Sức khỏe học đường vì sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cho học sinh

|

Sức khỏe học đường vì sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cho học sinh

Sức khỏe học đường có 3 trụ cột là dinh dưỡng học đường, thể lực học đường và vệ sinh trường học. Những năm qua, hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên tại các trường đã được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên và mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường cho học sinh vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó việc triển khai Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực trong chăm sóc sức khỏe học đường vì sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cho học sinh.

Chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ Việt Nam khoẻ mạnh, năng động

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới giáo dục, đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung và sức khỏe học đường nói riêng. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiều chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình liên quan. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 thể hiện sự quyết tâm và khát vọng của quốc gia trong việc chăm sóc cho thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có Luật Giáo dục 2019 trong đó mục tiêu của giáo dục phổ thông là phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo cho người học... Cùng với việc ban hành các chính sách, các Bộ, ngành địa phương trong thời gian qua cũng đã triển khai một số chương trình, dự án chăm sóc sức khỏe học đường đưa vào trường học nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh như: Phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, vệ sinh thực phẩm... Đến nay, hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe trẻ em, học sinh phổ thông đã dần đi vào nề nếp và từng bước được cải thiện hơn về chất lượng. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (từ 5 - 19 tuổi) còn 14,8% (năm 2010 tỷ lệ này là 23,4%). Điều kiện học tập và chăm sóc sức khỏe cho các em đã được cải thiện đáng kể tại nhiều địa phương; các dịch bệnh thường gặp ở trẻ em đã giảm mạnh. Đặc biệt trong 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục đào tạo để các địa phương sớm mở cửa trường học, đưa học sinh, sinh viên trở lại trường an toàn. Ngày 10/2/2022, tại Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, Bộ Y tế cho biết, có 95% học sinh trong độ tuổi từ 12- 18 tuổi được tiêm 1 mũi vaccine Covid-19 và 88,5% đã được tiêm đủ 2 mũi. Hiện, Bộ Y tế đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 5-12 tuổi.

            Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác giáo dục, đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe học đường vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo cả nước có gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; Đội ngũ cán bộ cấp dưỡng trong trường học chưa được đào tạo bài bản, thực đơn bữa ăn chưa bảo đảm khoa học; Công tác tổ chức bữa ăn bán trú còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, miền núi do điều kiện kinh tế còn hạn chế. Năm học 2019-2020 69% số học sinh chưa tham gia hoạt động thể dục thể thao; 76,5% số học sinh không đạt tiêu chuẩn đánh giá xếp loại thể lực theo tuổi. Năm học 2018 - 2019 tại các trường học mầm non và phổ thông vẫn còn 22,8% nhà vệ sinh bán kiên cố, xuống cấp. Số lượng nhà vệ sinh đủ nước sạch và xà phòng rửa tay chiếm khoảng 65,6%; Số trường có đủ nước uống và nước sinh hoạt chiếm khoảng 62,8%. Hiện nay, hơn 40% học sinh mắc tật khúc xạ; Gần 90% học sinh mắc bệnh răng miệng và có tới 7 đến 15% học sinh mắc bệnh cong vẹo cột sống...

Sức khỏe học đường - vì sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cho học sinh

Đứng trước thực trạng sức khỏe học đường đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, để duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường chuyên biệt, bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh, ngày 2/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 với thông điệp "Trường học an toàn, học sinh khỏe mạnh" thể hiện sự quyết tâm và khát vọng của quốc gia vào việc chăm sóc cho thế hệ tương lai. Đây là bước khởi đầu cho một chương trình thiết thực, tổng thể và dài hạn về sức khỏe học đường, quy mô lớn nhất từ trước đến nay và được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho trường học, để chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ Việt Nam khỏe mạnh, năng động, trưởng thành. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, có 75% trường học cung cấp đủ nước uống và nước sạch cho sinh hoạt, hoạt động trong trường học bảo đảm chất lượng theo quy định. 100% trường học có nhà vệ sinh cho học sinh; 80% trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn; 75% phòng học đạt yêu cầu về chiếu sáng; 50% trường học phổ thông bố trí bàn ghế bảo đảm cỡ số theo nhóm chiều cao của học sinh, phù hợp cho học sinh khuyết tật; 80% trường học bố trí ít nhất 1 khu vực bảo đảm các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao theo quy định; 100% trường học có đủ giáo viên giáo dục thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ (đối với các trường học phổ thông); 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định; 60% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định; 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; 95% cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên y tế trường học được tập huấn về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong trường học.

 

                                                    Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Chương trình cũng tạo cơ chế chính sách, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thu hút sự tham gia đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh.

Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là tiếp tục chú trọng dạy các kỹ năng sinh tồn cho trẻ, nhất là có giải pháp giảm tỷ lệ trẻ đuối nước. Nhà trường, gia đình, học sinh và người dân cần chủ động, tích cực coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt và coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang với sức khỏe thể chất. Gia đình và nhà trường phải liên hệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Tiếp tục phát động chiến dịch tiêm chủng cho các cháu từ 5 đến 12 tuổi an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh.

Giải pháp hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường thời gian tới

Để triển khai có hiệu quả công tác sức khỏe học đường và đạt mục tiêu của chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là: Bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trong trường học để bảo đảm điều kiện dạy và học, nâng cao chất lượng công tác sức khỏe học đường, nhất là y tế và bữa ăn học đường đối với các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai là: Tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để triển khai công tác sức khỏe học đường phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, từng trường học; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân viên trong trường học trực tiếp hoặc gián tiếp triển khai công tác sức khỏe học đường. Khuyến khích các trường học ngoài công lập chủ động bố trí đầy đủ bộ máy, nhân lực phục vụ cho y tế trường học, bữa ăn học đường và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn triển khai các phần mềm quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học phục vụ triển khai hiệu quả công tác sức khỏe học đường.

Ba là: Đổi mới công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học với việc nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá môn học giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục phổ thông mới một cách thiết thực, hiệu quả theo hướng cá thể hóa người học.

Bốn là: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sức khỏe học sinh (có kết nối giữa gia đình và nhà trường) nhằm kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, tư vấn cho học sinh, giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh về các vấn đề liên quan đến sức khỏe và kỹ năng tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. Số hóa trong quản lý, sử dụng cơ sở vật chất phục vụ công tác sức khỏe học đường (trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe học sinh, sân chơi, bãi tập, công trình nước sạch, nhà vệ sinh...).

Năm là: Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục và vận động xã hội. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục truyền thông về Chương trình và phổ biến kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến đến các trường học về chủ trương, chính sách, hướng dẫn đối với sức khỏe học đường và nâng cao sức khỏe cho học sinh. Đa dạng hóa các phương thức truyền thông về sức khỏe học đường phù hợp với từng cấp học, địa phương, vùng, miền, dân tộc.

Sáu là: Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh, đặc biệt đối với vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng, hoàn thiện và tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành về hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh từ trung ương đến địa phương; đòng thời đẩy mạnh huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia triển khai Chương trình.

Bảy là: Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế. Huy động sự ủng hộ, tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc thực hiện Chương trình cũng như giám sát, đánh giá hoạt động của Chương trình. Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ tài chính triển khai thực hiện Chương trình./.

Ngân Đạt