Phát triển du lịch từ khai thác thế mạnh ẩm thực

|

Phát triển du lịch từ khai thác thế mạnh ẩm thực

Lời mở đầu

Phát triển kinh tế du lịch góp phần giới thiệu và quảng bá hình ảnh của quốc gia đối với nhiều nước khác trên thế giới; có cơ hội được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; có cơ hội liên kết mở rộng các tuyến du lịch và các loại hình du lịch mới. Tuy nhiên, phát triển kinh tế du lịch cũng đối mặt với một số thách thức như làm tăng sự phụ thuộc về khách du lịch của các quốc gia vào thị trường nước ngoài. Với đất nước Việt Nam, ẩm thực dần trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong thu hút khách du lịch quốc tế. Do đó, trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ẩm thực là một trong những giải pháp được đưa ra trong khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam.

Từ khoá: Phát triển du lịch, khai thác, ẩm thực

Đặt vấn đề

Du lịch ẩm thực đang trở thành một loại hình du lịch khá phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam; và với Du lịch ẩm thực, du khách không chỉ được trải nghiệm các món ăn, đồ uống, mà còn được trải nghiệm bản sắc văn hóa và cuộc sống của cộng đồng tại điểm đến.

Sở hữu nền ẩm thực phong phú, đa dạng cùng những tinh hoa trong cách chế biến, thưởng thức được đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch ẩm thực. Thời gian qua, các đơn vị lữ hành chú trọng đưa các sản phẩm du lịch liên quan đến ẩm thực vào các tour du lịch, như: Tham gia hội chợ, lễ hội ẩm thực truyền thống ở nhiều vùng miền, làng quê, tham gia các lớp nấu ăn hay tour du lịch chuyên ẩm thực... Nhờ đó, mang đến trải nghiệm chân thực nhất cho du khách khi được khám phá trọn vẹn các món ngon Việt Nam.

Thực trạng phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam

Ẩm thực Việt Nam có rất nhiều món ăn mang thương hiệu quốc gia, quốc tế được du khách quốc tế mong muốn đến thưởng thức như: Phở, bánh mì, cà phê trứng, nem... Nắm bắt lợi thế từ ẩm thực trong quảng bá văn hóa, kích cầu du lịch, thu hút du khách, nhiều địa phương đã chú trọng phát triển ẩm thực, quy hoạch và xây dựng “bản đồ ẩm thực” để thu hút du khách.

Ẩm thực Hà Nội hấp dẫn du khách bởi sự phong phú và tinh tế, chứa đựng chiều sâu văn hóa đất Kinh kỳ từ hàng nghìn năm. Nhắc đến ẩm thực Hà Nội là nhắc đến Phở Lý Quốc Sư, phở Thìn, bún ốc hồ Tây, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, cốm làng Vòng... cùng những tuyến phố ẩm thực được nhiều người biết đến như: Tạ Hiện, Mã Mây, Đồng Xuân, Cầu Gỗ, Tống Duy Tân… Nhiều tờ báo, trang du lịch nổi tiếng thế giới đã xếp Hà Nội là một trong số ít thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới. Khai thác thế mạnh ẩm thực để phát triển du lịch đang là định hướng phát triển du lịch Thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Thành phố Hồ Chí Minh - một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, ẩm thực luôn được coi là một trong những sản phẩm chiến lược để thu hút du khách. Nhiều năm qua, ẩm thực đường phố là một bộ phận cấu thành trong hệ thống sản phẩm du lịch quan trọng được Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm gìn giữ và phát huy. Đến Thành phố Hồ Chí Minh các món ăn như: Cơm tấm sườn bì, bánh mì Sài Gòn, gỏi cuốn, bò bía, hủ tiếu gõ… được nhiều du khách lựa chọn để thưởng thức. Bên cạnh đó, các công ty du lịch đã nắm bắt cơ hội thiết kế nhiều chương trình du lịch giúp du khách tham gia được trải nghiệm ẩm thực đường phố theo cách gần gũi, thực chất nhất. Các tour du lịch này đã đem lại nguồn thu đáng kể cho các đơn vị tổ chức và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Thành công trong khai thác thế mạnh ẩm thực vào phát triển du lịch còn có Thành phố Hải Phòng với sản phẩm du lịch foodtour đặc biệt hút khách, nhờ việc xây dựng bản đồ số về ẩm thực, du khách có thể dễ dàng có những trải nghiệm ngắn ngày đáng nhớ với thành phố hoa phượng đỏ này. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm khi thưởng thức ẩm thực cung đình…

