Lương lao động Việt Nam tuy tăng nhưng vẫn thấp so với mức chung thế giới
Năm 2022, mức lương của người lao động tăng so với năm 2021, thậm chí còn ghi nhận mức tăng so với năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch. Mức tăng được thể hiện rõ tại một số địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, có thị trường lao động dồi dào trên cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Số liệu về tình hình lao động - việc làm của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương năm 2022 là 7,5 triệu đồng, tăng 15,1% so với năm trước, tương ứng tăng 992 nghìn đồng. So với cùng kỳ năm 2019, khi Covid-19 chưa xuất hiện, thu nhập của lao động làm công hưởng lương tăng 12,7%, tương ứng tăng khoảng 847 nghìn đồng. Lao động nam làm công hưởng lương có thu nhập bình quân là 8,0 triệu đồng, cao hơn 1,14 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (7,0 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương làm việc ở khu vực thành thị cao hơn 1,23 lần thu nhập bình quân của lao động làm việc ở khu vực nông thôn, tương ứng 8,4 triệu đồng so với 6,9 triệu đồng.
Lương lao động Việt Nam tuy tăng nhưng vẫn thấp so với mức chung của thể giới
Trong nửa đầu năm 2023, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương là 7 triệu đồng/tháng, tăng 7,6%, tương ứng tăng 497 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Khoảng cách thu nhập bình quân của lao động nam và lao động nữ được kéo rộng hơn. Cụ thể: Thu nhập bình quân của lao động nam là 8 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,9 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,5 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,1 triệu đồng/tháng.
Mặc dù mức lương của người lao động tăng, nhưng tính đến năm 2021, Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình, đời sống của người dân chưa thực sự cao và có sự phân cấp ngày càng rõ rệt. So với thế giới, mức lương tối thiểu và lương trung bình của Việt Nam vẫn còn một khoảng cách dài cần phấn đấu. Khảo sát của Bộ Lao động Mỹ vào tháng 1/2023 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 159/167 quốc gia được khảo sát với mức lương tối thiểu vùng theo tháng trung bình là 162 USD/tháng (tương đương 3,9 triệu đồng theo trị giá USD ngày 14/9/2023). Mức lương trung bình 7 triệu đồng/tháng của nửa đầu năm 2023, tương đương khoảng 288 USD của Việt Nam được cho là khá khiêm tốn so với mức trung bình của khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD).
Bảng 1: Mức lương tối thiểu vùng năm 2023
Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp. Mức lương lao động Việt Nam thấp là điều thu hút đối với doanh nghiệp nước ngoài nhưng lại là vấn đề lớn trong đảm bảo an sinh xã hội với chính bản thân người lao động, đồng thời kìm hãm mức tăng chung về tiêu dùng, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung cả về kinh tế và xã hội. Suy thoái kinh tế cùng lạm phát toàn cầu và tình hình khó khăn chung trong nước đã, đang có ảnh hưởng đến lạm phát tại Việt Nam, khiến giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu với người dân tăng cao. Bình quân 9 tháng năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%. Riêng trong tháng 9/2023, CPI tăng 1,08% so với tháng trước, tăng 3,12% so với tháng 12/2022 và tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu đã khiến cho chỉ số giá tiêu dùng tăng lên. Bên cạnh đó, do phúc lợi còn thấp, các hộ gia đình còn phải dành tài chính cho rất nhiều khoản chi phí khác như: Giáo dục, y tế, viễn thông, giao thông, đồ dùng gia đình...
Với mức lương trung bình thấp như hiện nay, lạm phát khiến chi phí, giá cả tăng cao đã gây áp lực chi tiêu lên các hộ gia đình. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trước tác động của các sự kiện tiêu cực đến đời sống trong 8 tháng năm 2023, có đến 30,1% hộ gia đình cho rằng đang phải chịu những ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao.
Tại một số địa phương trên cả nước, thời gian gần đây gia tăng tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc. Theo Bộ Nội vụ, xu hướng xin nghỉ việc, thôi việc trong các bộ, ngành, địa phương một năm qua có phần tăng lên so với giai đoạn tháng 1/2020 đến tháng 6/2022. Trong đó, công chức chiếm 10,36% và viên chức chiếm 89,64% (viên chức sự nghiệp giáo dục - đào tạo chiếm 54,2% và sự nghiệp y tế chiếm 26,5%; ở độ tuổi dưới 50 tuổi chiếm 86,25%). Các địa phương có số công chức, viên chức thôi việc nhiều nhất trong thời gian từ 1/7/2022 - 30/6/2023 là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang, chiếm 38,63% tổng số người thôi việc trong cả nước. Một trong các nguyên nhân được lý giải cho tình trạng này là do chế độ tiền lương thấp, còn tồn tại bất cập trong các chế độ, chính sách nên công chức, viên chức xin nghỉ việc, tìm việc làm khác có thu nhập tốt hơn để đảm bảo đời sống cho bản thân và gia đình.
Nhiều chính sách đẩy mạnh lộ trình cải cách tiền lương nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đời sống người dân
Chính vì vậy, lộ trình cải cách chính sách tiền lương cần bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ, kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện hành; tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước. Cải cách chính sách tiền lương là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (thực hiện từ ngày 01/7/2023). Theo đó, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tăng thêm 20,8%. Đây là tin vui với người lao động trên cả nước khi mức lương cơ sở tăng lên đồng nghĩa với việc thu nhập tăng.
Cũng trong năm, Chính phủ có nhiều hành động quyết liệt đẩy mạnh lộ trình cải cách tiền lương, hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương và phụ cấp mới (trong đó có quy định hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức) thay thế Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang để thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, đảm bảo theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 10/7/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng kinh phí quản lý hành chính, bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, chính sách tiền lương theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương và việc bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cho cải cách chính sách tiền lương giai đoạn sau năm 2023.
Theo Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ ngày 09/9/2023 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động. Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ về phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 27.
Các quyết sách kể trên là tín hiệu mừng đối với người lao động trên cả nước; đồng thời cho thấy sự quan tâm và hành động mạnh mẽ của Chính phủ nhằm đẩy mạnh lộ trình cảnh cách tiền lương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Cải cách tiền lương sẽ góp phần giảm bớt khả năng có thể xảy ra suy thoái kinh tế của đất nước dưới tác động chung của toàn cầu. Đồng thời có tác động lớn đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động nói riêng và cho người dân nói chung, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, hướng tới hoàn thành các mục tiêu về phát triển con người./.
Điều 90, 91 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
|
ThS. Lê Thị Cẩm Nhung
Học viện Chính trị Khu vực III