Quy hoạch xây dựng Nông thôn mới gắn với đô thị hóa: Một số định hướng triển khai giai đoạn 2021-2025

|

Quy hoạch xây dựng Nông thôn mới gắn với đô thị hóa: Một số định hướng triển khai giai đoạn 2021-2025

Quy hoạch xây dựng nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa là định hướng xuyên suốt trong xây dựng và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, đến năm 2030 theo mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Quy hoạch xây dựng nông thôn mới không chỉ bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo các chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới mà còn cần phù hợp với quá trình đô thị hóa, tạo lập không gian cảnh quan nông thôn bền vững, phù hợp với đặc trưng vùng miền và môi trường sống thân thiện, góp phần giữ gìn bản sắc địa phương và phản ánh đời sống nông thôn.

Tại Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), quy hoạch là tiêu chí đầu tiên trong 19 tiêu chí xây dựng NTM. Đây là tiêu chí có vai trò quan trọng làm tiền đề xây dựng, thực hiện các tiêu chí tiếp theo. Quy hoạch xây dựng NTM được phê duyệt và triển khai là cơ sở để thực hiện các dự án, đẩy nhanh phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển sản xuất. Do đó, công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng NTM luôn được đặt ở vị trí hàng đầu nhằm định hướng cho lộ trình xây dựng NTM, góp phần hoạch định phát triển các không gian trên địa bàn nông thôn một cách toàn diện ở các địa phương.

Đánh giá về những kết quả đạt được từ Chương trình MTQG xây dựng NTM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cho biết, những năm qua, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan đã nghiêm túc thực hiện và triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo chuyển biến lớn và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập, quản lý quy hoạch NTM, xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay và khởi sắc. Nhờ quy hoạch xây dựng NTM mà cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn đã được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở các địa phương.

 

Quy hoạch NTM gắn với quá trình đô thị hóa là mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025  

 
Tính đến tháng 2/2023, cả nước có 93,6% số xã đạt tiêu chí quy hoạch. Trong đó, vùng đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ có 100% số xã đạt tiêu chí quy hoạch. Mặc dù vậy, việc triển khai thực hiện tiêu chí Quy hoạch nói chung và xây dựng NTM theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, mặc dù hơn 90% số xã đã đạt tiêu chí quy hoạch NTM song do quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh ở các địa phương đã tạo thêm những vấn đề lớn trong tổ chức sản xuất, quản lý lao động, quản lý các vấn đề xã hội, hạ tầng kết nối giữa đô thị và nông thôn, nhất là tổ chức sản xuất gắn với dịch vụ thương mại. Các chuyên gia cũng cho rằng, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng. Nhiều nơi đô thị hóa tự phát không theo quy hoạch, dẫn đến phá vỡ cảnh quan, mất bản sắc truyền thống, hoặc cũng có nơi bị pha tạp…

Ngoài ra, công tác quy hoạch NTM thời gian qua cũng cho thấy kết nối hạ tầng giữa khu vực đô thị-nông thôn bị đứt gãy, chưa tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ. Hạ tầng dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cũng ít được quan tâm và bố trí quỹ đất để xây dựng. Một số địa phương triển khai quy hoạch NTM còn hạn chế, việc bảo vệ, phát huy không gian kiến trúc truyền thống, di tích văn hóa lịch sử chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Việc rà soát và điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng nông thôn chưa được thực hiện đầy đủ bởi một số ràng buộc về các quy định của Luật Xây dựng, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện quy hoạch phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Trên cơ sở những hạn chế và yêu cầu của quá trình đô thị hóa hiện nay, tại Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, nội dung tiêu chí quy hoạch trong xây dựng NTM đã có sự điều chỉnh nhằm phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện các quy hoạch gắn với thực hiện bộ tiêu chí NTM nhằm đảm bảo đáp ứng mục tiêu của quy hoạch là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững, bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đẩy mạnh đô thị hóa khu vực nông thôn trên nền tảng kế thừa kết quả xây dựng NTM; đảm bảo tính kết nối giữa nông thôn - đô thị, giữa vùng nông thôn với vùng phát triển du lịch dịch vụ, kết nối vùng đồng bằng - miền núi.