Thực tế cho thấy, du lịch ẩm thực là loại hình du lịch không chỉ thu hút khách nước ngoài mà du khách nội địa cũng rất yêu thích. Những trải nghiệm trong du lịch ẩm thực nhờ đó góp phần truyền bá văn hóa của điểm đến, không chỉ tăng sự thú vị của chuyến đi cho du khách mà còn đem lại doanh thu, hiệu quả cho người tổ chức. Tổng cục Du lịch nhận định, nơi nào có dịch vụ ăn uống đặc sắc nơi đó có dấu ấn tốt với du khách, qua đó tạo niềm tin và giúp họ thỏa mãn nhu cầu khám phá nghệ thuật ẩm thực, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân tạo nguồn thu cho địa phương.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 673,5 nghìn tỷ đồng. Một số địa phương doanh thu năm 2023 tăng khá so với năm trước như: Đà Nẵng tăng 33,9%; Cần Thơ tăng 28,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 28,3%; Hải Phòng tăng 13,1%; Hà Nội tăng 11,2%. Đây cũng là những địa phương có doanh thu du lịch lữ hành tăng cao: Đà Nẵng tăng 133,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 68%; Hà Nội tăng 47,5%; Hải Phòng tăng 41,9%; Cần Thơ tăng 29,1%.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022.

Tính riêng 2 tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trên cả nước ước đạt 118,3 nghìn tỷ đồng. Doanh thu lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có tốc độ tăng cao như: Ninh Bình tăng 35%; Kiên Giang tăng 24%; Đà Nẵng tăng 22,7%; Quảng Ninh tăng 20,8%; An Giang tăng 20,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 18,6%; Hà Nội tăng 17,4%; Hà Nam tăng 13,4%; Cần Thơ tăng 10,8%; Hải Phòng tăng 10,5%.

2 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 98,5% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Về doanh thu du lịch lữ hành 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 9 nghìn tỷ đồng. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sau: Hà Nam tăng 88%; Đà Nẵng tăng 86,3%; Hà Nội tăng 49,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 23%; Quảng Ninh tăng 21,5%; Cần Thơ tăng 9%;

Bên cạnh đó, với sự phong phú, đa dạng, hài hòa và tinh tế, ẩm thực Việt được coi là di sản văn hóa mang tính quốc hồn, quốc túy, ẩm thực Việt chính là tài nguyên giúp tạo lợi thế so sánh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới. Thời gian qua, ẩm thực Việt Nam được nhiều chuyên trang du lịch và cẩm nang ẩm thực nổi tiếng vinh danh như: Kênh truyền hình của Mỹ CNN bình chọn ẩm thực Việt Nam là một trong 10 nền ẩm thực tuyệt nhất thế giới. Giải thưởng Ẩm thực thế giới (thuộc hệ thống Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards) đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á năm 2022”. Chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) công bố danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách bình chọn từ độc giả. Năm 2021, Phở Việt Nam được tôn vinh trên công cụ tìm kiếm Google Doodle. Nhiều tạp chí, chuyên trang du lịch ẩm thực nổi tiếng cũng dành lời khen cho ẩm thực Việt. Năm 2023, cẩm nang ẩm thực nổi tiếng thế giới Michelin Guide đã gắn sao cho 4 nhà hàng Việt tạo ra thương hiệu cho du lịch ẩm thực Việt Nam thu hút du khách quốc tế lựa chọn Việt Nam làm điểm đến.

Được vinh danh, đánh giá cao bởi các tổ chức, truyền thông và chuyên gia quốc tế, ẩm thực Việt Nam đang dần có chỗ đứng trên bản đồ ẩm thực thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới (World Food Tourism Association - WFTA), có tới 81% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ sẵn sàng dành trung bình 25-35% ngân sách cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch.

TS. Ngô Thị Minh

Đại học Công nghệ Đông Á