Các chuyên gia dân số đang bày tỏ quan ngại trước thực trạng tại nhiều địa phương hiện nay mức sinh trung bình một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ rất thấp. Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy như: Già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Để giải quyết chênh lệch mức sinh ở các vùng miền, Việt Nam cần tiếp tục có các giải pháp can thiệp phù hợp trong thời gian tới.
Chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng miền
Năm 2019 đánh dấu bước chuyển lớn của nền dân số Việt Nam với việc chuyện trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa sang phát triển, trong đó chú trọng tới quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số. Thành công của chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đã hạn chế được bùng nổ dân số, hình thành cơ cấu dân số vàng, chất lượng dân số được nâng cao, qua đó tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường của nước ta. Tuy nhiên bên cạnh thành tựu lớn cũng nảy sinh thách thức mới là Chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng miền.
Toàn cảnh Hội thảo mức sinh thấp tại Việt Nam thực trạng và giải pháp
Hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” do Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) chủ trì, phối hợp cùng Cục Dân số (Bộ Y tế) và Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam tổ chức mới đây cho thấy, Việt Nam dù duy trì được mức sinh thay thế nhưng cũng đang phải đối mặt về sự chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng, tỉnh, thành phố. Tại một số địa phương, mức sinh con mới đã giảm thấp tới ngưỡng báo động. Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế (chiếm 19% dân số); 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao (chiếm 42% dân số) và 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (chiếm 39% dân số). Thậm chí một số nơi rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung. Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước. Trong đó, mức sinh tại khu vực Đông Nam Bộ giảm xuống rất thấp, còn 1,56 con, tại đồng bằng sông Cửu Long là 1,8 con.
Xét mức sinh ở tất cả các nhóm: Nghèo trung bình, giàu, giàu nhất đều xung quanh mức sinh 2 con, chỉ có nhóm nghèo nhất là vượt hẳn lên 2,4 con.
Đặc biệt, xuất hiện xu hướng mức sinh ngày càng thấp, các cặp vợ chồng trẻ ngày càng sinh ít con. Đơn cử tại TP HCM, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM cho biết, từ năm 2000 đến nay, tỷ suất sinh của thành phố liên tục giảm, từ 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ xuống chỉ còn 1,39 năm 2022, Hiện, Thành phố đang ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế trên toàn quốc là 2,09 con. Thành phố cũng đang bước sang giai đoạn già hóa dân số với chỉ số là 49,4%, cao hơn so với cả nước là 48,8%. Tháng 3/2023, UBND TP HCM đã ban hành “Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030. Thành phố đặt mục tiêu nâng tổng tỷ suất sinh đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025, hướng tới năm 2030 là 1,6 con. Quy mô dân số Thành phố khoảng 10,6 triệu người vào năm 2025 và đạt 12 triệu người vào năm 2030. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên phấn đấu trên 1,1% vào năm 2025, trên 1,3% vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, nếu mức sinh thấp dưới 1,3 con thì hầu như không có khả năng khôi phục về mức sinh thay thế.
Mức sinh thấp góp phần đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số. Nếu năm 2019, cứ 2 trẻ em thì có 1 người cao tuổi, dự báo đến năm 2069 tức là 50 năm sau cứ 2 đứa trẻ sẽ có 3 người trên 60 tuổi. Mặt khác, ở mức sinh như hiện nay, dân số Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên đỉnh điểm 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm dần và hạ xuống 72 triệu vào năm 2100.
Cùng với mức sinh giảm, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao. Theo Bộ Y tế, ước tính mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, với tỉ lệ khoảng 7,7% dân số. Trong số này, khoảng 50% là các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau 1 lần có thai) đang gia tăng từ 15-20% mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Nhìn chung, mức sinh giảm tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Giải pháp chênh lệch mức sinh trong thời gian tới
Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đô thị hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng ít con ngày càng lan rộng. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như: Già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…
Để giải quyết chênh lệch mức sinh, ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu chung là duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước. Để hoàn thành mục tiêu chung, Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2,0 con). Giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con). Duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,2 con).
Để triển khai thực hiện, Bộ trưởng Bộ Y tế ban bành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hướng tới ổn định quy mô dân số và cơ cấu dân số hợp lý hơn giữa các vùng, miền trong cả nước.
Duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho phát triển đất nước. Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra những nhiệm vụ giải pháp như:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền với việc tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa việc chuyển hướng công tác dân số từ tập trung vào việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế. Thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo cuộc vận động thực hiện mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ hai con; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sinh ít con hơn ở những địa phương có mức sinh còn cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp; Trên cơ sở xác định hiện trạng và xu hướng mức sinh của địa phương, đơn vị để xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch với chỉ tiêu cụ thể về việc điều chỉnh mức sinh của địa phương, đơn vị cho từng giai đoạn cụ thể hướng đến mục tiêu đạt mức sinh thay thế - mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng nên sinh hai con.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng các nội dung của Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về việc chuyển hướng chính sách dân số từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số, bao gồm quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt tập trung tuyên truyền nội dung chuyển hướng chính sách về quy mô dân số từ tập trung vào nỗ lực giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.
Ba là, điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định không còn phù hợp với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế; Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh của các địa phương có mức sinh khác nhau; Đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con.
Bốn là, mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ có liên quan; Xây dựng và triển khai các loại hình phòng, tránh vô sinh từ tuổi vị thành niên tại cộng đồng; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển mạng lưới hỗ trợ sinh sản.
Năm là, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng với việc cập nhật kiến thức mới, tập huấn lại bảo đảm đội ngũ cộng tác viên dân số thực hiện đầy đủ, có hiệu quả việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện sinh đủ hai con và tham gia cung cấp một số dịch vụ tới tận hộ gia đình; Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác dân số các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng lồng ghép các nội dung điều chỉnh mức sinh vào nhiệm vụ, hoạt động của các ngành, đơn vị; Tổ chức học tập và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia, vùng lãnh thổ về quy mô dân số và mức sinh, biện pháp điều chỉnh mức sinh, đặc biệt là tại các quốc gia đã hoặc đang trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học./.
Trang Nguyễn