Nhằm tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của công tác quy hoạch trong xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, đảm bảo công tác quy hoạch NTM phù hợp định hướng, hoạch định phát triển các không gian nông thôn một cách toàn diện, ngày 07/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống. Theo Chỉ thị, nhiều chỉ tiêu quy hoạch xây dựng NTM đã được điều chỉnh để đảm bảo các yêu cầu của quá trình đô thị hóa, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tối thiểu 80% điểm dân cư nông thôn được ban hành quy chế quản lý kiến trúc.
Triển khai thực hiện Chỉ thị trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn phòng điều phối NTM) đã có công văn hướng dẫn và yêu cầu các địa phương quan tâm, đẩy mạnh quy hoạch nông thôn trong xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn 2021-2025. Trong đó một số nhiệm vụ cần triển khai quy hoạch NTM gắn với đô thị hóa được cụ thể hóa, bao gồm:

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng vùng huyện (gọi tắt là quy hoạch nông thôn), nhất là các quy hoạch đã hết thời hạn, phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia và các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.

Nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch nông thôn đảm bảo đáp ứng mục tiêu của quy hoạch là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch nông thôn phải đảm bảo tính kết nối giữa nông thôn - đô thị, nông thôn - vùng phát triển công nghiệp, nông thôn - vùng phát triển du lịch dịch vụ, đồng bằng - miền núi và tính đến mục tiêu xây dựng NTM bền vững.

Quy hoạch nông thôn gắn với đô thị hóa; cần có những quy định cụ thể về xây dựng NTM cho các xã ven đô, các xã, huyện được quy hoạch thành đô thị (vừa đáp ứng được các quy định về tiêu chí xây dựng NTM, vừa phù hợp với định hướng phát triển thành đô thị) để kế thừa kết quả xây dựng NTM khi trở thành đô thị, đồng thời hạn chế tối đa trong việc xáo trộn trong đầu tư xây dựng. Đẩy mạnh phát triển các yếu tố tạo đô thị trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở tiềm năng của từng khu vực như phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, các khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn…

Thí điểm xây dựng các mô hình xây dựng NTM gắn với đô thị hoá tại các xã ven đô hoặc các xã/huyện được quy hoạch phát triển thành đô thị. Trong đó, bên cạnh các giải pháp về hạ tầng kết nối, cần có các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đời sống của người dân; đào tạo nghề phi nông nghiệp và tạo việc làm cho người dân nông thôn để từng bước thích ứng với cuộc sống đô thị; có giải pháp đối với các áp lực về môi trường; giữ vững an ninh trật tự và đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống… Cần định hướng xây dựng NTM vùng ven đô trở thành vùng đệm, vùng xanh, khu vực nghỉ dưỡng cho các vùng đô thị liền kề.

Quy hoạch nông thôn phải nghiên cứu, xem xét tính đặc thù với từng vùng, miền, địa phương gắn với bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị đặc sắc của kiến trúc dân gian truyền thống, văn hóa lịch sử, cảnh quan tự nhiên, những nội dung cấu thành làm nên sự khác biệt giữa nông thôn và đô thị (tránh tư duy nông thôn mới nghĩa là cái gì cũng xây mới). Xây dựng và ban hành các thiết kế mẫu điển hình về nhà ở khu vực nông thôn và sử dụng các thiết kế mẫu này trong các chương trình/kế hoạch/dự án hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ chính sách. Rà soát thí điểm triển khai nâng cấp một số cụm, tuyến dân cư, các mô hình điểm du lịch nông thôn có khả năng đạt các tiêu chí đô thị. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình NTM cho các vùng đặc thù, như: Vùng biên giới, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, vùng đặc thù về quốc phòng, an ninh,…

Quy hoạch sản xuất trong quy hoạch nông thôn phải gắn kết chặt chẽ với các định hướng quốc gia, chiến lược về phát triển nông nghiệp nông thôn; quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, du lịch nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị và chuyển đổi số trong nông nghiệp để hướng đến “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Quy hoạch nông thôn cần chú trọng hơn nữa đến việc bố trí quỹ đất, không gian hợp lý để triển khai thực hiện các công trình bảo vệ môi trường (các công trình thu gom, xử lý rác thải, nước thải nông thôn, thu gom xử lý chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp…), không gian sinh hoạt công cộng và điểm vui chơi, giải trí cho cộng đồng dân cư nông thôn.

Có thể thấy, với những đổi mới trong công tác quản lý, phù hợp và thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, đồng thời đảm bảo mục tiêu xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế-xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu như đã được nêu tại Chỉ thị 04, quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt được mục tiêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện “Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân”./.

Đoàn Châu