, toàn Ngành cố gắng hết sức để giảm những tổn thương đối với giáo dục”. Bộ trưởng nhấn mạnh, toàn ngành Giáo dục ưu tiên mọi biện pháp để chuyển trạng thái, thích ứng và giảm các tác động tiêu cực đến giáo dục, trên cơ sở không thay đổi mục tiêu bảo đảm chất lượng.
Chủ động linh hoạt thích ứng và kiên trì với mục tiêu chất lượng
Trước một năm học nhiều thách thức, chuyển đổi và thích ứng trở thành yêu cầu và “mệnh lệnh” đối với toàn ngành Giáo dục. Lường trước những khó khăn của Ngành trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đề nghị các địa phương tổ chức năm học mới 2021 - 2022 theo hướng linh hoạt phương pháp, hình thức dạy, học phù hợp thực tế trên cơ sở kế hoạch và nội dung cốt lõi cần đạt. Ðề nghị các địa phương hỗ trợ các nguồn lực tăng cường cho các nhà trường về hạ tầng công nghệ thông tin và điều kiện cần thiết để tổ chức hiệu quả việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Các cơ sở giáo dục tăng cường phối hợp với gia đình học sinh, có biện pháp thiết thực hỗ trợ các đối tượng học sinh khó khăn thiếu phương tiện học tập.
Ðối với mỗi cấp học đều có những giải pháp thích ứng riêng. Trong đó, giáo dục tiểu học chỉ triển khai tổ chức dạy học trực tuyến khi nhà trường bảo đảm đủ điều kiện dạy học, gia đình học sinh được cung cấp thông tin đầy đủ về lịch học và sẵn sàng các điều kiện để phối hợp. Việc tổ chức dạy học trực tuyến phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh và giáo viên phải được tập huấn dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1, 2. Thời khóa biểu thiết kế phù hợp với lứa tuổi, không gây áp lực cho học sinh và tập trung tối đa cho môn Toán và tiếng Việt. Nơi nào không đủ điều kiện dạy học trực tuyến thì tổ chức dạy học qua truyền hình cho học sinh. Giáo viên có thể tận dụng các bài giảng trên truyền hình để phối hợp với cha mẹ học sinh hướng dẫn các em chủ động học tập ở nhà phù hợp.
Ðối với giáo dục trung học, các nhà trường chủ động phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp để chuyển đổi linh hoạt, ứng phó kịp thời với các tình huống diễn biến của dịch Covid-19. Trong đó, ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lý thuyết. Các cấp học tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát và bảo đảm nội dung cốt lõi theo yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục.
Trong Chỉ thị về Thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19 và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học các cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn nhấn mạnh tới việc “tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát” và “bảo đảm nội dung cốt lõi theo yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục”. Quan trọng hơn, đã trao quyền chủ động, linh hoạt cho địa phương trên cơ sở kế hoạch và nội dung cốt lõi cần đạt.
Dù còn nhiều bất cập, nhưng Covid-19 cũng là cơ hội để ngành giáo dục đổi mới nhằm thích ứng linh hoạt, an toàn và phù hợp với bối cảnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần điều chỉnh chương trình dạy và học các cấp theo hướng giảm tải, chỉ giữ lại nội dung ”cốt lõi”. Nếu không vì Covid-19, không có sự chuyển đổi từ dạy - học trực tiếp sang trực tuyến, rất khó để học sinh được học theo cách tinh gọn như vậy. Nhiều trường cũng đổi mới cách ra đề, cách thi, thậm chí là linh hoạt trong đánh giá học sinh, thay vì chỉ dựa vào điểm số như trong ”bình thường cũ”. Chẳng hạn, các trường ở TP. HCM cho học sinh tham quan bảo tàng online, làm infographic, video báo cáo để lấy điểm giữa kỳ môn Lịch sử, trong khi các môn khác kiểm tra online với độ khó vừa phải. Nỗ lực này nhận được sự ủng hộ của học sinh và phụ huynh.
Một khía cạnh tích cực khác là Covid-19 tạo cơ hội nâng cao kỹ năng công nghệ của giáo viên. Dù vẫn còn những giáo viên bộc lộ sự yếu kém, mặt bằng trình độ công nghệ của đội ngũ thầy cô giáo được nâng lên sau một thời gian dài tiếp cận giáo án online. Sau khi đã dùng thành thạo nhiều phần mềm như Zoom, OLM, Quiz, nhiều giáo viên cho biết, nếu không có dạy trực tuyến do Covid-19, bài giảng hiện đại của họ mãi chỉ dừng lại ở trình chiếu Power Point”. Hàng triệu giáo viên trên cả nước đã thay đổi, nâng cao năng lực bản thân để đáp ứng đòi hỏi mới.
Ngoài việc đáp ứng bối cảnh hiện tại, Bộ Giáo dục & Đào tạo dường như đã có tầm nhìn xa hơn về yêu cầu chuyển đổi số và hiện đại hóa công nghệ đào tạo. Ngành giáo dục đã tính đến việc xây dựng nền tảng học trực tuyến mang tầm quốc gia với kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục phát triển kho video bài dạy minh họa, kho học liệu điện tử; xây dựng kịch bản dạy học trực tuyến, cẩm nang dạy học trực tuyến. Đồng thời, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến cho cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán để triển khai tập huấn đại trà tại các địa phương, nhà trường.
Bên cạnh đó, Ngành sẽ đánh giá sâu hơn việc học trực tuyến, từ đó pháp chế hóa những quy định, hướng dẫn về dạy và học trực tuyến, nhằm chuẩn bị cho khả năng đa dạng hóa hình thức đào tạo từ xa, trực tuyến, như cách thế giới đang hướng đến. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc dạy trực tuyến lúc này là hình thức ứng phó tạm thời nhưng khi dịch đã ổn định, Ngành cũng sẽ nghiên cứu để đưa vào thực hiện mang tầm chiến lược.
Bước sang năm mới 2022, dịch bệnh có thể còn kéo dài, khó khăn thách thức phía trước đối với ngành Giáo dục sẽ còn rất lớn. Tuy nhiên, bằng việc tích cực thực hiện các giải pháp nhằm củng cố chất lượng giáo dục, khắc phục, chuyển đổi và thích nghi trong bối cảnh dịch Covid-19, có thể tin tưởng toàn Ngành sẽ sớm đưa các hoạt động giáo dục trở dần trở lại trạng thái bình thường mới, tiếp tục đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trong thích ứng với đại dịch Covid-19./.
Trúc Linh